Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

Khoa Sư phạm quân sự (Trường Sĩ quan Chính trị), tiền thân là Khoa Tâm lý-Giáo dục học quân sự (GDHQS) được tách ra từ Tổ Tâm lý-GDHQS, Khoa CTĐ, CTCT.

Từ ngày thành lập (22-10-1978) đến nay, tập thể khoa đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác giáo dục, nghiên cứu khoa học, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) quân sự, giảng viên giáo dục quốc phòng an ninh có trình độ đại học và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội.

 Trao đổi kinh nghiệm sư phạm ở Khoa Sư phạm quân sự. Ảnh: Minh Mạnh

Trao đổi kinh nghiệm sư phạm ở Khoa Sư phạm quân sự. Ảnh: Minh Mạnh

Trải qua 40 năm phát triển, nghiên cứu khoa học luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của khoa. Theo đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên của khoa đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các cấp...; biên soạn, xuất bản và đang biên soạn hàng chục giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu dạy học dùng cho đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội, giáo viên KHXH&NV, giáo viên giáo dục quốc phòng, an ninh. Các giáo trình, tài liệu do khoa biên soạn luôn bám sát sự phát triển của khoa học giáo dục, thực tiễn xây dựng và chiến đấu của quân đội, góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề thực tiễn nảy sinh và phục vụ đắc lực nhiệm vụ giáo dục-đào tạo. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, trước xu thế đổi mới quy mô đào tạo của nhà trường, khoa tập trung xây dựng và hoàn thiện hàng chục bộ chương trình, kế hoạch đề bài cho các đối tượng. Khoa đã và đang tham gia giảng dạy hàng chục khóa đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội; 10 khóa giáo viên KHXH&NV; trong đó có 4 khóa giáo viên chuyên ngành GDHQS; cung cấp cho quân đội hàng nghìn cán bộ chính trị cấp phân đội và giáo viên KHXH&NV.

Đáp ứng yêu cầu mới về công tác giáo dục-đào tạo hiện nay, cấp ủy, lãnh đạo khoa tập trung lãnh đạo xây dựng và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên bảo đảm trình độ chuyên môn tốt, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, thực sự là những chuyên gia, cán bộ khoa học có uy tín và nghiên cứu chuyên sâu về GDHQS. Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên trong khoa chủ động tiếp thu thành tựu mới của khoa học giáo dục nói chung, GDHQS nói riêng; tăng cường triển khai và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, coi đây là khâu then chốt, vần đề trọng tâm có ý nghĩa đột phá trong nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn. Tập trung nghiên cứu làm rõ mối quan hệ giữa đổi mới nội dung, phương pháp dạy học với phát triển phẩm chất nghề nghiệp chuyên môn cho các đối tượng đào tạo; vấn đề đổi mới quy trình đào tạo theo tiếp cận năng lực và chuẩn đầu ra.

Để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, đội ngũ giảng viên tập trung đi sâu nghiên cứu và cụ thể hóa các quan điểm giáo dục-đào tạo của Đảng, tích cực nghiên cứu môn giáo dục học ở các trường đại học trong và ngoài quân đội, xu thế phát triển của hoạt động dạy học bậc đại học trên thế giới… Từ đó vận dụng vào đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học môn GDHQS, phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, đi sâu nghiên cứu, khái quát nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục nhân cách quân nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước hiện nay... Từ đó tích cực ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy và nghiên cứu khoa học, góp phần đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục-đào tạo của nhà trường.

Đại tá NGUYỄN THÁI BẢO

Chủ nhiệm Khoa Sư phạm quân sự, Trường Sĩ quan Chính trị

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/doi-moi-nang-cao-chat-luong-giao-duc-dao-tao-552200