Đổi mới phương pháp, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng

Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên của trẻ em cho nên cần tạo cho trẻ môi trường học tập tốt, phù hợp, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện. Những năm qua, ngành giáo dục đã tích cực đổi mới phương pháp và tăng cường các điều kiện nhằm nâng cao chất lượng GDMN.

Học sinh Trường mầm non Hoa Hồng, phường Tân Dân, TP Việt Trì (Phú Thọ) trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: Nguyễn Đăng

Học sinh Trường mầm non Hoa Hồng, phường Tân Dân, TP Việt Trì (Phú Thọ) trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: Nguyễn Đăng

Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên của trẻ em cho nên cần tạo cho trẻ môi trường học tập tốt, phù hợp, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện. Những năm qua, ngành giáo dục đã tích cực đổi mới phương pháp và tăng cường các điều kiện nhằm nâng cao chất lượng GDMN.

Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) một trong các giải pháp nâng cao chất lượng GDMN được đẩy mạnh những năm qua là việc xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm (LTLTT), bảo đảm tất cả trẻ em đều được tạo cơ hội học tập thông qua vui chơi và các hoạt động phù hợp nhu cầu. Trẻ tích cực, chủ động tham gia các hoạt động, làm việc theo nhóm để được trải nghiệm, trao đổi, chia sẻ và trình bày ý kiến; biết suy nghĩ và vận dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống, giải quyết các tình huống gặp phải. Từ đó, trẻ mạnh dạn, tự tin, tích cực, chủ động, tư duy, sáng tạo, thích thú tìm tòi, khám phá trong quá trình tham gia các hoạt động ở trường, lớp...

Trong xây dựng trường mầm non LTLTT, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng môi trường giáo dục, phù hợp đặc thù văn hóa vùng miền như: Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Đác Nông, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Sóc Trăng... Các trường tạo điều kiện để phụ huynh tham gia vào hoạt động của trường, lớp, đồng thời thông tin kịp thời đến gia đình về những tiến bộ hoặc những khó khăn của trẻ, góp phần nâng cao chất lượng GDMN. Kết thúc năm học 2017 - 2018, có hơn 14 nghìn cơ sở GDMN triển khai thực hiện chuyên đề LTLTT, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

Hiệu trưởng Trường mầm non Thùy Vân (TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) Lê Thị Ngân Hà chia sẻ: Trường được thành lập vào tháng 9-2014 với 15 phòng học và 500 học sinh. Khi mới thành lập, khuôn viên nhà trường lưa thưa vài cây xanh và những bức tường trống trải không được trang trí; học sinh nhút nhát, hạn chế về kỹ năng sống. Vì vậy, nhà trường xác định mục tiêu xây dựng trường mầm non LTLTT để đổi mới toàn diện phương pháp dạy học, chăm sóc trẻ.

Sau một năm học, nhà trường đã trồng các cây bóng mát, tạo được một số mảng xanh, các cô chăm sóc trẻ tận tình, chu đáo, trẻ dần tự tin, mạnh dạn, thể chất phát triển tốt, có nền nếp thói quen trong sinh hoạt. Ban Giám hiệu nhà trường cùng giáo viên xây dựng môi trường ngoài lớp học, thiết kế các khu vực theo hướng tận dụng các không gian mở: Vẽ các vạch sơn cho trẻ chạy nhảy, đạp xe để tăng cường vận động; thiết kế một vườn cây cảnh với nhiều loại cây, các loại hoa, tất cả đều có gắn thẻ tên cây để trẻ làm quen với chữ cái. Vì vậy, các em được vui chơi, trải nghiệm, khám phá một cách tích cực.

