Đổi mới, khởi nghiệp và dựng nghiệp

Khởi nghiệp là để làm giàu cho mình, làm giàu cho đất nước. Khởi nghiệp là để kiến tạo hạnh phúc, hướng đến một xã hội văn minh, để tạo dựng thịnh vượng đích thực ngay từ trong ngôi nhà của mình.

Vấn đề đầu tiên và cuối cùng của khởi nghiệp không phải chỉ là thành công về tài chính, mà còn phải làm nên những giá trị, đặc biệt là những giá trị nhân văn.

Có một từ có tính chiến lược hơn “khởi nghiệp”, đó là “dựng nghiệp”. Khởi nghiệp chỉ một lần, còn dựng nghiệp thì phải làm cả đời và nhất quán mục tiêu, lý tưởng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Khởi nghiệp chính là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Hay nói một cách khác, không có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước trong vai trò “bà đỡ”, mọi sáng tạo trong xã hội đều khó xuất hiện.

Đó là đứng về phía Nhà nước. Còn với mỗi cá nhân, muốn làm giàu thì phải có “gan”, như các cụ từng dạy, phải biết “tự cứu lấy mình trước khi trời cứu” như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói một cách tâm huyết. Khởi nghiệp hay dựng nghiệp, muốn thành công, và càng ngày càng thành công, thì điều tiên quyết và là động lực to lớn, đó chính là tinh thần vị tha và cống hiến. Nếu không có điều này, mọi thành công đều giới hạn trong nhỏ bé cá nhân.

Dựng nghiệp bao giờ cũng gắn với cách tân, thay cũ đổi mới. Một cách rộng lớn, mạnh mẽ thì thành một cuộc canh tân đất nước, thành một bước phát triển về chất.

Cuộc canh tân nào cũng phải sửa sang, đổi mới về kinh tế và chính trị, trước hết là chính trị. Đổi mới chính trị, trước hết là diệt trừ tham ác, “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.

Nhìn trong lịch sử nước ta, người đổi mới đầu tiên lại là người phụ nữ: Hai Bà Trưng. Hai Bà đã tự đứng lên đổi phận nữ nhi thành anh hùng cứu nước, giành lại nền độc lập đầu tiên cho nước nhà. Qua nhiều người nữa, đến Lý Công Uẩn là người đổi mới chính trị và thành công khi dời đô từ vùng đất nhỏ hẹp Ninh Bình ra Thăng Long; là người biết sử dụng hiền tài, lập nên một vương triều thịnh trị hàng trăm năm.

Hồ Quý Ly là một nhà cải cách, có chí lớn, đã xây dựng nước ta thành nước Đại Ngu hùng mạnh, có tư tưởng độc lập và phát triển khoa học, công nghệ, nhưng rất tiếc là đã sớm thất bại.

Nguyễn Trãi là một nhà chính trị lỗi lạc có tư tưởng xây dựng một nhà nước nhân dân từ rất sớm, sớm hơn cả phương Tây; có tư tưởng hòa bình, hòa hiếu, muốn xóa bỏ hận thù giữa các nước, xóa bỏ ngăn cách giữa các tầng lớp trong xã hội. Nhưng Nguyễn Trãi chỉ thành công trong việc tham mưu chống giặc ngoại xâm mà không thành công trong việc thực thi tư tưởng chính trị.

Lê Thánh Tông là một nhà cải cách thành công trên nhiều mặt: Chính trị, kinh tế, văn hóa, luật pháp, an ninh, quốc phòng.

Nguyễn Trường Tộ đã sớm có hiểu biết về phương Tây, lại có lòng yêu nước thiết tha, nên đã dâng nhiều kế sách cho nhà Nguyễn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đánh Pháp thu hồi lục tỉnh, nhưng không được triều đình nhà Nguyễn nghe theo, bỏ lỡ một cơ hội hội nhập và phát triển... Nguyễn Trường Tộ, trước khi chết ở tuổi 41, đã than rằng: “Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận/Ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm”.

Chúng ta hãy thử cùng ngẫm xem, cùng là sự đổi mới, sự cải cách, hướng về tiến bộ, tại sao lại có cuộc thành công, có cuộc thất bại?

