Đổi mới hoạt động giáo dục thường xuyên

Giáo dục thường xuyên (GDTX) nhằm mục đích tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người và xây dựng xã hội học tập bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, những năm qua, hoạt động GDTX được ngành giáo dục chú trọng đổi mới và đạt được kết quả tích cực.

 Giờ thực hành của học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đô Lương (huyện Đô Lương, Nghệ An).

Giờ thực hành của học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đô Lương (huyện Đô Lương, Nghệ An).

Giáo dục thường xuyên (GDTX) nhằm mục đích tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người và xây dựng xã hội học tập bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, những năm qua, hoạt động GDTX được ngành giáo dục chú trọng đổi mới và đạt được kết quả tích cực.

Hoạt động GDTX hiện nay khá đa dạng gồm các hoạt động xây dựng xã hội học tập (XHHT), xóa mù chữ, dạy học văn hóa theo chương trình giáo dục trung học, hoạt động bồi dưỡng nâng cao kiến thức ở các trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ)... Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Thị Tú Anh cho biết, để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhiều giải pháp nâng cao chất lượng GDTX đã được triển khai. Một trong những hoạt động chính của GDTX là triển khai xây dựng XHHT theo Quyết định 89/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương thuộc khu vực miền núi, hải đảo, biên giới đã triển khai nhiều hoạt động phát triển cộng đồng; hỗ trợ trẻ em, phụ nữ dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa học lớp xóa mù chữ. Một số địa phương tổ chức các hoạt động sáng tạo, hiệu quả như duy trì lớp học xóa mù chữ cho người dân các làng chài ở Quảng Ninh, tăng cường thời gian thực hành nói tiếng phổ thông cho người dân tộc thiểu số ở Yên Bái...

Ngoài ra, trong các hoạt động GDTX, các TTHTCĐ đã thật sự trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân đến học tập thường xuyên, góp phần thực hiện các mục tiêu về giáo dục, văn hóa, xã hội địa phương. Ngành giáo dục đã tích cực phối hợp các đơn vị, đoàn thể để tổ chức các hoạt động của TTHTCĐ như: Mở các lớp dạy nghề, tư vấn việc làm cho nông dân, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật... nhằm tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời. Công tác phân luồng học sinh sau THCS đi vào thực chất cho nên số lượng học viên tại các trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX có xu hướng tăng nhanh. Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông được nâng cao chất lượng, bảo đảm mục tiêu “dạy thật, học thật, thi thật, đánh giá thật để có chất lượng thật”. Kết thúc năm học 2018-2019, cả nước có 15.553 cơ sở GDTX gồm: 71 trung tâm GDTX cấp tỉnh, 591 trung tâm GDTX và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX cấp huyện, 3.974 trung tâm ngoại ngữ - tin học và 10.918 TTHTCĐ. Số lượng người học các chương trình GDTX năm học 2018-2019 có quy mô 20,8 triệu lượt người tham gia học tập chuyên đề tại các TTHTCĐ, trung tâm GDTX; hơn hai triệu lượt người học tập ngoại ngữ, tin học; 276 nghìn lượt người tham gia học nghề ngắn hạn; 26,7 nghìn người theo học lớp xóa mù chữ và 244 nghìn học viên tham gia học THCS và THPT theo chương trình GDTX...

Tuy nhiên, thực tế hoạt động GDTX cũng bộc lộ một số bất cập khi mạng lưới phát triển chưa tương xứng với nhu cầu học tập của người dân. Việc chia tách, sáp nhập, giải thể dẫn đến mạng lưới các cơ sở GDTX ở một số địa phương không đồng bộ, không đúng theo quy định của Luật Giáo dục. Trong khi đó, việc quản lý GDTX ở một số địa phương còn thụ động và để xảy ra những sai phạm trong dạy học, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ kém chất lượng... Việc học tập của người lớn, xây dựng XHHT chưa thật sự được quan tâm đúng mức, tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở những vùng khó khăn chưa cao, không bền vững. Số người mù chữ và tái mù chữ tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 36 đến 60 và ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Bồi dưỡng thường xuyên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Lào Cai) Bùi Xuân Tiệp cho biết, việc nâng cao chất lượng GDTX, trong đó có xóa mù chữ ở địa bàn vùng cao khá khó khăn. Bởi vùng núi, vùng dân tộc thiểu số thường có địa hình phức tạp, dân cư sống phân tán, xa trường học cho nên khó huy động người học ra lớp. Mặt khác, đối tượng người học là lao động chính và thường xuyên đi làm thuê xa nhà, lên nương làm rẫy nên không có nhiều thời gian dành cho học tập... Vì vậy, để nâng cao chất lượng GDTX, cần tăng cường tuyên truyền, tạo đồng thuận, vào cuộc của đoàn thể, các lực lượng xã hội trong tổ chức các lớp học phù hợp từng nhóm đối tượng… Trong khi đó, đại diện Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc cho rằng, Bộ GD và ĐT cần phối hợp các bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn phân loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - GDTX để thuận lợi trong hoạt động và bảo đảm quyền lợi, chế độ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên...

Theo Bộ GD và ĐT, để nâng cao chất lượng GDTX, toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở GDTX, ưu tiên kiện toàn hệ thống TTHTCĐ, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX sau sáp nhập. Ngành giáo dục tăng cường phối hợp, liên kết các cơ sở GDTX với các cơ sở giáo dục đại học trong việc hỗ trợ nguồn học liệu mở cho GDTX, thúc đẩy việc học tập suốt đời của người lớn. Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào xây dựng cả nước trở thành một XHHT. Ngành giáo dục cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện điều tra, thống kê chính xác số người mù chữ và tái mù chữ để xây dựng kế hoạch mở lớp bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; xây dựng và phát triển các cộng đồng học tập ngoại ngữ... nhằm nâng cao chất lượng GDTX góp phần xây dựng XHHT, đổi mới GD và ĐT...

Giang Sơn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/41115902-doi-moi-hoat-dong-giao-duc-thuong-xuyen.html