Đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay

Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ra đời ngày 26/12/2018 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của ngành giáo dục, từ sau khi Thông tư 32 ra đời, cả ngành giáo dục tất bật với những bước chuyển tiếp từ Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006 theo hướng tiếp cận kiến thức sang Chương trình GDPT 2018 theo hướng tiếp cận phẩm chất năng lực người học. Có thể nói, Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm tiến bộ, cập nhật hơn so với chương trình hiện hành, thể hiện qua quan điểm xây dựng chương trình được công bố trong Chương trình GDPT tổng thể ban hành kèm theo Thông tư số 32 của Bộ GD&ĐT.

Từ năm học 2020-2021, Chương trình GDPT 2018 được triển khai với lớp 1, năm học 2021-2022 triển khai với lớp 2 và lớp 6 và năm học 2022-2023 triển khai đến lớp 3, 7, 10. Cách tiếp cận này giúp giáo viên (GV) bắt nhịp dần với chương trình mới, tiến tới áp dụng thành thục khi thay thế hoàn toàn chương trình cũ vào năm học 2024-2025. Về mặt quan điểm là đúng, tuy nhiên, trong thời gian qua, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 có nhiều vấn đề mà các nhà quản lý giáo dục phải hết sức quan tâm. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin nêu lên và bàn luận một số vấn đề về nhân tố con người trong đổi mới giáo dục để có một góc nhìn thực tiễn trong đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

Sự nguy hiểm của lối mòn kinh nghiệm

Khi áp dụng song song 2 Chương trình theo phương thức thay thế dần qua từng năm tạo điều kiện cho sự chuyển tiếp một cách từ từ và giúp GV chuyển đổi tốt khi thay thế hoàn toàn Chương trình GDPT 2018. Về mặt lý luận là rất tốt, tuy nhiên trên thực tiễn, phương thức này chứa đựng nhiều thách thức từ phía người dạy. Năm học 2021-2022, áp dụng cho khối 6 cấp THCS trong khi các khối còn lại áp dụng chương trình hiện hành, 2 chương trình, 2 cách tiếp cận khác nhau, Chương trình GDPT 2006 được thiết kế theo hướng tiếp cận nội dung, Chương trình GDPT 2018 được thiết kế theo hướng tiếp cận phẩm chất, năng lực người học, do đó cách thức tổ chức dạy học cũng có nhiều điểm khác biệt, đặc biệt trong định hướng đầu ra của quá trình dạy học rất khác nhau.

Khi GV tổ chức dạy học chương trình hiện hành, lối mòn kinh nghiệm trong phương pháp dạy học cũng như kiểm tra đánh giá ăn sâu trong tư tưởng thầy cô, việc thay thế dần theo hình thức cuốn chiếu với tỉ trọng giảm cũ, tăng mới dần qua từng năm sẽ tạo ra một thách thức lớn khi áp dụng hoàn toàn chương trình mới với hệ quả là “Bình mới, rượu cũ”, tôi lo lắng rằng sau khi thay đổi hoàn toàn Chương trình GDPT 2018, sự thay đổi trong phương pháp, kỹ thuật dạy học của người thầy nửa vời, không triệt để. Kinh nghiệm là vốn quý của con người, nhưng lối mòn kinh nghiệm là một trở ngại vô cùng lớn trong thực hiện đổi mới Chương trình GDPT khi mà trong thời điểm hiện nay, với sự lạc nhịp trong tập huấn module và các văn bản quản lý nhà nước của ngành đã làm cho cách tiếp cận của thầy cô đối với Chương trình GDPT 2018 vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm.

Sự chậm thay đổi cách tiếp cận trong dạy học và kiểm tra đánh giá

Thay đổi Chương trình GDPT không chỉ thay đổi chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá mà vấn đề căn cốt là thay đổi tư duy dạy học của người thầy, trước áp lực của xã hội, trước áp lực của cuộc sống, người thầy bị chi phối rất nhiều, nên thật khó để có sự thay đổi nhận thức về dạy học trong một thời gian ngắn, khi mà cách tiếp cận về dạy học của 2 chương trình có nhiều điểm khác nhau. Để thực hiện Chương trình GDPT 2018, GV phải nhận thức được quan điểm, mục tiêu của chương trình để biết cần phải thay đổi điều gì (dạy học và tổ chức cho hoạt động học nhằm mục đích hình thành phẩm chất, năng lực học sinh chứ không thuần túy là truyền đạt kiến thức).