Lý Công Uẩn, Lê Thánh Tông thành công vì các nhà canh tân ấy đồng thời đứng ở ngôi đầu, có quyền lực và thể chế trong tay. Đồng thời, các ông biết tập hợp được đội ngũ trí thức tinh hoa. Với Lý Công Uẩn là các nhà sư thông tuệ. Với Lê Thánh Tông là giới túc nho cả nước, không chỉ nhị thập bát tú vị trong Tao đàn.

Chuyện đưa Nho giáo thành quốc giáo, phát triển Nho học không phải công đầu của nhà Lê, mà là của một nữ sĩ triều Trần, một cung phi của Trần Duệ Tông, bà Nguyễn Thị Bích Châu. Trong mười kế sách dâng vua (Kê minh thập sách), bà viết:

Điều một: Bền gốc nước, trừ kẻ bạo, thì dân chúng được yên.

Điều hai: Giữ nếp xưa, phiền nhiễu nên bỏ, thì triều cương không rối.

Điều ba: Ngăn kẻ lạm quyền để trừ mọt nước.

Điều bốn: Loại bọn quan tham nhũng để bớt vơ vét của dân.

Điều năm: Mở lối nho phong để ngọn lửa đóm được soi cùng mặt trời mặt trăng...

Hồ Quý Ly thất bại vì soán đoạt ngôi vua, lòng dân không thể phục.

Nguyễn Trãi không thành công vì triều Lê lúc ấy thắng giặc rồi, có nhiều bọn chỉ lo định công, chia chác, chưa thoát khỏi văn hóa làng xã, chưa ra khỏi sức nghĩ tù trưởng nên sợ sệt, hãm hại hiền tài.

Nguyễn Trường Tộ không được nghe vì kiến thức của các đại thần Huế nông cạn, lòng dạ lại nhút nhát. Chỉ bàn ra bàn vào, nói ngược, nói xuôi, vua không dám quyết. Y như một số việc, một số nơi bây giờ, không muốn làm thì đem ra bàn! Đấy là cách giết chết cái mới một cách êm dịu và vô tội nhất!

Thế mới biết, quyết định Đổi mới của Đảng ta thật là vĩ đại!

Chúng ta đang ở vào thời mà người đứng đầu của Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện sự nghiệp Đổi mới, trước hết là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy Nhà nước. Đây là vấn đề hàng đầu của mọi vấn đề; vấn đề hàng đầu của mọi thời kỳ lịch sử. Điều đó, đem lại cho chúng ta niềm tin và hy vọng lớn.

Hôm qua, hôm nay và mãi mãi, cần nóng bỏng tình yêu đất nước, cần vững bước trên con đường phát triển, cần xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Cả nội hàm hạnh phúc cũng khác. Hạnh phúc không chỉ đựng trong một tà áo đẹp, một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn, mà hạnh phúc còn là luôn biết làm mới mình, là khát vọng thành công và tận hiến.

Ngay con người cổ đại cũng đã nêu ra một khẩu hiệu, một mệnh lệnh cho cuộc sống: “Nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Hà Nội và nhiều địa phương khác có tên làng gọi là Nhật Tân. Cái tên ấy nhắc nhớ và vẫy gọi chúng ta!

Lịch sử dân tộc ta hàng nghìn năm đi trên con đường đổi mới.

Những Chu Văn An, Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ, Lương Văn Can, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu… là những nhà cải cách. Nhiều tên tuổi các vua chúa lặn chìm vô tăm tích trong dòng thời gian, nhưng tên tuổi của những nhà cải cách với những bài học kinh nghiệm, sẽ sống mãi, tư tưởng của họ vẫn còn giá trị thời sự cho ngày hôm nay.

Đổi mới không chỉ là tên gọi của một thời kỳ. Đổi mới là một đòi hỏi, một tất yếu của cuộc sống trong mọi thời kỳ.

Đổi mới không chỉ là việc của trên, mà cơ bản là việc của mỗi người. Trời cho mưa thuận gió hòa nhưng cây cối mọi miền đều nở hoa mới làm nên sự tươi đẹp của Mùa Xuân.

Nếu hôm qua, chúng ta sống trong chờ đợi và hy vọng thì hôm nay phải sống trong tin tưởng và hành động!

Khởi nghiệp, dựng nghiệp, luôn đổi mới là một cuộc chiến đấu! Và cuộc chiến đấu ấy không thể không chiến thắng!

Theo Nhà Đầu tư

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/doi-moi-khoi-nghiep-va-dung-nghiep-159032.html