Đổi mới kỳ họp Quốc hội: Đại biểu sẽ nói ngắn hơn, đừng đọc như diễn thuyết

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc giảm thời gian phát biểu tại hội trường từ 7 phút xuống 5 phút.

Sẽ giảm thời gian mỗi lượt phát biểu của đại biểu trong các phiên thảo luận toàn thể - (Ảnh QK)

Sẽ giảm thời gian mỗi lượt phát biểu của đại biểu trong các phiên thảo luận toàn thể - (Ảnh QK)

Trong báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV mới phát hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả kỳ họp, trong đó có việc áp dụng phương thức họp trực tuyến, việc bố trí kỳ họp theo từng đợt.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng thống nhất hoàn thiện quy trình, thủ tục tranh luận, giảm thời gian mỗi lượt phát biểu của đại biểu nhằm tạo điều kiện để nhiều đại biểu phát biểu nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng ý kiến tham gia.

Hiện tại, trong các phiên thảo luận tại hội trường, thời gian phát biểu tối đa mỗi lượt của một đại biểu là 7 phút. Đồng hồ đếm ngược sẽ hiển thị khi đại biểu bắt đầu đăng đàn, hết thời gian, nếu đại biểu vẫn tiếp tục nói thì thường "xin thêm" vài chục giây, nếu quá khoảng 30 giây thì chủ tọa sẽ ngắt lời, mời đại biểu khác. Đại biểu giơ biển tranh luận sẽ được dành thời gian tối đa ba phút, và thường chỉ được tranh luận tối đa hai lần trong một buổi thảo luận, lần hai không quá hai phút. Những vị đã đăng ký nhưng không còn thời gian để phát biểu được đề nghị gửi văn bản cho đoàn thư ký kỳ họp để tổng hợp.

Tại phiên họp tháng 7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng quy định thời gian thảo luận 7 phút là quá dài.

"Tôi theo dõi chăm chú từ khóa XIII tới khóa này, đồng chí nào không đọc đi đọc lại nội dung trong báo cáo và các tài liệu kèm theo mất 2 phút thì phát biểu 4 phút, quy định 7 phút là quá dài", ông Giàu nhận xét và so sánh: Chủ tịch Quốc hội báo cáo thông điệp giữa Hội nghị lãnh đạo các nước ASEAN và AIPA thì quy định 5 phút. Trưởng đoàn cũng chỉ được phát biểu 3 phút.

Vì thế, ông Giàu đề nghị cần cải tiến để đại biểu đã đăng ký là phải được phát biểu, chứ không được nói mà gửi lại văn bản "thì buồn lắm".

Ông Giàu cũng cho rằng nên quy định để đại biểu phát biểu đừng đọc như diễn thuyết, không có gì hấp dẫn, không ai nghe, phân tán. Nên tập dần cho các nghị sỹ là phải phát biểu, ông Giàu nhấn mạnh.

Với tranh luận, ông Giàu đề nghị cần có quy chế rõ ràng để đại biểu tranh luận với đại biểu, chứ lấy cớ tranh luận với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (thường các dự án luật chuẩn bị thông qua thì báo cáo tiếp thu, giải trình do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát hành - PV) để lấy cơ hội phát biểu của người khác là không được.

Thông báo kết luận phiên họp tháng 7/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc giảm thời gian phát biểu tại hội trường từ 7 phút xuống 5 phút vừa để tạo điều kiện cho nhiều đại biểu tham gia phát biểu vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng ý kiến.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý các cơ quan tham mưu nghiên cứu để có thể điều chỉnh thời gian của một số nội dung cho phù hợp. Như, giảm thời gian chất vấn và trả lời chất vấn (từ 3 ngày xuống 2,5 ngày), tăng thời gian thảo luận các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (từ 0,5 lên 01 ngày); giảm thời gian thảo luận ở tổ, tăng thời gian thảo luận ở hội trường.

Theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV tiếp tục được tổ chức theo 2 đợt (đợt 1 họp trực tuyến, đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội) và khai mạc kỳ họp đúng thời gian theo quy định (ngày 20/10/2020).

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doi-moi-ky-hop-quoc-hoi-dai-bieu-se-noi-ngan-hon-dung-doc-nhu-dien-thuyet-d126499.html