Điểm khác biệt căn bản của Chương trình GDPT 2018 so với Chương trình GDPT hiện hành nằm ở định hướng sản phẩm của quá trình dạy học, như vậy có thể nói rằng, công tác kiểm tra đánh giá của 2 chương trình giáo dục phải khác nhau, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây không phải là quy trình, kỹ thuật tổ chức kiểm tra đánh giá mà là nhận thức của người thầy trong nội dung và cách thức kiểm tra, nó thể hiện ở nội dung câu hỏi và cách mô tả nội dung câu hỏi, đây là điểm yếu hiện nay trong GV nói riêng và trong ngành giáo dục nói chung. Một khi kiểm tra đánh giá theo lối mòn cũ thì cách dạy, cách tiếp cận sản phẩm đầu ra của quá trình dạy học vô hình chung lại quay về cái cũ, giáo dục sẽ ở trong một trạng thái chuyển tiếp kéo dài giữa 2 chương trình.

Tiềm ẩn nguy cơ từ việc đẩy mạnh phân cấp quản lý về cơ sở

Đẩy mạnh phân cấp quản lý về cơ sở là một chủ trương được ngành giáo dục thực hiện trong nhiều năm qua, tạo ra nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục mạnh dạn đột phá trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, nhưng tiềm ẩn bên trong cơ chế này là một nguy cơ rất lớn, đó là thực trạng cả nể trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị gây ra nhiều tiêu cực và hạn chế yếu kém.

Thực trạng này xuất phát từ tâm lý cả nể, xuề xòa lẫn nhau theo kiểu “tốt lá - tốt nem” trong các cơ sở giáo dục, rất khó để có thể thực hiện nghiêm túc việc đấu tranh với tiêu cực trong nội bộ vì một số nguyên nhân sau:

Tư duy nhiệm kỳ của lãnh đạo đơn vị. Nói một cách thẳng thắn là trong quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị, dù cán bộ quản lý có nghiêm túc, công tâm, công bằng trong công việc vẫn lo lắng khi lấy phiếu tín nhiệm trong đơn vị, yếu tố định tính, thiếu định lượng trong việc lấy phiếu tín nhiệm rất lớn. Xuất phát từ thực tế đó, công tác kiểm tra nội bộ, xử lý vi phạm của cán bộ, GV trong nhà trường còn nhiều bất cập, trừ những trường hợp vi phạm nghiêm trọng buộc phải xử lý thì mới thực hiện quy trình xử lý kỷ luật, còn các sai phạm nhỏ trong thực hiện nhiệm vụ, trong quy chế chuyên môn thì thường nhắc nhở, động viên, dần tạo thành tâm lý chủ quan, ỷ lại trong cán bộ, GV, nhân viên trong nhà trường.

Yếu tố cảm xúc trong đơn vị là một yếu tố thường thấy tạo nên lực cản trong công tác quản lý. Anh chị em cán bộ GV, nhân viên công tác cùng nhau nhiều năm, rất khó để đưa ra những nhận xét, đánh giá một cách chính xác những hạn chế của cá nhân, khó để phê bình một cách thẳng thắn, vì phải còn làm việc cùng nhau, còn “nhìn mặt nhau”. Yếu tố cảm xúc còn tác động rất nhiều trong mối quan hệ trong tập thể, khi cán bộ, GV, nhân viên có những hạn chế, yếu kém trong công tác bị phê bình, nhắc nhở là chính, tuy nhiên điều đó sẽ tạo ra tâm lý oán ghét của người bị phê bình, nhắc nhở đối với lãnh đạo đã phê bình nhắc nhở mình, từ đó có thể lôi kéo nhóm lợi ích, tìm cách chống đối, thiếu hợp tác, đôi khi tạo dư luận không tốt để công kích nhằm hạ uy tín của lãnh đạo.

Các công cụ đánh giá nội bộ không đủ mạnh. Trong tập thể nhà trường, việc đánh giá GV nói chung và đánh giá hiệu quả công tác đổi mới giáo dục được phân cấp quản lý chủ yếu cho tổ chuyên môn, điều này tạo ra tâm lý xuề xòa, cả nể và có khi thỏa hiệp lẫn nhau để vượt qua sự kiểm tra, giám sát của lãnh đạo nhà trường (cán bộ quản lý (CBQL) không được đào tạo đa ngành nên không thể chuyên sâu tất cả các bộ môn). Mặt khác, có khi tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn còn hạn chế về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, không mạnh dạn đánh giá GV trong tổ, nhóm chuyên môn của mình.

