Đổi mới hình thức tuyên truyền trong kỷ nguyên 4.0

Cuộc thi 'Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng' vừa kết thúc tuần thi đầu tiên đã thu hút sự tham gia của hơn 41.000 người dự thi từ khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phóng viên báo Nhân Dân điện tử đã phỏng vấn Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Phó Trưởng ban Tổ chức, Trưởng Ban Nội dung về những điểm mới tạo nên sức hấp dẫn của Cuộc thi.

Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Phó Trưởng ban Tổ chức, Trưởng Ban Nội dung Cuộc thi tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Phó Trưởng ban Tổ chức, Trưởng Ban Nội dung Cuộc thi tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

NDĐT- Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” vừa kết thúc tuần thi đầu tiên đã thu hút sự tham gia của hơn 41.000 người dự thi từ khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phóng viên báo Nhân Dân điện tử đã phỏng vấn Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Phó Trưởng ban Tổ chức, Trưởng Ban Nội dung về những điểm mới tạo nên sức hấp dẫn của Cuộc thi.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” vừa kết thúc tuần thi đầu tiên đã thu hút sự tham gia của hơn 41.000 người dự thi từ khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí có thể chia sẻ một số điểm mới của cuộc thi, có gì khác so với các cuộc thi trước đây của ngành Tuyên giáo?

Tiến sĩ Trần Doãn Tiến:

Trước hết là điểm mới về nội dung cuộc thi. Ngoài những vấn đề lịch sử 90 năm xây dựng và phát triển ngành Tuyên giáo của Đảng, cuộc thi lần này nhấn mạnh đến những kết quả công tác Tuyên giáo đã đạt được trong gần 35 năm đổi mới đất nước. Khẳng định chúng ta kiên định, lấy chủ nghĩa Mác –Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng ta, xây dựng đường lối chính trị của Đảng đúng đắn, phù hợp quy luật và xu thế của thời đại. Giữ vững lập trường giai cấp, đấu tranh không khoan nhượng đối với các quan điểm sai trái, phản động để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tham gia tổng kết lý luận thực tiễn của Đảng trong lĩnh vực Tuyên giáo và những bài học, kinh nghiệm, mô hình hay trong công tác Tuyên giáo.

Điểm mới thứ hai là hình thức tổ chức thi. Các cuộc thi trước đây thường được tổ chức theo lối truyền thống là thi viết, tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhất là trong Kỷ nguyên 4.0 như hiện nay thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền nói chung, trong các cuộc thi nói riêng là phương thức mới thu hút được sự tham gia của người, ở nhiều lứa tuổi.

Từ kết quả Cuộc thi tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam đã được tổ chức thành công, cho thấy rõ hiệu quả của việc ứng dụng mạng VCNET trong việc tổ chức các cuộc thi. Theo thống kê, trước khi diễn ra Cuộc thi tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng, mạng VCNET có 18.405 tài khoản. Sau khi tổ chức thành công cuộc thi, hiện mạng VCNET có hơn 700.000 tài khoản và đang tăng lên hằng tuần, hằng tháng.

Bên cạnh đó, việc thi trên mạng VCNET còn có những tính ưu việt khác như: thao tác nhanh, đơn giản, thuận tiện, hiệu quả, minh bạch, chính xác, khách quan,… Người tham gia thi chỉ cần có điện thoại thông minh, máy tính có đăng ký tài khoản VCNET là có thể thi ở mọi lúc mọi nơi. Người dự thi có thể thực hiện nhiều lượt thi trong ngày thi và tuần thi.

Điểm mới thứ ba, đó là bộ câu hỏi được soạn thảo ngắn gọn dễ hiểu nhưng vẫn bảo đảm kiến thức tổng hợp. Để trả lời được chính xác các câu hỏi thì đòi hỏi người tham gia phải tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, nắm vững nội dung về ngành Tuyên giáo. Minh chứng cho nhận định này là trong cuộc thi tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có hàng chục triệu lượt người tìm hiểu tư liệu, tài liệu về Đảng.

Cuối cùng, do đây là cuộc thi về ngành Tuyên giáo nên cũng có nhiều nét đặc thù. Đó là diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ các nội dung về lịch sử, truyền thống, kinh nghiệm của ngành Tuyên giáo. Trên cơ sở kinh nghiệm, thực tiễn đó, có những kiến nghị, đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương các giải pháp đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo.

Ngoài ra, đối tượng dự thi lần này quy định chỉ người Việt Nam ở trong và ngoài nước được tham gia thi, không có người nước ngoài như các cuộc thi khác. Về độ tuổi của đối tượng dự thi thì chỉ yêu cầu từ đủ 14 tuổi trở lên, do đó mở rộng thêm được nhóm đối tượng ở lứa tuổi học sinh có thể tham gia thi. Từ đó có thể khuyến khích lứa tuổi này tìm hiểu từ sớm về nền tảng tư tưởng của Đảng ta, qua đó cũng góp phần giáo dục tư tưởng chính trị cho thế hệ tương lai này.

