Đổi mới giáo dục cần nhìn vào bức tranh tổng thể

Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2018-2019 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 2-8 theo hình thức trực tuyến 63 điểm cầu với sự tham dự, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đón nhận nhiều ý kiến đóng góp đầy trăn trở và tâm huyết của những người làm công tác giáo dục. Chưa bao giờ, các vấn đề liên quan đến đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà theo tinh thần Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 29 lại được các đại biểu thẳng thắn mổ xẻ với nhiều góc nhìn đến vậy.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh- Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, phát biểu ý kiến tại điểm cầu Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh- Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, phát biểu ý kiến tại điểm cầu Đà Nẵng.

Hiểu đúng câu chuyện tinh giản biên chế

Trong nhiều vấn đề được các đại biểu đóng góp ý kiến, câu chuyện tinh giản biên chế theo tinh thần NQTƯ số 19 được xem là "nóng" nhất. Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, nhu cầu học tập của con em nhân dân ngày càng cao. 3 năm trở lại đây, tỉnh này luôn đối mặt với việc thiếu từ 700 đến 1.000 giáo viên (GV), đặc biệt là bậc học mầm non. Hiện địa phương vô cùng lúng túng giữa nghịch lý thiếu GV với việc tinh giản biên chế theo tinh thần chỉ đạo của NQTƯ số 19, không biết giải quyết như thế nào cho đúng vì sợ vi phạm. Sau khi đơn cử câu chuyện liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế ở Đắc Lắc, Cà Mau gây bức xúc dư luận thời gian qua, bà Minh Giang kiến nghị cần căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương mà nên giao quyền chủ động cho chính quyền địa phương quyết định trong vấn đề tuyển dụng biên chế đối với ngành GD-ĐT.

Ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ, chia sẻ khó khăn của địa phương trong vấn đề này: "Phú Thọ có 24.000 GV, nếu tinh giản theo quy định thì có đến 2.400 GV bị tinh giản. Trong khi đó, tỉnh đang thiếu GV mầm non gay gắt". Còn theo đại diện lãnh đạo TP Cần Thơ kiến nghị, Bộ GD-ĐT nên có văn bản chỉ đạo đồng bộ trong cả nước đối với vấn đề tinh giảm biên chế...

Trước những ý kiến nêu trên, Phó Thủ tướng Đức Đam cho rằng, hiểu cắt giảm 10% biên chế GV theo cách hiểu của nhiều địa phương là chưa chuẩn xác, thực hiện còn máy móc. "NQTƯ số 19 nêu rất rõ là chia từng thời kỳ, từ nay đến 2021 cắt trung bình 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Chủ yếu tập trung nhằm vào việc cắt giảm mạnh những biên chế gián tiếp, còn GV thì tinh thần chung là phải đủ để dạy. Việc sắp xếp lại mạng lưới các trường học, NQ cũng nêu rất rõ là trên cơ sở tùy thuộc vào tình hình của địa phương và trên nguyên tắc phải tạo điều kiện thuận lợi cho HS và gia đình". Cũng theo Phó Thủ tướng, phải đảm bảo phấn đấu để tiến tới việc HS được học 2 buổi trên ngày, sĩ số các lớp không được đông hơn mức cần thiết để đảm bảo chất lượng. GV dạy môn nào thì phải đủ GV dạy môn đấy, cấp nào thì dạy cấp nấy, không được máy móc. Cũng theo Phó Thủ tướng, chưa nói một số nơi tuyển hợp đồng không theo đúng quy định, kể cả đúng quy định mà thừa thì việc điều chuyển đâu phải ngày một, ngày hai là làm được ngay. Nhưng nơi nào đang thiếu vẫn phải ưu tiên tuyển.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT báo cáo kỹ về vấn đề này. Việc nào thuộc quyền của Chính phủ, Chính phủ sẽ giải quyết, thậm chí có những việc nếu cần thiết, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cũng theo Phó Thủ tướng, từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT không nắm sát được tình hình biên chế GV ở địa phương. Mặc dù từ nhiệm kỳ trước đã nói đến vấn đề này, nhưng Bộ GD-ĐT vẫn làm chậm.

Kỳ thi THPT Quốc gia tổ chức 2 năm qua tạo được sự đồng thuận lớn trong xã hội (ảnh: Học sinh trao đổi bài sau buổi thi tại kỳ thi THPT năm 2018).

