Đổi mới sân khấu Việt để theo kịp thời đại

Sân khấu Việt bị khủng hoảng do vẫn đang quẩn quanh với lối mòn tư duy về con người cũ, mà chưa xây dựng con người của hôm nay, chưa tạo dựng được xung đột của thời đại mới, thế giới mới lên sân khấu, để tiếp cận thời đại công nghệ 4.0.

Một cảnh trong vở Kiều của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: NHKVN

Sân khấu chưa theo kịp thời đại

Nhìn vào kịch mục của một số sân khấu hiện nay, có thể thấy, những vở diễn nổi tiếng vẫn chủ yếu thuộc mảng đề tài dân gian, lịch sử, đề tài chiến tranh hoặc khai thác từ các tác phẩm văn học nổi tiếng xưa như: “Lưu Bình trả nghĩa”, “Quan âm Thị Kính”, “Bắc Lệ đền thiêng”, “Tống Trân Cúc Hoa”, “Kiều”, “Hamlet”, “Hồng Lâu Mộng”, “Bỉ vỏ”, “Hai viên ngọc thần” (cổ tích con Dã Tràng)... hay một số tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, viết cách đây vài thập kỷ, được các nhà hát dựng lại như “Bệnh sĩ”, “Ông không phải là bố tôi”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Lời thề thứ 9”... Còn những tác phẩm hiện đại trong thời đại mới, thời đại công nghệ như hiện nay thì vô cùng hiếm hoi.

Theo đánh giá của NSƯT Trần Minh Ngọc, Trưởng Ban Lý luận, BCH Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, sân khấu Việt những năm qua còn lạc hậu, chậm phát triển so với hiện thực đang thay đổi nhanh theo đà phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay. Trong khi kinh tế, xã hội đang thay đổi từng ngày, văn hóa - nghệ thuật cũng có nhiều đổi mới, nhiều mâu thuẫn mới nảy sinh, thậm chí cả xung đột giữa các thế giới mới - cũ, nhưng sân khấu Việt vẫn đang quẩn quanh với các đề tài về quá khứ lịch sử, về đời sống hàng ngày với những mâu thuẫn cá nhân, vụn vặt, đời thường...

Ngay trong thông báo “về việc tổ chức Trại sáng tác kịch bản 2018” do NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam mới đây, cũng báo động về việc nhiều kịch bản sân khấu hiện nay chưa có những phát hiện mới về cách chọn đề tài, về cấu trúc cốt chuyện kịch, về sâu chuỗi xung đột để làm rõ tư tưởng và thẩm mỹ của kịch bản văn học...

NSƯT Trần Minh Ngọc khẳng định, sân khấu Việt Nam trong quá khứ có nhiều thành tựu, đã làm trọn sứ mạng biểu dương chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, đã xây dựng được hình tượng người lính trong thời đại mới... Song NSƯT Trần Minh Ngọc cũng thừa nhận, từ khi hòa bình thống nhất đến nay, sân khấu Việt chập chững bước vào thị trường cạnh tranh, nhưng lại yếu kém, ít hiểu biết và không nắm được quy luật về thị trường, nên đang trở nên bế tắc, và ngày càng lép vế trước các phương tiện nghe nhìn công nghệ cao.

Bên cạnh những sân khấu giải trí, các sân khấu nhà nước, công lập vẫn xa rời hiện thực đời sống. Những sáng tác, ngoài chất lượng văn học, còn có nội dung dự báo, phản biện, hướng con người đến với các tốt đẹp, nhân ái, nhân văn... chưa thấy xuất hiện trong các tác phẩm của các tác giả trẻ - tương lai của nền sân khấu mới. “Chúng ta chưa xây dựng được trên sân khấu con người của hôm nay, chưa tạo dựng được xung đột của thời đại mới, thế giới mới. Sân khấu vẫn chỉ quẩn quanh các đề tài về những mâu thuẫn, xung đột cá nhân, gia đình. Trên sân khấu chỉ thấy việc mà không thấy người. Người viết còn nặng về kiểu “lấy xưa, nói nay”, khai thác quá khứ để nói cái hiện tại...”, NSƯT Trần Minh Ngọc chia sẻ.