Trường mầm non Sao Mai (phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) có 439 trẻ với 12 nhóm, lớp. Để nâng cao chất lượng, xây dựng trường mầm non LTLTT, các cô giáo đã sáng tạo, khai thác, thiết kế các góc, khu vực hoạt động theo hướng mở, sử dụng nhiều nguyên vật liệu sẵn có trong thiên nhiên khuyến khích trẻ sáng tạo, tích cực khám phá trải nghiệm, bảo đảm phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”. Các cô giáo đã tận dụng vật liệu làm cầu tre; vỏ chai nhựa, lon bia làm thành các gian hàng, khu trò chơi dân gian; làm nhạc cụ âm nhạc, bình trồng cây dọc theo cầu thang, góc thiên nhiên... Thông qua các không gian sinh hoạt và học tập sống động, trẻ phấn khởi và khỏe mạnh, tích cực, hứng thú tham gia các hoạt động, phát triển tốt các kỹ năng vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thẫm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội.

Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập cho trẻ năm tuổi

Cùng với việc tích cực đổi mới phương pháp, việc củng cố phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi (PCGDMNTNT) cũng được chú trọng. Theo vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Bá Minh, để phát triển GDMN, các địa phương tích cực, chủ động tham mưu với lãnh đạo chính quyền địa phương tập trung mọi nguồn lực với giải pháp tích cực để củng cố, duy trì vững chắc kết quả PCGDMNTNT. Các cơ sở giáo dục đã có nhiều biện pháp và tạo điều kiện để huy động tối đa trẻ em năm tuổi vào học mầm non tại địa bàn.

Đáng chú ý, kết thúc năm học 2017 - 2018, tất cả các cơ sở GDMN đều sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ năm tuổi (PTTNT) hỗ trợ thực hiện chương trình GDMN. Có biện pháp tác động kịp thời giúp trẻ phát triển tốt, tạo nền tảng vững chắc cho trẻ bước vào lớp một. Việc sử dụng Bộ chuẩn PTTNT đã tạo được mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình cùng tham gia theo dõi sự phát triển của trẻ. Cha mẹ trẻ biết được mức độ phát triển của con mình, đồng thời hỗ trợ giáo viên trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ.

Kết quả đến nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố và toàn bộ các đơn vị cấp huyện đều duy trì PCGDMNTNT. Tính theo đơn vị cấp xã, kết thúc năm học 2017 - 2018 có 99,69% (tăng 19% so với năm trước) số xã đạt chuẩn PCGDMNTNT; số xã chưa có trường mầm non còn 35 xã (giảm 45 xã so với năm học 2016 - 2017)...

Theo Bộ GD và ĐT, các địa phương đã thực hiện tốt công tác thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án và các nguồn thu để đầu tư xây dựng mới các phòng học, bếp ăn, bổ sung tài liệu, học liệu, đồ dùng, đồ chơi phục vụ PCGDMNTNT nói riêng, GDMN nói chung. Vì vậy, kết thúc năm học 2017 - 2018, cả nước có 182.577 nhóm, lớp mầm non tổ chức học hai buổi/ngày có bán trú chiếm tỷ lệ 91,52% tổng số nhóm, lớp (tăng 3,52% so với năm trước). Trong khi đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở hầu hết các độ tuổi giảm so với đầu năm học; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân độ tuổi nhà trẻ 2,49% (giảm 0,21% so với năm học trước), độ tuổi mẫu giáo là 2,9% (giảm 0,3%); tỷ lệ suy sinh dưỡng thể thấp còi độ tuổi nhà trẻ 3,29% (giảm 0,41%), mẫu giáo tỷ lệ 3,5% (giảm 0,3%). Toàn quốc có 197.104 phòng học, trong đó có 142.241 phòng kiên cố, chiếm tỷ lệ 72,17%; 14.628 trường có bếp ăn bán trú, chiếm tỷ lệ 95,02%; tỷ lệ nhóm, lớp có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chiếm 83,72%.

QUỲNH NGUYỄN, NGUYÊN KHÔI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/38079202-doi-moi-phuong-phap-tang-cuong-cac-dieu-kien-bao-dam-chat-luong.html