Đổi mới - sáng tạo để phát triển bền vững

Việc hội nhập kinh tế ngày càng sâu, tốc độ phát triển của khoa học - công nghệ ngày càng nhanh, thế giới biến đổi liên tục đã đòi hỏi trong giai đoạn mới, muốn không để lỡ nhịp, Đồng Nai phải đặt ra cho mình chiến lược phát triển mới.

Đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất là yêu cầu bắt buộc đối với nền kinh tế trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh:H. Giang

Đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất là yêu cầu bắt buộc đối với nền kinh tế trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh:H. Giang

Trong đó, đổi mới - sáng tạo được coi là vấn đề đặc biệt quan trọng để tiếp tục phát triển bền vững.

* Xây dựng các nhiệm vụ, chiến lược đột phá

Kế thừa và phát huy những thành quả đạt được trong 35 năm đổi mới, phát huy lợi thế so sánh và huy động các nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Theo UBND tỉnh, kế hoạch này được xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như: cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt. Tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn giai đoạn trước. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và rộng rãi đến mọi mặt của đời sống; các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về cả tác động lẫn cường độ; dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19...

Đồng Nai cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn từ biến đổi khí hậu; chất lượng nguồn nhân lực thấp; sức ép của cách mạng công nghiệp 4.0; những khó khăn phát triển kết cấu hạ tầng, việc làm, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường…

Để giải quyết những vấn đề đó, Đồng Nai sẽ tập trung vào các nhiệm vụ đột phá.

Trước hết là huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông trọng điểm, giao thông đô thị và giao thông kết nối. Đồng Nai cũng thực hiện lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm.

Thứ 2 là tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghiệp chế biến sâu nông sản và các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh cao.

Song song đó, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại mà tỉnh có lợi thế, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics, gắn liền với các vùng phát triển của tỉnh.

* Lấy đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển

Sau 35 năm đổi mới, dù đạt được nhiều thành quả song nhìn nhận một cách khách quan, kinh tế Đồng Nai phát triển chưa thật sự bền vững. Tỷ lệ hàm lượng tri thức công nghệ cao còn khá thấp. Những ngành công nghiệp được coi là chủ lực của tỉnh như: dệt may, da giày, điện tử còn sử dụng nhiều lao động, tỷ lệ giá trị gia tăng còn thấp. Kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể còn yếu và vẫn dựa vào kinh tế FDI.

Cuối năm 2019, khi Đồng Nai tổ chức hội thảo Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho hay, Đồng Nai đã tích cực, chủ động để tìm ra những hướng đi mới trong phát triển. Tuy nhiên trong những năm qua, tình hình kinh tế vẫn diễn biến với những khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen. Những khó khăn, thách thức chỉ có thể được giải quyết khi có sự chung sức của cả nền kinh tế, từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của chính quyền đến sự năng động, sáng tạo của các thành phần kinh tế. Trong đó yêu cầu về đổi mới sáng tạo là một nội dung mang tính quyết định.

Cùng quan điểm, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhận định, thế giới ngày nay đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mang lại sự thay đổi trong đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Động lực tăng trưởng chủ yếu là dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mô hình tăng trưởng của nước ta thời gian qua đang phụ thuộc quá nhiều vào chiều rộng, mới bước đầu thay đổi theo chiều sâu. Mặc dù tạo ra nhiều thành tựu, giải quyết việc làm cho người dân, song dư địa phát triển của mô hình kinh tế cũ không còn nhiều. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới không cao. Thậm chí nếu không cẩn thận, mô hình kinh tế này trở thành “bẫy hội nhập” của Việt Nam. Do vậy việc chuyển đổi mô hình kinh tế đang đặt ra một cách bức thiết.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: “Xu thế đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu của cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh trên thế giới. Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương, Đồng Nai rất mong muốn lĩnh hội được những kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, các tỉnh, thành để cùng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức bật mới cho tỉnh cũng như góp phần vào sự phát triển chung của khu vực”.

Vương Thế

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202010/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-tinh-lan-thu-xi-nhiem-ky-2020-2025-doi-moi-sang-tao-de-phat-trien-ben-vung-3025923/