Tiếp tục duy trì hình thức thi THPT Quốc gia

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia tổ chức 3 năm qua đã tạo được sự đồng thuận lớn trong dư luận xã hội, giảm được chi phí, giảm tải áp lực, khó khăn cho người học, gia đình và xã hội. Vụ tiêu cực trong gian lận thi ở Hà Giang, Sơn La là cố ý vi phạm, ai cũng đau lòng và bất bình. Tuy nhiên, không thể vì sự vi phạm của ngành GD-ĐT 2 tỉnh này mà phủ nhận công sức, sự nghiêm túc trong công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi của các tỉnh, thành khác được. Theo đó, hầu hết các ý kiến đều đề nghị nên duy trì hình thức thi THPT Quốc gia nhưng cần kịp thời khắc phục những lỗ hổng, bất cập đã phát hiện, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các khâu. Bộ nên sớm rút kinh nghiệm, có phương án đấu tranh phòng ngừa, nhưng cũng đồng thời đừng vì sự cố ở Hà Giang, Sơn La mà năm học sau có thêm những thay đổi quá lớn, tiếp tục làm cho xã hội băn khoăn.

Không có giải pháp nào là hoàn hảo

Xung quanh ý kiến về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam theo tinh thần NQ 29 của Trung ương, các đại biểu cho rằng còn nhiều khó khăn. Theo đại biểu tỉnh Kiên Giang, mục tiêu là chung, nhưng điều kiện, hoàn cảnh, nguồn lực của mỗi địa phương, địa bàn là khác biệt. Vì thế, nên nghiên cứu, đánh giá sâu sát, không nên thực hiện một cách cào bằng, hình thức, sẽ không đạt hiệu quả. Cần đi sâu sát vào thực tiễn ở từng địa phương, lắng nghe ý kiến phản ánh đầy đủ từ cơ sở để có cái nhìn tổng thể về bức tranh giáo dục Việt Nam nhằm có một quyết sách thật sự đúng, kịp thời, hiệu quả. Hiệu quả trước hết là cho người học, cho sự phát triển KT-XH của từng địa phương.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đổi mới căn bản toàn diện GD Việt Nam cần phải nhìn vào bức tranh chung, không được hài lòng với những kết quả đã đạt được nhưng cũng cần nhìn những mặt được để tiếp tục phát huy, nhìn nhận những mặt chưa được để khắc phục, thực hiện tốt hơn. Trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh điểm cần thực hiện xuyên suốt là: Đổi mới GD cần phải có một quá trình. Bởi, GD không giống như xây dựng một ngôi nhà, làm đường hay xây dựng một nhà máy. "Vì đổi mới là một quá trình có lộ trình, nên trong quá trình ấy không bao giờ có giải pháp nào là hoàn hảo hết", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, việc đổi mới phải trên tinh thần cầu thị và khoa học, cái gì đã xác định đúng rồi thì phải kiên trì, kiên định theo đến cùng và phải theo xu thế phát triển của thế giới. GD quan trọng nhất là cởi mở, minh bạch thì mới tạo được đồng thuận của xã hội. "Hãy nhìn thẳng vào những điều chưa làm được để cố gắng hơn. Bên cạnh đó cần đánh giá đúng kết quả đã đạt được, vì đây không chỉ là công sức của GV, HS mà còn của hàng triệu gia đình. Phải giữ được "lửa" đổi mới, mang "lửa" đổi mới này lan tỏa xuống đến từng trường học, GV và ra cả cộng đồng, để nền GD nước nhà đổi mới thực sự. Có như vậy đất nước chúng ta mới phát triển được", Phó Thủ tướng nói.

Trước những tiêu cực xảy ra trong ngành GD-ĐT thời gian qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến tính gương mẫu của GV. Ông cho rằng, trong hơn 1 triệu GV thì đa phần là gương mẫu, nhưng số không gương mẫu cũng không phải là ít. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị năm học mới này, Bộ GD-ĐT phải phát động làm sao để các thầy cô cùng thi đua, cùng gương mẫu. "Ai vi phạm thì nhất định phải ra khỏi ngành. Dù biết rằng khi sa thải một người ra khỏi ngành sẽ mất việc làm, tác động không chỉ không tốt đến người đó mà còn cả gia đình họ. Nhưng không thể vì thế mà làm ảnh hưởng cả một thế hệ", Phó Thủ tướng trăn trở.

P.THỦY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_193231_doi-moi-giao-duc-can-nhin-vao-buc-tranh-tong-the.aspx