Đổi mới sáng tạo - Nền tảng đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững

Theo đánh giá của tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Cụ thể, năm 2017 Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng Chỉ số ĐMST toàn cầu, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, xếp thứ 28.

Tại Hội nghị“Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đồng tổ chức ngày 15/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định: Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định khoa học và công nghệ có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học và công nghệ với pháp luật liên quan; cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài phải cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Việt Nam; cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ...

“Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và lan rộng, mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia trong chặng đường phát triển. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững” - Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”.

Tại Hội nghị, các chuyên gia đã trình bày Báo cáo về tương lai nền kinh tế số của Việt Nam và các kết quả bước đầu của Báo cáo khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2035, tầm nhìn 2045. Các báo cáo này được thực hiện trên cơ sở khảo sát kỹ lưỡng thực tiễn và nghiên cứu bối cảnh của Việt Nam hiện tại.

Là đơn vị đồng tổ chức Hội nghị và là đối tác đổi mới sáng tạo của Bộ KH&CN, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick cho biết: “Việt Nam và Australia có chung hoài bão phát triển kinh tế thông qua việc ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đó là nền tảng vững chắc làm cơ sở cho quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo giữa hai nước. Australia cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để chia sẻ tri thức, chuyên môn và các mô hình thành công của Australia để giúp tăng cường hệ thống khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam”.

Ông Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Bà Alexis Bonell, Giám đốc Đổi mới sáng tạo của Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA) cho biết: “Khi Việt Nam tiếp tục hành trình 30 năm phát triển vượt bậc để trở thành một trong những quốc gia năng động nhất ở khu vực Đông Á, việc phối kết hợp cùng nhau giữa các bên liên quan (bao gồm Chính phủ, các chủ thể khu vực tư nhân và các cơ quan phát triển) trở nên vô cùng thiết yếu, giúp tối đa hóa các tác động tích cực của các tiến bộ công nghệ, đồng thời giảm thiểu những tác động bất lợi của chúng”.

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác, các tổ chức quốc tế để triển khai các quan hệ hợp tác nhằm nâng cao năng lực khoa học, công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia mà trước mắt và cụ thể nhất là phối hợp với Ngân hàng Thế giới hoàn thiện Báo cáo khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2035, tầm nhìn 2045.

Được biết, Hội nghị chính là điểm nhấn của Tuần lễ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam (diễn ra từ 13-17/5/2019) nhằm tôn vinh sự đóng góp của Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế...

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/doi-moi-sang-tao-nen-tang-dua-viet-nam-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-post299597.info