Đổi mới, sáng tạo, hướng tới hiệu quả thực chất

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và chương trình công tác năm, 7 tháng đầu năm, các cấp công đoàn (CĐ) đã tích cực tập trung các nguồn lực, tích cực đổi mới, sáng tạo, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm của tổ chức CĐ là nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Tích cực đổi mới phương thức làm việc

Năm 2019 là năm đầu tiên các cấp CĐ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII CĐ Việt Nam với nhiều chủ trương mới, lớn, hệ trọng, quyết định sự phát triển của tổ chức CĐ trong 5 năm tới và các năm tiếp theo.

Ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp ngành may huyện Văn Lâm, Hưng Yên

Ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp ngành may huyện Văn Lâm, Hưng Yên

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XII CĐ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII CĐ Việt Nam; đồng thời xây dựng và ban hành Quy chế làm việc, Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn nhiệm kỳ 2018 - 2023; tập trung chỉ đạo các ban nghiệp vụ xây dựng 7 chương trình nhằm cụ thể hóa ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội, đảm bảo quy trình xây dựng văn bản, chú trọng lấy ý kiến của CĐ các cấp nhằm tạo sự đồng thuận, tính khả thi, đồng bộ trong triển khai thực hiện.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, 7 tháng đầu năm, phong trào “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả” được phát động trong đội ngũ cán bộ CĐ các cấp, tạo tiền đề, bước đầu phát huy vai trò, tinh thần sáng tạo của đội ngũ cán bộ CĐ trong nâng cao chất lượng hoạt động CĐ, góp phần xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng kỳ vọng của đoàn viên, người lao động.

CĐ các cấp tổ chức gần 1.800 cuộc giám sát về chế độ, chính sách

Theo báo cáo của các ngành, địa phương, trong 6 tháng đầu năm, các cấp CĐ đã tổ chức 1.789 cuộc giám sát, phản biện tại 439 đơn vị. LĐLĐ các tỉnh đã tham gia Đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội tại 22 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành giám sát việc việc thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp tại 10 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh (đạt 128% kế hoạch năm).

LĐLĐ các huyện, thành phố, CĐ ngành tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp tại 74 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (đạt 51% kế hoạch năm).

Điều đó thể hiện sinh động trong thực tiễn, như: Cải tiến cách tổ chức các cuộc họp, hội nghị; gửi tài liệu trước qua email cho đại biểu nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến; không trình bày báo cáo tại hội nghị, dành thời gian cho đại biểu thảo luận, phát biểu ý kiến.

LĐLĐ tỉnh Gia Lai bỏ hình thức hoạt động cụm thi đua trong hệ thống CĐ tỉnh; tổ chức hội nghị giao ban, đối thoại giữa Thường trực và các ban LĐLĐ tỉnh với CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở theo khu vực, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở; xây dựng Kế hoạch và hướng dẫn nội dung trọng tâm của các ban khi thực hiện “Ngày cơ sở” với phương châm: “Hằng tuần có 4 ngày làm việc tại cơ quan, 1 ngày làm việc tại cơ sở”. 100% cán bộ CĐ chuyên trách từ chuyên viên trở lên đăng ký lịch đi cơ sở hằng tuần và thực hiện “Đi báo việc, về báo kết quả”…

Thêm nhiều bản TƯLĐTT được ký mới

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn ban hành Chương trình 2494/CTr-TLĐ ngày 19/12/2018 về nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giai đoạn 2018 - 2023.

Theo đó, các cấp CĐ đã tích cực cụ thể hóa nhằm tập trung các nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm của tổ chức CĐ.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, công tác thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) đạt kết quả tích cực với 1.020 bản TƯLĐTT ký mới (đạt 48,5% chỉ tiêu năm, tăng 3% so với tổng số TƯLĐTT ký kết trong cả năm 2018), nâng tổng số TƯLĐTT đã được ký kết lên 29.896 bản.

Việc thí điểm thương lượng và ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức CĐ tiếp tục có chuyển biến, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để người sử dụng lao động và đại diện tập thể người lao động cam kết thực hiện tốt các nội dung được thương lượng, góp phần hạn chế tranh chấp lao động.

Tiêu biểu như CĐ Khu kinh tế Hải Phòng đã hoàn tất thương lượng và ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, tăng số lượng các doanh nghiệp tham gia lên 19, trong đó 19/19 doanh nghiệp đều chưa có TƯLĐTT cấp doanh nghiệp, 7 doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở.

Tại LĐLĐ tỉnh Bình Dương, đã tổ chức ký kết TƯLĐTT nhóm 16 doanh nghiệp chế biến gỗ. LĐLĐ tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh thực hiện thí điểm đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT nhóm 8 doanh nghiệp ngành gỗ tại Khu công nghiệp Tam Phước…

LĐLĐ thành phố Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Du lịch và Hội Khách sạn thành phố tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp ngành du lịch - dịch vụ thành phố Đà Nẵng nhằm chia sẻ thông tin, nội dung cũng như hiệu quả mang lại của bản TƯLĐTT nhóm ngành du lịch dịch vụ đã được ký kết năm 2018, chuẩn bị cho việc thương lượng và ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp ngành du lịch - dịch vụ thành phố năm 2019 với dự kiến khoảng 40-50 doanh nghiệp tham gia…

Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đoàn viên, người lao động được duy trì. Tổng Liên đoàn tổ chức lễ ra mắt phần mềm tư vấn pháp luật trực tuyến CĐ Việt Nam cho đoàn viên và người lao động, đã tiếp nhận và trả lời 60.371 câu hỏi của đoàn viên, người lao động. Trong đó, số câu hỏi về Luật Lao động: 30.014; Luật Bảo hiểm xã hội: 15.967; Luật An toàn vệ sinh lao động: 7.298; Luật Công đoàn: 4.888; các câu hỏi liên quan tới các lĩnh vực khác là 2.204.

Hệ thống các Trung tâm và Văn phòng tư vấn pháp luật CĐ đã tư vấn 13.129 vụ cho 36.398 lượt đoàn viên, người lao động; tham gia đại diện bảo vệ người lao động tại Tòa án 739 vụ cho 1.013 người lao động; đại diện khởi kiện tại Tòa án 19 vụ tranh chấp lao động cá nhân, 2 vụ tranh chấp lao động tập thể cho 1.019 người lao động với tổng số tiền bồi thường hơn 1,9 tỷ đồng.

Các cấp CĐ đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền đồng cấp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện dân chủ tại cơ sở thông qua tổ chức đối thoại tại nơi làm việc và hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động; xây dựng 9.226 quy chế mới, sửa đổi, bổ sung 19.840 quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở cho phù hợp với quy định mới; tổ chức 22.606 cuộc đối thoại định kỳ và 2.928 cuộc đối thoại đột xuất tại doanh nghiệp.

Tại Hà Nội, LĐLĐ thành phố Hà Nội phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố với công nhân lao động Thủ đô, qua đó đã có 639 kiến nghị của công nhân lao động được gửi tới lãnh đạo thành phố và đã được Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp trả lời và yêu cầu các Sở, ban, ngành tiếp thu và giải quyết những ý kiến của công nhân lao động.

Tại tỉnh Thanh Hóa, LĐLĐ tỉnh phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với công nhân lao động, có 16 nhóm vấn đề được CNVCLĐ quan tâm kiến nghị về các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; các vấn đề về quy hoạch, quản lý quy hoạch của các doanh nghiệp; các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động và xây dựng tổ chức CĐ…

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/doi-moi-sang-tao-huong-toi-hieu-qua-thuc-chat-95092.html