Đổi mới phương thức hoạt động

Tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đòi hỏi phải đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT, đặc biệt là việc ứng dụng, sử dụng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách trong tình hình mới, nhất là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chủ động ngay từ đầu năm

Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, năm 2023, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của BHXH Việt Nam là “lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”. Theo đó, các mục tiêu cụ thể trong năm 2023 là đạt khoảng 40,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đạt khoảng 31,7% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; đạt khoảng 93,2% dân số tham gia BHYT. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt trên 83%; đạt và vượt số thu BHXH, BHYT được giao; giảm tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT xuống dưới mức 2,91%; đạt 100% dịch vụ công của ngành được thực hiện ở mức độ 4.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách BHXH. Ảnh: BH

Nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách BHXH. Ảnh: BH

Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu cũng gặp một số khó khăn nhất định, đó là tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT hiện có xu hướng tăng chậm, cùng với đó là lo ngại về gia tăng số người dừng tham gia BHXH tự nguyện... Nguyên nhân một phần là do thay đổi mức đóng BHXH tự nguyện trong năm 2022, ảnh hưởng của dịch bệnh, mức giá sinh hoạt tăng cao tác động đến cuộc sống, thu nhập của người dân... Bên cạnh đó, tình trạng chi vượt trần, vượt dự toán, vượt tổng mức thanh toán vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở khám, chữa bệnh; công tác tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại một số địa phương còn vướng mắc...

Nhấn mạnh những kết quả “ngoạn mục” trong năm 2022 có yếu tố quan trọng là sự vào cuộc và ủng hộ sâu sát của chính quyền các địa phương, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu “lợi thế” này cần được toàn ngành tiếp tục phát huy hơn nữa trong năm 2023. Theo đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Đặc biệt, cần có tinh thần chủ động, nắm bắt thực tiễn để có kịch bản điều hành, phương án hiệu quả nhằm triển khai quyết liệt các nhiệm vụ ngay từ đầu năm…

Cùng với đó, BHXH Việt Nam sẽ bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch; đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về BHXH, BHYT; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Khai thác hiệu quả công nghệ thông tin

Để đổi mới phương thức hoạt động, việc khai thác hiệu quả công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành BHXH Việt Nam trong năm 2023.

Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, toàn ngành sẽ phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững và hiệu quả. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ…

Chia sẻ thành tựu nổi bật trong chuyển đổi số - nhiệm vụ chính trị mà tất cả các bộ, ngành cần hướng tới, ông Lê Nguyên Bồng, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho biết, BHXH Việt Nam đã và đang thực hiện thành công mục tiêu này. Cụ thể, thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam cũng là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Ngành đã cung cấp, chia sẻ gần 62,3 triệu lượt thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay đã có trên 12 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh; tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp (chiếm 93,8% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT)...

Năm 2023 được Ban Chỉ đạo quốc gia về chuyển đổi số xác định là “Năm quốc gia về dữ liệu”; với riêng BHXH Việt Nam, đã đạt được hệ dữ liệu bảo đảm “đủ - sạch - sống”. Hệ dữ liệu được BHXH Việt Nam thu thập, xây dựng từ người tham gia chính sách BHXH, BHYT; được xây dựng theo tiêu chí rõ ràng, minh bạch; bảo đảm tỷ lệ hơn 70% được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, với khối lượng dữ liệu và bản ghi khổng lồ cho thấy công sức rất lớn của toàn ngành khi liên tục cập nhật, bảo đảm hệ dữ liệu “sống”...

Được biết, hiện kho cơ sở dữ liệu của ngành đã có thông tin của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh; tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến trên Hệ thống giao dịch điện tử và Hệ thống Thông tin giám định BHYT; thực hiện hơn 500 triệu xác thực và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành địa phương. Đến ngày 31.12.2022, toàn quốc có trên 28 triệu tài khoản "VssID - BHXH số" được phê duyệt và kích hoạt sử dụng.

Đỗ Quyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/doi-moi-phuong-thuc-hoat-dong-i314229/