Đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng đáp ứng yêu cầu đặt ra của đất nước trong thời kỳ mới

Đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Về thực chất đây chính là đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ đại hội VI (tháng 12-1986) đến nay, cùng với đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong mọi lĩnh vực, phương thức lãnh đạo của Đảng đã được đổi mới, từng bước góp phần tích cực vào chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, nhất là sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước.

Qua các hội nghị Trung ương, nhất là Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3 (khóa VII) đã bước đầu hình thành một số luận điểm quan trọng, định hướng cho quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trên thực tế, ở tầm vĩ mô, mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước đã có những đổi mới trong việc xác định giữa nội dung lãnh đạo với việc quản lý, điều hành khắc phục bệnh chủ quan, áp đặt. Ở các địa phương, các cấp ủy Đảng đã bớt dần tình trạng ôm đồm, “bao sân” chính quyền; đã xây dựng quy chế làm việc theo hướng phân định rõ chức năng, quyền hạn và trách nhiệm giữa Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân. Từ đó đã khắc phục từng bước hiện tượng cấp ủy Đảng bao biện làm thay công việc của chính quyền.

Trong công tác tổ chức cán bộ, quá trình chuẩn bị các quyết định về tổ chức cán bộ đã dân chủ hơn trước. Đảng tôn trọng ý kiến đề xuất của các cơ quan Nhà nước, khắc phục được một bước quan trọng trong tình trạng tổ chức Đảng các cấp đặt cán bộ cho bộ máy Nhà nước. Việc lập Đảng đoàn, ban cán sự ở các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể góp phần nâng cao ý thức Đảng cho cán bộ chủ chốt ở các tổ chức này.

PGS, TS Nguyễn Quốc Bảo.

PGS, TS Nguyễn Quốc Bảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu được coi là quan trọng, thực tế cho thấy, việc định rõ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề rất mới, phức tạp. Bởi vậy, với vai trò là lực lượng lãnh đạo và dẫn đường cho toàn xã hội, là hạt nhân của hệ thống chính trị, nhiều nghị quyết của Đảng cũng chỉ rõ cần phải tăng cường vai trò lãnh đạo và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Để làm tốt việc này trước hết phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ hoạt động quản lý của Nhà nước và hoạt động của đoàn thể nhân dân. Vai trò đó thể hiện trong việc Đảng hoạch định chủ trương, đường lối và lãnh đạo việc tổ chức thực hiện đường lối. Mặt khác, trong điều kiện đảng cầm quyền, để việc lãnh đạo của Đảng thực sự có hiệu quả, Đảng phải có phương hướng lãnh đạo thích hợp. Phương thức đó phải bảo đảm vừa giữ vững, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy được vai trò của Nhà nước, của các đoàn thể và các tổ chức xã hội, của các ngành, các cấp tạo ra sức mạnh tổng hợp nhằm đẩy nhanh sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Phương thức lãnh đạo của Đảng còn phải bảo đảm phát huy dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, khắc phục mọi biểu hiện vi phạm quyền dân chủ của dân. Trong Đảng phải thực hiện nghiêm ngặt tập trung dân chủ, mở rộng dân chủ nội bộ để tất cả Đảng viên bày tỏ ý kiến của mình.

Cùng với việc đề cao dân chủ, phải hết sức coi trọng tính tổ chức, tính kỷ luật. Phải kiên quyết thực hành kỷ luật tức là cá nhân phải phục tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên... Như vậy, dân chủ và kỷ luật luôn đi liền với nhau, dân chủ và tập trung không tách rời nhau. Trong quan hệ với Nhà nước, với các đoàn thể chính trị xã hội của quần chúng, cơ chế dân chủ phải bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ hoạt động quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và cơ sở. Đây là nguyên tắc bảo đảm cho công cuộc đổi mới đi đúng đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa và nó cũng là nguyên tắc bảo đảm bản chất giai cấp công nhân của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Cùng với việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ và làm rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động giữa Đảng và Nhà nước, vai trò lãnh đạo của Đảng phải thường xuyên củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với các tổ chức, các đoàn thể nhân dân.

Thực tế cho thấy, các đoàn thể, các tổ chức của dân là do bộ phận hữu cơ của hệ thống chính trị, là những thành viên của Mặt trận Tổ quốc. Đặc biệt đó còn là trường học thực tiễn để thực hành và phát huy dân chủ, là môi trường chính trị-xã hội và văn hóa để quần chúng tham gia vào đời sống chính trị và hoạt động quản lý... Do vậy, phải xây dựng các đoàn thể, các tổ chức quần chúng sao cho thiết thực, phản ánh và đáp ứng đúng, kịp thời nhu cầu của nhân dân... Chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện dân chủ hóa, các tổ chức đoàn thể của quần chúng cũng đa dạng, phong phú hơn rất nhiều so với thời kỳ trước đổi mới. Do đó cùng với nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc nền tảng của sinh hoạt chính trị và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa phải rất chú trọng bảo đảm nguyên tắc tự nguyện.

Đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là đòi hỏi tất yếu của công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới vừa qua của đất nước đã chứng minh, Đảng ta không những giữ vững được vai trò mà còn lãnh đạo thành công mang lại những thành tựu rất quan trọng, thực hiện ngày càng tốt hơn sứ mệnh và trách nhiệm lịch sử trước đất nước, giai cấp và dân tộc.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định nhất đến thắng lợi của công cuộc đổi mới. Vai trò và hiệu quả lãnh đạo của Đảng được nhân dân ta thừa nhận và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, đứng trước thời cơ mới, thách thức mới, Đảng cần phải đổi mới phương thức lãnh đạo để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, phát huy mạnh mẽ vai trò hiệu lực của Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, xây dựng một hệ thống chính trị hoạt động năng động có hiệu lực và hiệu quả đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

PGS, TS NGUYỄN QUỐC BẢO, Nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/y-kien-tam-huyet-voi-dang/doi-moi-phuong-thuc-cam-quyen-cua-dang-dap-ung-yeu-cau-dat-ra-cua-dat-nuoc-trong-thoi-ky-moi-650169