Đổi mới, sáng tạo, nâng cao tính thuyết phục, hiệu quả công tác tuyên giáo

Công tác tuyên giáo là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng nhằm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập hợp, quy tụ và khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.

90 năm qua (01/08/1930-01/08/2020), dưới sự dẫn dắt, giáo dục, rèn luyện của Đảng, ngành Tuyên giáo đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại.

Nhân tố quyết định làm nên thắng lợi của dân tộc

Ngay từ khi Đảng mới ra đời, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các lãnh tụ tiền bối của Đảng đã trực tiếp làm công tác tuyên truyền. Các hoạt động tuyên truyền, cổ động đã sớm đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; góp phần quy tụ, tập hợp, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, động viên, cổ vũ mọi giai tầng xã hội tham gia cách mạng, làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám (1945), giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân, thành lập Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Trải qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược, công tác tuyên giáo tiếp tục phát triển, có vai trò quan trọng trong phong trào cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kết hợp sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc với sức mạnh của thời đại, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Nhờ đó, Việt Nam đã chiến thắng các thế lực thực dân, đế quốc và tay sai, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông nhấn mạnh: Trong chiến thắng vĩ đại của dân tộc, công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là cái nôi nuôi dưỡng, phát triển, truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống và sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, được coi là một trong những nhân tố quyết định làm nên thắng lợi của dân tộc trong cuộc đọ sức sống còn với các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược để tự khẳng định mình.

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công tác tuyên giáo tiếp tục góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới tư duy lý luận, xây dựng Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các phong trào quần chúng sâu rộng thực hiện đường lối của Đảng.

Tìm cách làm phù hợp

Gần 35 năm đổi mới đã qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nâng cao uy tín, vị thế trên trường quốc tế. Khẳng định sự đóng góp của ngành Tuyên giáo thể hiện trên nhiều mặt, nhiều góc độ, nhiều hình thức phù hợp, nhưng trước hết theo nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh đó là sự kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, bảo vệ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ động tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước những quyết sách quan trọng để lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy tinh thần yêu nước chân chính, hun đúc khát vọng vươn lên để chấn hưng đất nước vì một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

Tuy nhiên hiện nay, tình hình quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả... làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tư tưởng và hiệu quả công tác tuyên giáo của Đảng.

Làm gì và làm thế nào để công tác tuyên giáo hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó là trăn trở của nhiều cán bộ công tác trong ngành. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu Trần Đức Vương thấy rằng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, rất cần lòng say mê và tâm huyết nghề nghiệp của cán bộ làm công tác tuyên giáo. Nhấn mạnh công tác tuyên giáo phải gắn với thực tiễn cuộc sống, đồng chí Trần Đức Vương đúc rút cán bộ làm công tác tuyên giáo phải đi sâu, đi sát thực tế, kịp thời giải đáp những vẫn đề do thực tiễn đặt ra.

Đắm mình vào thực tiễn, gần giũi với nhân dân, cán bộ tuyên giáo mới có thể phát hiện được những diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội nảy sinh, những "điểm nóng", những tình huống tư tưởng, trên cơ sở đó kịp thời tham mưu, đề xuất những dự báo, giải pháp công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo. "Hướng mạnh về cơ cở, cán bộ tuyên giáo mới có thể nhìn thấy rõ hơn những nhân tố mới, những kinh nghiệm hay để tổng kết, phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội; phát hiện, đánh giá hiệu quả đi vào cuộc sống của các nghị quyết của Đảng ra sao, có gì cần khắc phục, sửa chữa, bổ sung. Có như vậy, hoạt động của đội ngũ cán bộ tuyên giáo mới sinh động, giàu sức sống và có tính thuyết phục"- Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu chia sẻ.

Trao đổi về những vấn đề đặt ra đối với công tác Tuyên giáo hiện nay, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương thấy rằng cần khắc phục tình trạng lạc hậu của lý luận, phát triển sáng tạo và hiện đại hóa lý luận với những đột phá lý luận để thúc đẩy đổi mới ở nước ta. Trong những vấn đề lý luận đó, ngoài lý luận về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội là vấn đề lớn nhất, bao trùm cần phải tập trung làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về Đảng Cộng sản cầm quyền, với ngành Tuyên giáo, đó là lý luận về công tác tuyên giáo để khoa học hóa tổ chức và hoạt động của ngành, đặc biệt là chú trọng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để làm rõ Đảng lãnh đạo công tác tuyên giáo như thế nào. GS.TS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh liên quan trực tiếp đến vấn đề này là dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, dân chủ cho hoạt động sáng tạo và phát triển các tài năng sáng tạo, Đảng với trí thức và văn nghệ sĩ - những đối tượng đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp tuyên giáo của Đảng.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh, hiện nay, sự phát triển của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, kỹ thuật số, “đường cong thông tin chỉ giây lát trở thành mặt phẳng”, đòi hỏi ngành Tuyên giáo phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhanh nhạy, kịp thời nắm bắt, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề nhạy cảm, phức tạp một cách khoa học, thuyết phục, tránh để “đốm lửa” tư tưởng bùng cháy cơ đồ dân tộc.

PGS.TS Hoàng Quốc Bảo (Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thấy rằng các phương tiện tuyên truyền truyền thống và mạng xã hội đều có những ưu thế và hạn chế riêng. Vì thế có thể kết hợp các phương tiện này trong công tác tuyên truyền nhằm phát huy ưu điểm và hạn chế của mỗi loại hình. Cụ thể như sử dụng ưu thế của mạng xã hội là kênh đưa thông tin xa nhất, nhanh nhất với thời gian ngắn nhất và phạm vi tác động rộng rãi đến mọi đối tượng trong xã hội thì sẽ khắc phục được hạn chế của các phương tiện truyền thống là thông tin chậm, không kịp thời và đối tượng tiếp nhận thông tin hẹp. Nếu sử dụng ưu thế của các phương tiện truyền thống là thông tin đúng định, đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sẽ khắc phục được hạn chế thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai lệch, thông tin xấu, độc, trái với quan điểm của Đảng, Nhà nước do các thế lực thù địch lợi dụng mạng để lan truyền trong xã hội. Hoặc sử dụng ưu thế của các phương tiện truyền thống như: nội dung và phương thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cụ thể và tính tương tác cao, tạo điều kiện cho người tiếp nhận thông tin dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo sẽ khắc phục được hạn chế của sử dụng mạng như tốn kém kinh phí, phụ thuộc vào sự phát triển của khoa học- công nghệ và phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh địa lý... Sự kết hợp này sẽ bổ sung, tác động, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với từng người, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư.

Những đòi hỏi của tình hình mới đặt ra những yêu cầu mới đối với ngành Tuyên giáo của Đảng. Cán bộ làm công tác tuyên giáo phải tìm những phương thức, cách làm phù hợp với thực tiễn để xứng đáng là người "đi trước, mở đường" trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/doi-moi-sang-tao-nang-cao-tinh-thuyet-phuc-hieu-qua-cong-tac-tuyen-giao-20200801063615901.htm