Trên cơ sở những bàn luận nêu trên, tôi đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đổi mới giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 trong thời gian tới.

Một cách khách quan, có thể nói tập huấn chuyên môn là một trong những giải pháp tích cực, khả thi và hiệu quả nhất giúp GV tiếp cận với Chương trình GDPT 2018, để nâng cao hiệu quả công tác tập huấn cần chú trọng nâng cao hiệu quả của 2 nhân tố sau:

Nhân tố thứ nhất và giữ vai trò then chốt là từng bước điều chỉnh nhận thức của GV về quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, để GV nhận thức đúng đắn về chương trình mới, lĩnh hội được khác biệt căn bản giữa chương trình hiện hành với chương trình mới, từ đó mới tạo được sức bật của GV trong đổi mới giáo dục. Để làm được điều này, các cấp quản lý cần thông qua tập huấn module để tăng cường công tác truyền thông về những điểm mới, những thay đổi cơ bản về Chương trình GDPT 2018, giúp thầy, cô giáo ngày càng nhận thức tốt hơn, tạo nền tảng lý luận vững chắc trong cộng đồng giáo dục, làm tiền đề cho sự thay đổi trong ngành.

Nhân tố thứ hai là nâng cao chất lượng chuyên môn của CBQL và GV qua hoạt động tập huấn module cho CBQL và GV. Trước tiên, đội ngũ báo cáo viên, đội ngũ CBQL cốt cán, GV cốt cán phải nỗ lực nâng cao năng lực bản thân, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hội đồng bộ môn của tỉnh để tư vấn, hỗ trợ GV trong tiếp thu chương trình mới, nhất là đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học, cách tiếp cận mới trong kiểm tra đánh giá theo quan điểm, mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình mới. Tập huấn trực tuyến là một giải pháp thích nghi trong tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng nó kéo theo nhiều vấn đề cần phải quan tâm như tình trạng đối phó cho xong module theo yêu cầu, chất lượng triển khai và lĩnh hội chưa cao, khó đạt mục tiêu của công tác tập huấn, do đó cần phối hợp hợp lý giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp trong tập huấn module cho CBQL và GV.

Một giải pháp không kém phần quan trọng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về giáo dục, vai trò của các cấp quản lý giáo dục phải được phát huy trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thống nhất trong toàn tỉnh, đồng thời tăng cường thanh kiểm tra, nhất là công tác thanh kiểm tra chuyên môn đối với nhà giáo, một khi giao tự chủ trong công tác kiểm tra chuyên môn cho cơ sở giáo dục thì tính mới, tính thúc đẩy chuyên môn không được phát huy, việc cả nể, xuề xòa nhau trong đơn vị là thực trạng mà hầu như nhà trường nào cũng có, điều này sẽ làm mất đi chức năng cơ bản của công tác thanh tra, kiểm tra.

Một yếu tố rất quan trọng nữa là trong thời gian tới là cần đẩy mạnh đổi mới kiểm tra đánh giá thông qua việc đổi mới nội dung kiểm ra, kỹ thuật biên soạn câu hỏi kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận phẩm chất năng lực người học, làm tiền đề, tạo niềm tin cho GV đổi mới, Sở GD&ĐT phải tiên phong, gương mẫu trong việc đổi mới cách ra đề, biên soạn câu hỏi trong các kỳ thi, hội thi do Sở GD&ĐT tổ chức. Các đơn vị trường từng bước thay đổi cách tiếp cận kiểm tra đánh giá định hướng đến một mục tiêu kiểm tra đánh giá nhẹ nhàng, cởi mở và và bám sát mục tiêu Chương trình GDPT 2018.

Qua những nội dung nêu trên, tôi nhận thấy rằng, hiệu quả công tác đổi mới Chương trình GDPT 2018 trong thời gian qua tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải xem xét và suy ngẫm. Bài viết là một cách nhìn cá nhân để tham khảo, rất mong được sự quan tâm góp ý của các nhà quản lý giáo dục, các thầy, cô giáo và cộng đồng xã hội.

Th.S Huỳnh Văn Mến

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/giao-duc/doi-moi-giao-duc-trong-boi-canh-hien-nay-108144.aspx