Đổi mới, nâng cao hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp

Nhận thức được tầm quan trọng việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền các cấp đối với sự phát triển của tỉnh, trong những năm qua Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh nói chung, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp nói riêng. Qua đó đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, là nền tảng thúc đẩy KT-XH ngày càng phát triển bền vững.

Mạnh dạn đi trước, đón đầu

Với tư duy dám nghĩ, dám làm, trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đã nghiêm túc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với đặc điểm của tỉnh. Đặc biệt, trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã mạnh dạn đổi mới, tìm tòi, thực hiện những giải pháp sáng tạo, đột phá. Qua đó đã đạt được những kết quả quan trọng, thu được nhiều kinh nghiệm quý, nhiều bài học không những chỉ có giá trị riêng với tỉnh, mà còn góp phần chung cho cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký trò chuyện với công dân tại buổi tiếp công dân định kỳ của UBND TP Hạ Long. Ảnh: Hùng Sơn

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký trò chuyện với công dân tại buổi tiếp công dân định kỳ của UBND TP Hạ Long. Ảnh: Hùng Sơn

Điều này được thể hiện rõ nét ở việc, Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi, thực hiện những giải pháp đột phá để tiến hành đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, suy thoái tư tưởng, tha hóa quyền lực. Trong đó, đã có nhiều biện pháp triển khai sáng tạo, đi trước những chỉ đạo của Trung ương, là cơ sở thực tiễn để Trung ương nhận thức rõ hơn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.

Trước khi có Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Hội nghị TW6 (khóa XII), tỉnh Quảng Ninh đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và tiến hành rà soát trong toàn hệ thống chính trị về tổ chức bộ máy, biên chế; quyết tâm đổi mới, khắc phục yếu kém, bất cập. Trên cơ sở đó, xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25), ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 3/3/2015 của Tỉnh ủy để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong cả hệ thống chính trị và được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW được ban hành, căn cứ vào nội dung Nghị quyết, tỉnh tiếp tục ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 5/2/2018 thực hiện Nghị quyết để chỉ đạo quyết liệt, tiếp nối triển khai Đề án 25 với các yêu cầu cao hơn, toàn diện và đồng bộ hơn... Qua đó đã tạo ra nhiều đột phá về mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ; thực hiện nhất thể hóa chức danh và hợp nhất một số cơ quan của cấp ủy Đảng và chính quyền, đem lại sự cải thiện rõ rệt hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy từ cấp tỉnh đến cơ sở và đóng góp tiền đề cơ sở lý luận, thực tiễn để Trung ương tổng kết, lan tỏa trong cả nước… Từ đây nguồn lực con người được khơi thông và được khẳng định qua chính kết quả phát triển KT-XH ngày càng toàn diện của tỉnh.

Khẳng định hiệu quả trong thực tiễn

Với nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp, sau gần 5 năm thực hiện đổi mới, Quảng Ninh đã ghi nhiều dấu ấn trong việc sắp xếp, kiện toàn, tinh giản tổ chức bộ máy theo hướng giảm những tổ chức, đơn vị có sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, ít hiệu quả hoặc chưa phù hợp về mô hình quản lý, cơ cấu tổ chức. Đồng thời, thành lập mới, chuyển đổi mô hình quản lý đối với những cơ quan, đơn vị cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương.

Đại biểu HĐND xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ (cũ) biểu quyết tán thành chủ trương Đề án Nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Thanh

Trong đó nổi bật nhất là bộ máy chính quyền các cấp của tỉnh được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tỉnh đã tích cực rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tổ chức, bộ máy các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nhằm giảm cấp trung gian, khắc phục chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ. Tăng cường phân cấp, phân quyền, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nhất là người đứng đầu; phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp. Cùng với đó là đổi mới cơ chế phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan dân cử, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy dân chủ và sức mạnh tổng hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của hệ thống các cơ quan hành chính thống nhất, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, giải quyết các kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo; khắc phục các hạn chế, khiếm khuyết qua giám sát.

Điển hình như HĐND các cấp có nhiều đổi mới về tổ chức hoạt động, thực hiện tốt chức năng quyết định và chức năng giám sát, thể hiện rõ vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 281 nghị quyết, trong đó có 156 nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất, giáo dục, đào tạo, y tế, đảm bảo an sinh xã hội...

Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực nắm bắt, nghiên cứu, đề xuất nhiều nội dung từ thực tiễn của tỉnh được Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương tiếp thu, góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật. Quốc hội và Chính phủ đã tiếp thu kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh về phân cấp cho HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý vào dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư công; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch, trong đó có nội dung tháo gỡ vướng mắc việc lập Quy hoạch tỉnh khi chưa có quy hoạch quốc gia; Chính phủ rà soát các cơ chế chính sách hỗ trợ nhỏ lẻ để hợp nhất thành cơ chế chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho phát triển KT-XH vùng miền núi...

UBND các cấp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ; tăng tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng thực thi, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và trách nhiệm giải trình.

Song song với đó, các chủ trương, chính sách pháp luật về cải cách tư pháp cũng được tích cực triển khai. Các cơ quan tư pháp được kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ, tăng cường thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố hằng năm đều đạt trên 90%. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nghiêm minh, không để xảy ra oan, bỏ lọt tội phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động tố tụng; trách nhiệm công tố được tăng cường với hoạt động điều tra; việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được chú trọng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Triển khai tốt các chế định bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; tăng cường quản lý nhà nước gắn với đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, từng bước cung ứng tốt dịch vụ pháp lý.

Công tác thanh tra được đẩy mạnh theo hướng chủ động, đồng bộ với công tác kiểm tra, giám sát trong hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm toán; đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện, bảo đảm thống nhất trong xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tiến hành 523 cuộc thanh tra kinh tế xã hội; qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi 111,5 tỷ đồng, xử lý khác 164,5 tỷ đồng, xử lý về đất đai 103.391m2, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 586 tập thể và 621 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được chú trọng; phát huy vai trò tham gia giám sát, phản biện của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, không để phát sinh "điểm nóng" về an ninh, trật tự.

Những đổi mới, nỗ lực, quyết tâm của Quảng Ninh trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh đã mang lại những hiệu quả tích cực cho sự phát triển của tỉnh. Qua đó, khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế mới về một Quảng Ninh đổi mới, năng động; tạo thế và lực mới cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước nói chung. Đồng thời đưa tỉnh đến gần hơn mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Minh Thu

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202008/doi-moi-nang-cao-hoat-dong-cua-he-thong-chinh-quyen-cac-cap-2495703/