Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế

Những năm gần đây kinh tế của Thanh Hóa từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ bề rộng sang chiều sâu, giảm dần phụ thuộc vào việc mở rộng quy mô vốn đầu tư, sử dụng lao động giản đơn, tập trung hướng vào tái tạo, nâng cao năng suất, chú trọng chiều sâu sản phẩm. Nông nghiệp từng bước được tái cơ cấu gắn với mô hình tăng trưởng mới. Công nghiệp phát triển theo hướng tăng chất lượng sản phẩm, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.

(Ảnh minh họa)

Giai đoạn 2011-2015, đã có nhiều mô hình chuyển dần sang tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, cải tiến phương thức quản lý, nâng cao kỹ năng, trình độ của người lao động để mở rộng sản xuất, tăng năng suất lao động.

Năm 2020, năng suất lao động của tỉnh cũng đã đạt 97,8 triệu đồng/lao động, gấp 2,45 lần năm 2015. Thanh Hóa cũng nằm trong nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về việc thành lập doanh nghiệp khoa học - công nghệ với việc đã có 30 doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Thị trường khoa học - công nghệ được hình thành và phát triển góp phần thúc đẩy nhanh việc ứng dụng vào sản xuất. Sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương và doanh nghiệp nông nghiệp, chế biến nông sản đã chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới, nâng tỷ lệ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao lên 21%. Nhiều nhà máy, cơ sở công nghiệp sử dụng thiết bị sản xuất với công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao.

Mục tiêu Thanh Hóa đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trong tất cả các lĩnh vực; khuyến khích ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu phần mềm tập trung, hạ tầng thiết yếu và phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Tỉnh sẽ ban hành cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về công nghiệp nặng; trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; ưu tiên thu hút một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao. Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh để phát triển công nghiệp bền vững.

Tiếp tục hoàn chỉnh thể chế, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sự đóng góp của kinh tế tập thể, HTX đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả các nội dung này, Thanh Hóa sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với các mô hình tăng trưởng, xây dựng sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh; xây dựng các đề án về phát triển công nghiệp, nhất là Đề án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và tổ chức thực hiện một cách bài bản, quyết liệt hơn nữa.

Lam Điền

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/doi-moi-mo-hinh-tang-truong-kinh-te/130242.htm