PGS. TS Phạm Duy Khuê cũng đồng tình, trong cuộc hành trình cách mạng công nghệ, trong thế giới phẳng như hiện nay, phần đông dân cư truy cầu cuộc sống tiện nghi, thực dụng và hưởng thụ, mà hầu như không có, hoặc rất hiếm những con người “lý tưởng”, những cá nhân và nhóm lợi ích cạnh tranh khốc liệt, tạo nên một hiện thực đầy rẫy và đa dạng tính kịch, với tiết tấu căng thẳng, tốc độ phát triển nhanh. Con người cá nhân trong xã hội ngày có những cách cảm, cách nghĩ, cách phân tích và phản biện thực tế rất khác, song một bộ phận những người làm sân khấu vẫn bằng lòng một cách tự mãn, sáo mòn và quẩn quanh với lối tư duy trong quá khứ, thậm chí, họ còn rất đắc ý về số lượng tác phẩm đã và đang sản xuất ra của mình, mà không biết rằng, hiện thực đương đại và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân đang thay đổi, và sân khấu cũng cần phải thay đổi để phù hợp với thời đại.

Cần thay đổi

NSƯT Trần Minh Ngọc cảnh báo, xã hội thay đổi, con người cũng thay đổi, nhiều giá trị cũ đã được thay thế bằng những chuẩn mực mới. Thời đại đã có những thay đổi lớn lao và người xem cũng khác xưa rất nhiều. Nếu sân khấu không đổi mới trong sáng tác của tác giả, trong sáng tạo của đạo diễn và diễn viên... thì sân khấu sẽ lạc hậu so với đời sống hiện tại, không còn sức lôi cuốn, hấp dẫn trong vai trò người dẫn dắt, phản biện, dự báo, giáo dục công chúng.

Thực tế của đời sống sân khấu cho thấy, những gì sân khấu xã hội hóa đã và đang làm sân khấu giải trí như các “chiêu” ăn khách thuộc loại sân khấu đồng tính, sân khấu ma, kinh dị, sân khấu cười, hề đều không còn sức hút khán giả, sân khấu trở nên vắng khách.

“Việc đổi mới cách nghĩ, cách làm cũ kỹ, bảo thủ, mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm, ‘thanh xuân hóa’ sân khấu là việc làm hết sức cần thiết, để nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới, để sân khấu vượt qua những khó khăn hiện nay”, NSƯT Trần Minh Ngọc khẳng định.

Cần phải thay đổi, đó là sự sống còn của sân khấu. PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng, trong thời kỳ kinh tế thị trường theo quy luật mới của hậu hiện đại, công nghệ số, cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng, nghệ thuật sân khấu Việt Nam phải tuân theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán”, theo nhu cầu thị hiếu tự do lựa chọn trong xã hội tiêu dùng. Nghệ sĩ cần sản xuất ra những mặt hàng mà thượng đế muốn, chứ không phải những thứ của mình vốn có; nghệ sỹ phải là một doanh nhân; tác phẩm phải là một dạng hàng hóa đặc biệt và phải biết tư duy về lợi nhuận.

Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, trong cơ chế thị trường hôm nay, nghệ thuật sân khấu Việt Nam có hai dòng sáng tạo chính là tinh hoa và đại chúng. Hai dòng sáng tạo này cần phải có những hoạt động đổi mới toàn diện, từ tổ chức nhân sự, sáng tạo tác phẩm, marketing đến biểu diễn... để đến được với công chúng. Trong đó, dòng tinh hoa cần có những tác phẩm có tư tưởng cao, có nghệ thuật hấp dẫn, còn dòng sáng tạo đại chúng phải là những sáng tạo hướng tới thị hiếu nhân dân, hòa vào cảm xúc thẩm mỹ nhân dân, mang niềm vui, nỗi buồn cùng nhân dân để thành “văn nghệ dân gian” thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để là một món “đồ ăn nhanh” nhưng không gây “ngộ độc”...

“Nâng cao chất lượng hoạt động của nghệ thuật sân khấu Việt Nam tự chủ trong kinh tế thị trường thời hậu hiện đại, công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế hôm nay là mệnh lệnh của cuộc sống, là phó thác của nhân dân, là kỳ vọng của các nghệ sĩ tiền bối”, PGS.TS Trần Trí Trắc nhận định.

Phương Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/doi-moi-san-khau-viet-de-theo-kip-thoi-dai-20180409143409311.htm