Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng từ tổ chức đảng và đảng viên

Phương thức lãnh đạo (PTLĐ) của Đảng là tổng thể các hình thức, phương pháp, cách thức, quy chế, quy trình, phong cách, lề lối làm việc... mà Đảng sử dụng để tác động đến đối tượng lãnh đạo, nhằm thực hiện thắng lợi cương lĩnh chính trị, đường lối, nghị quyết của Đảng, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội (CNXH) và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên được coi là một PTLĐ, đồng thời là nhân tố chủ yếu, tham gia vào toàn bộ các PTLĐ của Đảng.

Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội hiện nay trong điều kiện mở cửa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nhằm đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng thành công CNXH. Đảng lãnh đạo Nhà nước, nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước trong công cuộc đổi mới, song Đảng, các tổ chức đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội tiến hành đổi mới toàn diện đất nước. Đảng ta lãnh đạo công cuộc đổi mới trong xu thế dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ở nước ta. Cùng với đó, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và cung cấp các phương tiện rất hiện đại phục vụ sự lãnh đạo của Đảng nói chung và đổi mới PTLĐ của Đảng nói riêng. Đặc biệt, sự hình thành và phát triển xã hội thông tin, các phương tiện hiện đại về thông tin mạng tác động mạnh mẽ đến sự lãnh đạo của Đảng cũng như phong cách, lề lối làm việc của Đảng, các cấp ủy đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; tranh chấp biển, đảo giữa các quốc gia, trong đó có liên quan đến nước ta vẫn diễn ra gay gắt. Việc giữ vững và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đặt ra những yêu cầu mới. Do vậy, việc đổi mới PTLĐ của Đảng trong điều kiện hiện nay có những thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Thực tiễn lãnh đạo cách mạng hơn 87 năm qua cho thấy, Đảng ta rất coi trọng đổi mới PTLĐ. Từng thời kỳ lịch sử, với nhiệm vụ cách mạng cụ thể, Đảng ta đều có PTLĐ phù hợp để đưa cách mạng Việt Nam tiến lên. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả thực hiện và tiếp tục đổi mới PTLĐ của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước".

Từng tổ chức đảng và đảng viên cần nhận rõ trách nhiệm của mình trong đổi mới PTLĐ của Đảng, đặc biệt là trên một số vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, tổ chức đảng và đảng viên cần tích cực tham gia đổi mới, nâng cao chất lượng việc xây dựng, ban hành nghị quyết của tổ chức đảng các cấp. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo toàn xã hội trước hết bằng các nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, trong thực tế số lượng nghị quyết của các tổ chức đảng hiện nay ban hành còn nhiều. Ngoài nghị quyết của Trung ương còn có nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; nghị quyết của huyện ủy, thành ủy, đảng ủy xã, phường, thị trấn... Việc ban hành nhiều nghị quyết dẫn đến công tác quán triệt, học tập đến đảng viên không kỹ và sâu, ở nhiều nơi hiệu quả không cao. Để khắc phục tình hình trên, cần đổi mới mạnh mẽ việc xây dựng, ban hành nghị quyết của tổ chức đảng, trong đó đầu tư nhiều hơn, cụ thể hơn nghị quyết đại hội các cấp. Nghị quyết cần định hướng rõ về các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng cho toàn khóa. Hằng năm, cấp ủy các cấp ban hành kế hoạch kiểm tra việc tổ chức thực hiện nghị quyết; mỗi kỳ họp, các cấp ủy chỉ nêu ra một kết luận kỳ họp để yêu cầu các tổ chức đảng thực hiện. Trường hợp đặc biệt, khi tình hình thế giới, trong nước có những vấn đề lớn phát sinh chưa dự báo được thì có thể ra nghị quyết để lãnh đạo. Nghị quyết phải thiết thực, ngắn gọn, khả thi, phải tính đến cân đối các nguồn lực và điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, thời gian hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp được ghi trong nghị quyết.

Hai là, tổ chức đảng và đảng viên phải đổi mới việc quán triệt, sơ kết, tổng kết nghị quyết và cụ thể hóa nghị quyết để tổ chức thực hiện. Căn cứ từng đối tượng đảng viên và đặc điểm tình hình của các đảng bộ để hướng dẫn việc học tập, quán triệt nghị quyết có hiệu quả. Trong học tập, quán triệt nghị quyết phải dành nhiều thời gian thảo luận làm rõ vấn đề mới. Phân công báo cáo viên truyền đạt nội dung nghị quyết phải là những người có kiến thức, trình độ, phương pháp và kinh nghiệm, để người học dễ nghe, dễ hiểu, dễ vận dụng sáng tạo nghị quyết vào thực tế cuộc sống. Trong phần tổ chức thực hiện của mỗi nghị quyết phải phân công và chỉ rõ những nội dung nào, vấn đề nào phải được thể chế hóa, cụ thể hóa. Thực hiện nghị quyết chủ yếu là các tầng lớp quần chúng nhân dân, nhưng nhân dân thường quan tâm đến việc cấp ủy, chính quyền có chính sách gì mới, có quy định nào mới. Để các chính sách, văn bản pháp luật có hiệu lực phải nâng cao chất lượng văn bản, phải lấy được ý kiến rộng rãi của nhân dân, hợp lòng dân. Công tác sơ kết, tổng kết nghị quyết là rất cần thiết, góp phần quan trọng tiếp tục đưa nghị quyết vào cuộc sống. Qua sơ kết, tổng kết để đánh giá, kiểm điểm những việc đã làm được, nhằm tiếp tục làm tốt hơn; những việc làm chậm, làm chưa tốt phải làm rõ nguyên nhân để lãnh đạo, chỉ đạo làm có kết quả. Việc sơ kết, tổng kết phải làm từ cơ sở lên Trung ương và sau sơ kết, tổng kết đều ban hành kết luận kịp thời để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết đó.

