Đổi mới nhiều hoạt động trợ giúp nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Hội nghị lần thứ Ba, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2018-2023 diễn ra ngày 7/12, tại Hà Nội.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, thông qua báo cáo tóm tắt sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020, phương hướng năm 2021.

Chăm sóc trẻ khuyết tật tại Làng Hòa Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) - nơi cưu mang, nuôi dưỡng hơn 400 đứa trẻ khuyết tật đa số bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Ảnh minh họa: Đinh Hằng/TTXVN

Chăm sóc trẻ khuyết tật tại Làng Hòa Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) - nơi cưu mang, nuôi dưỡng hơn 400 đứa trẻ khuyết tật đa số bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Ảnh minh họa: Đinh Hằng/TTXVN

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Đặng Nam Điền cho biết, nhận thức sâu sắc công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam với môi trường, sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài; là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên nên hầu hết các tỉnh, thành ủy đã kịp thời cụ thể hóa Chỉ thị, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dưới nhiều thể thức, phù hợp với địa phương, đơn vị...

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 43, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phát huy vai trò giám sát việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; đẩy mạnh phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” hiệu quả, thiết thực hơn so với trước.

Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với công tác giải quyết chất độc hóa học được bổ sung, từng bước hoàn thiện. Việc thực hiện chế độ chính sách bảo đảm đúng quy định của pháp luật; chế độ chính sách được chi trả kịp thời, đúng đối tượng. Nhiệm vụ đấu tranh giành công lý cho nạn nhân da cam tiếp tục được tiến hành với hình thức, biện pháp mới, phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Kết quả đó đã góp phần quan trọng làm Quốc hội, Chính phủ Mỹ thay đổi nhận thức, có trách nhiệm hơn trong việc tham gia xử lý chất độc dioxin tồn đọng tại sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa (Đồng Nai), viện trợ nhân đạo cho người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc da cam.

Bên cạnh đó, hoạt động của các cấp hội có bước đổi mới, phát huy được vai trò, trách nhiệm, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của các nạn nhân, khẳng định vai trò, vị thế của hội đối với cấp ủy, chính quyền và xã hội. Trong 5 năm qua, các cấp hội đã vận động được hơn 1,5 nghìn tỷ động để hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Đặng Nam Điền cũng cho biết, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thiên tai liên tiếp, nặng nề ở khu vực miền Trung nên nhiều hoạt động của Hội bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo từ Trung ương đến một số tỉnh, thành hội có thay đổi. Một số địa phương thực hiện việc sáp nhập hội với các hội quần chúng khác, tác động trực tiếp đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và xây dựng tổ chức hội các cấp.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, xong các cấp hội đã cố gắng để duy trì tốt hoạt động; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, vận động được các nguồn lực hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Công tác vận động nguồn lực xây dựng Quỹ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, thu về hơn 367 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ đó, Hội đã xây mới 1.041 nhà tình thương; cấp vốn sản xuất cho hơn 1.300 người; cấp học bổng cho gần 3.100 người; nuôi dưỡng thường xuyên hơn 4.000 người; hỗ trợ khám chữa bệnh, xông hơi giải độc và tặng quà Tết cho hàng nghìn lượt nạn nhân... Các hoạt động đấu tranh giành công lý cho nạn nhân da cam đạt kết quả tương đối tốt.

Năm 2021, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ tiến hành kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (1960-2020); hoàn thành sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43 -CT/TW; triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân bảo đảm đúng quy định cũng như chủ động ứng phó với diễn biến của dịch COVID-19. Hội tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục có chính sách quan tâm đến người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và con, cháu của họ. Đồng thời, Hội xây dựng Đề án đấu tranh giành công lý cho nạn nhân chất độc da cam phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; phối hợp xây dựng, lập Đề án tổ chức, triển khai thực hiện quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật....

Tại hội nghị, các đại biểu đã bầu bổ sung Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Trung ương Hội, nhiệm kì 2018-2023. Nhân dịp này, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát động phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin năm 2021”; trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2020.

Minh Huệ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/doi-moi-nhieu-hoat-dong-tro-giup-nan-nhan-chat-doc-da-cam-viet-nam-20201207141154872.htm