Đổi mới mô hình tăng trưởng để tạo đột phá

Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được đánh giá có sự chuẩn bị kỹ, nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp... Đóng góp thêm vào dự thảo văn kiện, một số ý kiến đề xuất giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để tiếp tục tạo đột phá trong phát triển.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam:
Quan hệ quốc tế là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế

Tôi nhất trí cao với nội dung dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Theo tôi, nội dung dự thảo được chuẩn bị kỹ càng, công phu, khái quát các thành tựu, bài học kinh nghiệm, chỉ rõ tồn tại, hạn chế và nguyên nhân... Riêng về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, tôi cho rằng cơ hội của Việt Nam chính là có quan hệ và vị thế quốc tế cao. Hợp tác quốc tế mở ra cơ hội cho nhiều lĩnh vực, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tôi cũng đề xuất, dự thảo nên làm rõ thêm yếu tố phát triển kinh tế công nghệ cao mang tính chiến lược lâu dài; trong đó, chú trọng gắn với đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) ở cả lĩnh vực tài chính lẫn con người.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính, giảng viên Học viện Tài chính:
Gắn phát triển kinh tế số với bảo vệ môi trường

Những nhiệm vụ, giải pháp, nhất là bước đột phá về tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đưa ra tại dự thảo Báo cáo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Đáng chú ý, dự thảo báo cáo xác định, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế; bảo đảm doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.

Về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, yêu cầu đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo tôi, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khoa học, công nghệ là động lực để tạo ra bước phát triển vượt bậc, từ đó có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tiến tới nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, dự thảo nên nhấn mạnh hơn nữa về sự phát triển kinh tế số gắn liền với vấn đề bảo vệ môi trường, bởi môi trường là vấn đề toàn cầu, việc phát triển xanh đã trở thành nhu cầu cấp thiết. Môi trường được bảo vệ sẽ giúp kinh tế phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Bằng, nguyên giảng viên Học viện Ngân hàng:
Hình thành, phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân lớn

Tôi nhất trí và đánh giá cao dự thảo Báo cáo được nghiên cứu công phu, khoa học; làm rõ những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm, cũng như thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại. Đặc biệt, những định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2030 hoàn toàn phù hợp với thực tiễn của đất nước cũng như bối cảnh, xu hướng phát triển của thế giới. Trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của giai đoạn 2021-2030, tôi đặc biệt chú ý đến việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả các thiết chế thi hành pháp luật, bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm minh.

Đối với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tôi tâm đắc với việc phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng, hiệu quả, bền vững...; đặc biệt xóa bỏ mọi rào cản, định kiến…; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế… Như vậy, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục được quan tâm với mức độ cao hơn, để thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển đất nước.

Điểm đáng chú ý nữa là chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án tạo giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ làm thước đo chủ yếu... Đây là điều kiện để việc huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường phát huy hiệu quả, đưa đất nước phát triển bền vững trong tương lai.

Việt Nga Hương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/982665/doi-moi-mo-hinh-tang-truong-de-tao-dot-pha