Hình ảnh tại Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi "Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” .

Phóng viên: Thưa đồng chí, năm 2020 là năm có nhiều sự kiện lớn của đất nước. Trong bối cảnh đó, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng”, đồng chí có thể chia sẻ về mục đích và ý nghĩa của Cuộc thi?

Tiến sĩ Trần Doãn Tiến:

Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước, như kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 45 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9; 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; kỷ niệm các ngày thành lập, ngày truyền thống các Ban của Đảng; kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng…

Cùng với các hình thức tuyên truyền khác theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử cách mạng của Đảng, của dân tộc; giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường dân tộc, qua đó góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thông qua cuộc thi và các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức thành công Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” trên mạng VCNET. Cuộc thi đã thu hút hơn 3,2 triệu lượt người tham gia và hàng chục triệu người tìm hiểu tư liệu về lịch sử 90 năm vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam qua mạng.

Tiếp nối thành công đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch tổ chức và Thể lệ Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng”. Cuộc thi nhằm tuyên truyền về lịch sử 90 năm xây dựng và phát triển ngành Tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 – 1-8-2020).

Thông qua cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức và phát huy những kinh nghiệm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong đổi mới nội dung, phương thức công tác Tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Bởi vì, công tác Tuyên giáo là mặt trận tư tưởng, lý luận, văn hóa, khoa học, giáo dục hết sức quan trọng của Đảng.

Bên cạnh đó, cuộc thi cũng sẽ góp phần tuyên truyền, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn xã hội một cách sâu rộng; đồng thời đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; góp phần đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết thêm về giá trị và cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi?

Tiến sĩ Trần Doãn Tiến:

Theo Thể lệ Cuộc thi, cơ cấu và giá trị giải thưởng được trao hằng tuần như sau:

Mỗi tuần có 04 giải thưởng, bao gồm: 01 giải Nhất trị giá 4.000.000 đồng; 02 giải Nhì, mỗi giải trị giá 2.000.000 đồng; 05 giải Ba, mỗi giải trị giá 1.500.000 đồng và 08 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 1.000.000 đồng.

Kết quả thi hằng tuần sẽ được công bố, cập nhật ngay sau khi có kết quả thi tuần (chậm nhất là 12 giờ thứ Hai hằng tuần) trên mạng VCNET, đăng tải trên Báo Nhân Dân điện tử, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, các cơ quan báo chí phối hợp tổ chức Cuộc thi và các phương tiện thông tin đại chúng. Các cá nhân đoạt giải các cuộc thi tuần sẽ được vinh danh ngay sau khi kết quả được công bố.

Cùng với đó, khi kết thúc Cuộc thi sau 16 tuần thi, Ban Tổ chức sẽ tặng Giấy Chứng nhận của Ban Tổ chức Cuộc thi cho những cá nhân đoạt giải Nhất các cuộc thi tuần; tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho Ban Tuyên giáo tỉnh, thành phố, đảng bộ trực thuộc Trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương có số lượng người dự thi nhiều nhất; tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho tập thể và cá nhân đã có nhiều thành tích trong tổ chức Cuộc thi.

Tùy tình hình thực tế, Ban Tổ chức, Ban Thư ký Cuộc thi có thể tổ chức hai đợt trả thưởng cho những cá nhân đoạt giải trong các cuộc thi tuần (người đoạt giải không có điều kiện trực tiếp nhận giải, có thể nhận tiền thưởng qua bưu điện hoặc qua tài khoản cá nhân).

Ban Tổ chức cũng sẽ tổ chức Chương trình nghệ thuật “Giữ trọn niềm tin” và Lễ Tổng kết Cuộc thi, dự kiến vào cuối tháng 7-2020, nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1-8-1930 – 1-8-2020).

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Cuộc thi tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng trên mạng VCNET bắt đầu từ ngày 23-3 đã kết thúc tuần thi thứ nhất. Trong tuần thi thứ nhất, từ ngày 23 đến 30-3, đã có 41.488 người tham gia thi với 136.271 lượt dự thi, có 14.835 người trả lời đúng cả 10 câu hỏi.

Kết thúc tuần thi thứ nhất, Ban Tổ chức đã công bố danh sách các cá nhân đoạt giải, gồm: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 05 giải Ba và 08 giải Khuyến khích.

NGUYÊN MINH thực hiện

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43854402-doi-moi-hinh-thuc-tuyen-truyen-trong-ky-nguyen-4-0.html