Đổi mới hệ thống định mức và giá xây dựng trong nền kinh tế thị trường: Nên theo hướng nào?

Tại hội thảo do Bộ Xây dựng tổ chức tuần qua, định hướng đổi mới hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và giá xây dựng trong nền kinh tế thị trường được các đại biểu đặc biệt quan tâm, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp hữu ích. Các ý kiến đóng góp hữu ích này sẽ được Bộ Xây dựng cùng với các cơ quan liên quan tiếp thu, nhằm hoàn thành Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và giá xây dựng trong tháng 6/2017, để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Không xa rời quy chuẩn, tiêu chuẩn

Bà Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam (VECAS) khẳng định, định mức kinh tế - kỹ thuật và giá xây dựng không thể xa rời quy chuẩn, tiêu chuẩn và công nghệ, mặc dù những nhân tố này thường xuyên thay đổi và việc áp dụng các định mức của nước ngoài cũng ngày càng trở nên phổ biến, ngay cả đối với công trình vốn nhà nước. Các đơn vị tư nhân (chủ đầu tư, tư vấn…) cũng thường tham khảo sử dụng định mức kinh tế - kỹ thuật do nhà nước ban hành, sau đó giảm trừ nhân chia cho phù hợp. Do đó, việc nhà nước định hướng chuyển đổi cơ chế quản lý công bố sang ban hành cứng đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, về lý thuyết là hợp lý bởi đã gọi là định mức kinh tế - kỹ thuật thì phải có cơ sở. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và quan trọng nhất là phương pháp xây dựng định mức, phải áp dụng cứng đối với công trình vốn nhà nước, để không làm khó khăn cho công tác quản lý.

Đối với định hướng giá theo vùng, bà Nguyễn Thị Duyên cho rằng là định hướng đúng đắn, tuy nhiên cần nghiên cứu đến những đặc thù ở vùng phát triển những dự án lớn, vùng chưa phát triển tương xứng… Với những địa phương có năng lực quản lý xây dựng cần phân cấp thực hiện.

Ông Dương Văn Cận - Tổng Thư ký Hiệp hội nhà thầu Việt Nam (VACC) đánh giá cao quá trình đổi mới tư duy trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng nói chung cũng như định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá xây dựng kể từ Nghị định 99/2007/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, Nghị định 112/2009/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, rồi sau này là Luật Xây dựng 2014 và Nghị định 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Quá trình này cho thấy, nhà nước đã chuyển dần sang công bố và hướng dẫn phương pháp, nguyên tắc xây dựng định mức, đơn giá, giá theo công trình, ban hành suất đầu tư, chỉ số giá… nhưng vẫn thiếu đơn giá tổng hợp. Do vậy, kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng cho nghiên cứu, ban hành đơn giá tổng hợp theo bộ phận kết cấu công trình.

Xác định suất vốn đầu tư công trình đặc biệt

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng nhà nước chỉ công bố một số định mức như xác định suất vốn đầu tư và đơn giá xây dựng tổng hợp bộ phận công trình theo khu vực, xác định suất vốn đầu tư công trình cho quy mô của các loại công trình, công trình đặc biệt. Suất vốn đầu tư này áp dụng cho các loại dự án vốn nhà nước, vốn PPP, BOT và khuyến khích cho các dự án có nguồn vốn đầu tư khác. Còn các định mức, đơn giá để thị trường xây dựng tự quyết định. Bởi để quản lý vốn đầu tư hiệu quả, các chủ đầu tư chỉ tập trung thực hiện đầy đủ quy chế đấu thầu mới đảm bảo công bằng, công khai và minh bạch, từ đó mới chọn được chủ thầu có năng lực và giá thành hợp lý nhất.

Ông Trần Ngọc Hùng cũng cho rằng, thất thoát, lãng phí chính là khâu đấu thầu và chỉ định thầu. việc các bộ, ngành xây dựng thử nghiệm 1km đường giao thông làm cơ sở để xây dựng đơn giá là không có cơ sở bởi mỗi công trình có đặc thù khác nhau về địa hình, địa chất, điều kiện thi công, biện pháp thi công,… dẫn đến việc quyết định đơn giá cũng khác nhau.

Theo dự thảo Đề án, định hướng hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng là chuyển đổi cơ chế quản lý từ công bố sang ban hành, được phép thay đổi khi không phù hợp (đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư); đổi mới phương pháp xây dựng và quản lý hệ thống định mức xây dựng và dịch vụ công ích đô thị theo định mức năng suất; đổi mới quản lý giá xây dựng theo vùng và phù hợp với thị trường, theo điều kiện xây dựng và gắn với kế hoạch triển khai dự án…

Theo ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng, định hướng này sẽ khắc phục tình trạng tùy tiện trong áp dụng định mức để lập đơn giá, tạo cơ sở thống nhất cho việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, ứng dụng mô hình thông tin công trình - BIM. Để triển khai có hiệu quả, phải tập trung đầu tư năng lực chuyên môn, kinh nghiệm cũng như tài chính để nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý hệ thống định mức và giá xây dựng, đảm bảo thống nhất, công khai, minh bạch, đồng bộ với tất cả các loại công trình, dự án của các bộ, ngành, địa phương và các chủ thể liên quan.

Thanh Nga

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/doi-moi-he-thong-dinh-muc-va-gia-xay-dung-trong-nen-kinh-te-thi-truong-nen-theo-huong-nao.html