Ba là, tổ chức đảng và đảng viên phải đổi mới công tác kiểm tra để góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả thực hiện nghị quyết. Từ trước đến nay, các cấp ủy đảng chủ yếu tổ chức kiểm tra theo kế hoạch từng năm, từng nhiệm kỳ và thông báo công khai. Để việc tổ chức kiểm tra có kết quả tốt, ngoài việc kiểm tra theo kế hoạch thì các cấp ủy cần tăng cường kiểm tra đột xuất việc thực hiện nghị quyết ở các cấp, các ngành. Tổ chức các đoàn, các tổ kiểm tra tinh gọn, có nội dung trọng tâm; đồng thời tăng cường kiểm tra đột xuất. Dành nhiều thời gian khảo sát cụ thể trong nhân dân, ở cơ sở xã, phường, xí nghiệp... Sau khi khảo sát, kiểm tra cơ sở mới làm việc với tập thể lãnh đạo đơn vị, địa phương để chỉ đạo cụ thể. Làm được như vậy thì việc kiểm tra sẽ thực chất hơn, hạn chế bệnh quan liêu, hình thức, lãng phí. Sau mỗi lần kiểm tra đều phải có văn bản kết luận rõ và cơ quan chuyên trách phải theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện kết luận đó.

Bốn là, tổ chức đảng và đảng viên cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm mạnh hội họp, tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Từng tổ chức đảng và đảng viên phải tham gia lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát các thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, ở từng đơn vị; thủ tục nào không cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, cho cấp dưới thì phải bãi bỏ, nhất là các cơ chế “xin-cho”. Mỗi cơ quan, ban, ngành đều phải thông báo công khai các cơ chế, chính sách, các quy trình, thủ tục để mọi người dân đều biết. Các cơ quan có điều kiện phải trang bị và sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin để xử lý công việc nhanh nhất, chính xác nhất.

Việc giảm mạnh hội họp là rất cấp bách trong tình hình hiện nay. Biện pháp để giảm mạnh hội họp bao gồm việc thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước đã ban hành. Cần đưa chương trình hội họp từng năm, từng tháng vào kế hoạch để cấp có thẩm quyền cho phép, trừ trường hợp đột xuất, cần thiết. Tùy từng nội dung để xác định hình thức họp; nội dung nào đã có văn bản và đối tượng cần họp chỉ cần đọc là thực hiện được thì không triệu tập họp. Nội dung nào cần thảo luận, tranh luận để kết luận mới cần tổ chức họp. Có thể họp trực tuyến thay cho họp trực tiếp nếu thấy hiệu quả hơn, đồng thời giảm tốn kém thời gian, công sức, kinh phí do phải đi họp nhiều. Có thể giảm số lần họp, giảm thời gian họp bằng cách gửi văn bản trước; cán bộ đến hội nghị không đọc văn bản, chỉ gợi ý trao đổi, thảo luận những nội dung trọng tâm, cần thiết. Giảm mạnh hội họp cũng là biện pháp chống lãng phí, tinh giản số lượng lãnh đạo, quản lý.

Năm là, tổ chức đảng và đảng viên phải đổi mới việc đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thực tế hiện nay việc đánh giá phân loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và cán bộ nói chung chưa thực chất, chưa sát thực tế. Nguyên nhân chủ yếu là do tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh phê bình, tự phê bình của cán bộ, đảng viên chưa cao, còn nặng bệnh thành tích; việc hướng dẫn đánh giá, phân loại có một số tiêu chí không cụ thể, còn chung chung khó đo đếm được. Ở nhiều đảng bộ, số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ, số đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm tỷ lệ cao, nhưng không tương xứng với mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị.

Để chấn chỉnh tình hình trên, qua việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) cần làm chuyển biến nhận thức để nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, xem xét chặt chẽ tiêu chuẩn phát triển Đảng, không chạy theo số lượng, bổ sung, cụ thể hóa tiêu chí phân loại tổ chức cơ sở đảng và phân loại đảng viên thực chất hơn.

Đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị là rất quan trọng. Nếu cấp ủy, cấp trên hằng năm đánh giá đúng người đứng đầu các cấp, các ngành và công bố công khai cho nhân dân, cán bộ giám sát thì phong trào sẽ chuyển biến tốt hơn. Đối với người đứng đầu các địa phương thì cần hết sức coi trọng tiêu chí: Chỉ số hài lòng của người dân; chính trị địa phương ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao...

PTLĐ của Đảng là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, có vai trò rất lớn đối với xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, củng cố, nâng cao uy tín chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhờ PTLĐ đúng đắn, hoạt động của Đảng được thể hiện hiệu quả trong thực tiễn, được nhân dân thừa nhận, qua đó, uy tín chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng lên.

Nhận thức rõ vai trò của PTLĐ, từng tổ chức đảng và đảng viên càng nhận thấy rõ yêu cầu của đổi mới PTLĐ trong tình hình mới để có thêm quyết tâm “vượt qua chính mình”, đưa hoạt động lãnh đạo của cấp ủy các cấp ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời Đảng ta hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII, góp phần hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của Đảng trong giai đoạn hiện nay./.

PGS, TS LÊ DUY CHƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-tu-to-chuc-dang-va-dang-vien-524008