Đổi mới giáo dục phải theo xu thế thế giới

Chưa bao giờ nền giáo dục Việt Nam lại “có nhiều chuyện” như thời gian gần đây. Vấn đề chương trình - sách giáo khoa, bạo lực học đường, đạo đức giáo viên, đạo đức học trò có nhiều sa sút, giáo dục đại học yếu kém… liên tục “nóng” suốt thời gian qua. Gần đây nhất là các vụ gian lận thi cử ở một số địa phương gây rúng động xã hội, tác động khủng khiếp đến lòng tin của xã hội đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Ai cũng nhìn thấy sự cố gắng của Bộ GD-ĐT sau khi có Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, giáo dục nước ta có những tụt hậu, lạc hậu mà không phải chỉ dưới thời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới lộ diện. Trong đó, lỗi lớn nhất của chúng ta là cải cách không đồng bộ, không đúng hướng, chắp vá, không thành một kế hoạch dài hơi. Dĩ nhiên, như các nhà khoa học đã khẳng định, đổi mới giáo dục không thể làm trong 1 năm, 2 năm, mà đó phải là một quá trình lâu dài, đòi hỏi kiên trì, kiên định. Cũng không thể làm ở một bộ phận, mà phải ở nhiều bộ phận, thậm chí ở các cấp học, từ mẫu giáo đến đại học. Nhưng tựu trung, đổi mới giáo dục phải đưa ra được một giải pháp đổi mới mang tính hệ thống. Còn nếu đổi mới chỉ đưa ra những giải pháp đơn lẻ, nay thi kiểu này, mai thi kiểu kia, viết sách giáo khoa lúc kiểu này, lúc kiểu kia, không có một bức tranh tổng thể, toàn diện thì đổi mới căn bản toàn diện giáo dục không thể thực hiện được.

Việc “nóng” nhất mà xã hội hiện nay đang quan tâm sau khi sự cố gian lận thi cử xảy ra, đó là đổi mới thi cử sẽ theo hướng nào cũng đang có 2 luồng ý kiến. Luồng thứ nhất cho rằng, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn của học sinh. Luồng thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà xét và cấp bằng tốt nghiệp để giảm áp lực, tốn kém. Hai luồng ý kiến này vẫn đang tranh luận rất thẳng thắn và chưa có sự ngã ngũ. Ai cũng nhìn thấy sự tốn kém, áp lực khi phải thi THPT cấp quốc gia. Nhưng cũng không ai dám khẳng định nếu không thi thì chất lượng dạy và học sẽ vẫn đảm bảo. Đổi mới giáo dục vì thế rất khó khăn, không phải là chuyện một sớm một chiều.

Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội 2 dự thảo luật rất quan trọng của giáo dục Việt Nam, đó là Luật Giáo dục sửa đổi và Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Nếu 2 dự án luật này được thông qua với chất lượng cao, bao quát đầy đủ tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 thì giáo dục Việt Nam trong những năm tới chắc chắn sẽ ổn định, phát triển hơn, nhất là khi chúng ta triển khai thành công chương trình - sách giáo khoa phổ thông. Tuy nhiên, nội dung 2 luật sửa đổi phải bảo đảm tính toàn diện để giáo dục đi đúng hướng. Còn không, như Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lo lắng: “Giáo dục mà thay đổi thường xuyên thì không tốt. Cũng như sách giáo khoa mà năm nào cũng đổi là không tốt”. Nhân dân cần một nền giáo dục có tính ổn định, không phải cứ năm nào cũng thay đổi như hiện nay.

Sau kỳ thi THPT quốc gia 2018 với nhiều tiêu cực ở một số tỉnh, người dân rất quan tâm tới 2 luật trên. Việc Bộ GD-ĐT (cơ quan soạn thảo luật) tiếp thu các ý kiến cho rằng, cần lấy ý kiến nhân dân, tổ chức các cuộc hội thảo, lùi trình dự án luật sang kỳ họp Quốc hội lần thứ 7 để chuẩn bị kỹ hơn là điều xã hội hoan nghênh. Nhiều chuyên gia cùng cho rằng sửa luật lần này phải làm rõ hơn nữa những vấn đề mang tính nền tảng của giáo dục Việt Nam từ triết lý giáo dục đến những nguyên tắc cơ bản. Mục tiêu giáo dục trong dự thảo Luật Giáo dục cần khẳng định triết lý giáo dục Việt Nam là nhằm xây dựng con người Việt Nam toàn diện ở đức - trí - thể - mỹ, nhân văn, yêu thương con người; khai mở trí tuệ, khuyến khích, phát huy tài năng sáng tạo của học sinh, giáo viên; có tinh thần dân tộc, lòng yêu nước gắn với ý thức quốc tế, hướng tới công dân toàn cầu. Một số nguyên tắc giáo dục phải được bảo đảm như Nhà nước phải bảo đảm ai cũng có quyền được đi học, không phân biệt đầu vào; trường, lớp, giáo viên được bố trí đầy đủ, thuận lợi cho người dân; các trường công lập đáp ứng yêu cầu giáo dục đại trà, cơ bản, đào tạo tài năng, năng khiếu, lo cho đối tượng yếu thế, còn đào tạo chất lượng cao dành cho xã hội hóa; nguyên tắc về miễn học phí đối với bậc học mà Nhà nước bắt buộc phổ cập.

Đổi mới giáo dục là tất yếu, nhưng đổi mới phải tiếp cận đầy đủ, căn bản về xu thế GD-ĐT trên thế giới, theo kịp yêu cầu cũng như xu thế đào tạo mới trên thế giới. Muốn thế, Bộ GD-ĐT phải mạnh dạn đưa các ý tưởng mới, kiên định theo xu thế thế giới và tìm mọi cách thuyết phục các đại biểu Quốc hội, thuyết phục xã hội thay vì lựa chọn phương án an toàn. Có thể có nhiều ý kiến khác nhau nhưng với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu một cách cởi mở, chắc chắn sẽ có được sự đồng thuận của toàn xã hội để đổi mới thành công.

Ngày 9-8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, ngày 17-8 tới sẽ tổ chức hội thảo giáo dục 2018 với chủ đề “Giáo dục đại học, chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”. Hơn 200 đại biểu là các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, các nhà quản lý và hoạch định chính sách giáo dục, các trường đại học, nhà tuyển dụng sẽ cùng nhau tranh luận trực tiếp để chỉ ra một cách rõ ràng thực trạng của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, từ đó khuyến nghị những chính sách để phát triển giáo dục đại học trong những năm tới. Ngay bản thân cái tên của hội thảo cũng đã cho thấy yêu cầu chuẩn hóa và hội nhập quốc tế đối với giáo dục Việt Nam. Đổi mới là cả một quá trình, có thể có nhiều tranh luận, nhưng chắc chắn phải kiên trì theo xu thế của thế giới. Kể cả thi cử, nếu không đi theo xu thế của thế giới, mọi đổi mới của giáo dục chúng ta sẽ chỉ là “đẽo cày giữa đường”, chắp vá và liên tục thay đổi.

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/doi-moi-giao-duc-phai-theo-xu-the-the-gioi-537973.html