Đổi mới lĩnh vực ngành y cần bắt đầu từ thể chế

Theo PGS.TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nếu muốn đổi mới và đưa các thành tựu quốc tế ứng dụng vào Việt Nam, trước tiên chúng ta phải có những thay đổi phù hợp về thể chế, nếu không thì rất khó tiếp nhận những đổi mới, sáng tạo trên thế giới.

PGS.TS. Lê Văn Truyền chia sẻ với báo chí bên lề diễn đàn "Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế". Ảnh: VGP/HM

PGS.TS. Lê Văn Truyền chia sẻ với báo chí bên lề diễn đàn "Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế". Ảnh: VGP/HM

Tại diễn đàn "Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế" được tổ chức mới đây tại Hà Nội, PGS.TS. Lê Văn Truyền - người đã có 60 năm công tác và làm việc trong ngành y, lấy ví dụ chia sẻ, trong ngành dược hiện nay, các công ty không chỉ đơn thuần làm thí nghiệm, mà còn làm các nghiên cứu phát triển. Tuy nhiên, quy chế của Việt Nam hiện có chấp nhận kết quả của các nghiên cứu phát triển này hay không, hay vẫn yêu cầu họ phải làm thí nghiệm?

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đưa một ví dụ khác trong khám, chữa bệnh: Khi bệnh nhân đến một cơ sở y tế và có chỉ định phải chụp CT, sau đó bệnh nhân chuyển đến một cơ sở y tế khác, tại đây, bệnh nhân vẫn được yêu cầu bắt buộc làm lại CT, cơ sở y tế này không công nhận kết quả của cơ sở y tế trước đó.

"Cách đây 20 năm, khi đến thăm một bệnh viện ở Hàn Quốc, tôi thấy tất cả kết quả của bệnh viện này đều được đưa lên thành dữ liệu chung cho toàn bộ hệ thống y tế. Kết quả kiểm nghiệm của bệnh viện phải được coi là tài sản chung của ngành y tế, không phải sở hữu của bất kỳ một bệnh viện nào", PGS.TS. Lê Văn Truyền cho biết.

Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta chưa làm được việc này. Nguyên nhân được vị chuyên gia này chỉ ra, thứ nhất, do chúng ta chưa có một cơ quan thẩm định chất lượng các xét nghiệm của các cơ sở y tế; thứ 2, trong phần chi phí thực hiện các xét nghiệm có phần lợi ích của bệnh viện, nên họ không muốn chia sẻ các kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế.

Từ 2 ví dụ điển hình trên, ông Lê Văn Truyền nhấn mạnh, vấn đề cần phải đổi mới trong lĩnh vực y tế hiện nay trước tiên phải bắt đầu từ thể chế. Khi đó, các bệnh viện, các đơn vị sẽ cùng hoạt động trong một thể chế chung của Nhà nước.

Cũng tại diễn đàn, GS.BS. Adil Mardinoglu của Đại học King’s College London và Học viện Công nghệ Hoàng gia tại Thụy Điển, chia sẻ kinh nghiệm: Chính phủ Thụy Điển muốn đẩy mạnh việc nghiên cứu những phát minh về thuốc và họ đã thành công với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và tập trung những nhóm nghiên cứu lại, tạo sự phát triển đa ngành. Việc này giúp tiết kiệm và giảm thiểu rủi ro, khi các nhóm cùng chia sẻ hạ tầng, kết nối.

Để phát triển một loại thuốc, thay vì phải phát triển 10 nền tảng, họ chỉ cần một. Có thiết bị, nếu 10 đơn vị cùng mua sẽ lãng phí, khi tập trung lại thì chỉ cần 1 máy là tất cả cùng sử dụng.

PGS.TS. Lê Văn Truyền đồng tình với ý kiến trên và cho rằng, điểm yếu hiện nay ở Việt Nam là nguồn nhân lực phân tán, đầu tư dàn trải. Giải pháp cho vấn đề này là làm sao phải liên kết được đa ngành thì mới phát triển.

Các chuyên gia tại diễn đàn cũng chia sẻ, thực tế, đổi mới sáng tạo luôn có các thách thức giống nhau, từ ý tưởng đến thành công trên thị trường là một hành trình rất gian nan và khó khăn. Con số thành công rất ít.

Khả năng nghiên cứu, thông thạo kỹ thuật không đi đôi với khả năng kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp. Xây dựng một doanh nghiệp hoặc sản phẩm và trải quá các thách thức để tăng quy mô - từ các nhóm nghiên cứu, chuỗi cung ứng, nhà máy sản xuất, đến việc kêu gọi vốn và quản trị các thị trường... đều yêu cầu rất nhiều kỹ năng và các quyết định lựa chọn phù hợp. Các kỹ năng và quyết định phù hợp này sẽ chỉ được hun đúc và phát triển nếu có môi trường phù hợp.

Hiện, Việt Nam đang có nhiều cơ hội với đội ngũ lao động trẻ được đào tạo, nhằm tạo lập một môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các cơ quan quản lý cần xây dựng hành lang pháp lý đủ linh động để thích ứng với các thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và tri thức (như các thí điểm, cơ chế sandbox trong chính sách), đồng thời củng cố tính dự báo, hỗ trợ thúc đẩy khối nghiên cứu và doanh nghiệp thực hiện phát triển được các dự án nghiên cứu đổi mới sáng tạo.

Với môi trường này, khối nghiên cứu và doanh nghiệp sẽ vượt qua được khoảng cách từ nghiên cứu đến thị trường và đồng hành trên hành trình đổi mới sáng tạo giải quyết các bài toán hiện tại và trong tương lai.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/doi-moi-linh-vuc-nganh-y-can-bat-dau-tu-the-che-102221122105735108.htm