Đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá giảm áp lực cho học sinh

Nhiều giáo viên cho rằng, việc giảm bớt đầu điểm trong kiểm tra, đánh giá sẽ giúp giảm nhẹ hơn áp lực học tập, thi cử cho học sinh. Cùng với đó, sự đa dạng hóa hơn các hình thức kiểm tra, đánh giá cũng trao cơ hội để giáo viên ghi nhận khách quan, đầy đủ nhất quá trình phấn đấu của học sinh trong học tập lẫn rèn luyện.

Từ ngày 11/10, Thông tư 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT bắt đầu chính thức áp dụng.

Nhiều giáo viên cho rằng, việc giảm bớt đầu điểm trong kiểm tra, đánh giá sẽ giúp giảm nhẹ hơn áp lực học tập, thi cử cho học sinh. Cùng với đó, sự đa dạng hóa hơn các hình thức kiểm tra, đánh giá cũng trao cơ hội để giáo viên ghi nhận khách quan, đầy đủ nhất quá trình phấn đấu của học sinh trong học tập lẫn rèn luyện.

Điểm mới đáng chú ý của Thông tư 26 là tất cả các môn học đều có đánh giá bằng nhận xét thay vì chỉ đánh giá bằng nhận xét ở một số môn học như trước đây.Theo đó, học sinh sẽ được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau và có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân.

Ảnh minh họa: Việc linh hoạt các hình thức đánh giá sẽ giúp học sinh phát huy tốt hơn tinh thần tự học.

Ảnh minh họa: Việc linh hoạt các hình thức đánh giá sẽ giúp học sinh phát huy tốt hơn tinh thần tự học.

Từ đó, kết quả của hoạt động kiểm tra, đánh giá sẽ sát thực với năng lực của học trò, giúp các em hình thành, phát triển được phẩm chất, năng lực cơ bản cần thiết trong cuộc sống.

Đặc biệt, các hoạt động đánh giá được cụ thể hóa hơn so với Thông tư trước đây, trong đó, kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi - đáp; viết ngắn; thuyết trình; thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể.

Trong mỗi học kì, số điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ của một học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm cả chủ đề tự chọn) cũng được quy định cụ thể.

Môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học được quy định 2 đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học quy định 3 đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 70 tiết/năm học, quy định 4 đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên. Kiểm tra, đánh giá định kì cũng được đa dạng hóa thông qua bài kiểm tra (có thể thực hiện trên giấy, hoặc trên máy tính với thời gian từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa là 120 phút); bài thực hành.

Trong mỗi học kì, một môn học có 1 điểm kiểm tra đánh giá giữa kỳ và 1 điểm kiểm tra đánh giá cuối kỳ; không còn điểm 1 tiết. Điểm trung bình môn học kì là trung bình cộng của điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, điểm kiểm tra, đánh giá giữa kì và điểm kiểm tra, đánh giá cuối kì với các hệ số quy định. So với quy định hiện hành, tổng số đầu điểm kiểm tra đánh học sinh theo Thông tư 26 đã giảm, môn nhiều nhất chỉ có 6 đầu điểm.

Nhiều giáo viên rằng, Thông tư 26 với những điểm mới về đánh giá, xếp loại học sinh được xem là “bước đệm” giúp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chuyển dần sang kiểm tra, đánh giá theo hướng hình thành, phát triển năng lực người học, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Việc giảm bớt đầu điểm kiểm tra 1 tiết sẽ giảm áp lực cho giáo viên và học sinh.

Sự đa dạng trong cách thức kiểm tra, đánh giá sẽ khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu, mạnh dạn hơn khi tham gia trong các hoạt động phong trào của trường, nghiên cứu khoa học, phát triển được năng lực sáng tạo, sở thích của bản thân. Điều này gián tiếp giúp giáo viên có nhiều thời gian hơn tập trung giảng dạy theo hướng phát triển năng lực, ghi nhận sự tiến bộ của học trò theo quá trình bằng nhiều hình thức.

PGS Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên môn Ngữ văn chương trình GDPT mới cũng bày tỏ sự tán thành khi Thông tư 26 giảm bớt các bài kiểm tra để công tác chấm bài của giáo viên nhẹ nhàng hơn. Theo ông Thống, ở môn Ngữ văn, học sinh chỉ cần 6 đầu điểm/1 học kì, gồm 4 điểm kiểm tra thường xuyên, 1 bài kiểm tra giữa kì và 1 bài kiểm tra cuối kỳ. Với 4 bài kiểm tra trên, việc đánh giá kết quả viết là đủ bởi vấn đề quan trọng nhất là đổi mới cách ra đề theo yêu cầu đánh giá năng lực chứ không phải là số lượng bài viết.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Quy định đánh giá học sinh mới không chú trọng kiểm tra kiến thức học sinh tiếp thu như cách truyền thống mà áp dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra nhằm giúp học sinh phát triển năng lực, phẩm chất ngay trong quá trình học tập. Trước đây, số đầu điểm kiểm tra 1 tiết nhiều hơn, có những môn có đến 2-3 bài kiểm tra 1 tiết/học kỳ. Chỉ sau một phần kiến thức khoảng 2-3 tuần là có kiểm tra nên không thuận lợi cho việc xây dựng đề kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Để đánh giá được rõ nét sự phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh cũng cần thực hiện sau mỗi giai đoạn dài hơn. Chính vì nhìn thấy điều này, Thông tư 26 đã điều chỉnh có hai bài kiểm tra định kỳ/học kỳ. Như vậy, khoảng 8 tuần học, có 1 bài kiểm tra định kỳ. Quy định như thế này cũng phù hợp với cách làm của nhiều nước trên thế giới.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/doi-moi-hoat-dong-kiem-tra-danh-gia-hoc-sinh-giam-ap-luc-tang-hieu-qua-611871/