Đổi mới dịch vụ bảo hiểm xã hội

Theo Hiệp hội An sinh xã hội thế giới (ISSA), cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 đã làm gián đoạn dịch vụ khách hàng tại nhiều tổ chức an sinh xã hội (ASXH) trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, các tổ chức đã phải nhanh chóng điều chỉnh cách thức cung cấp để bảo đảm tính liên tục của các dịch vụ; đồng thời giảm thiểu hoạt động giao dịch trực tiếp giữa các cá nhân. Một trong những giải pháp được nhiều tổ chức lựa chọn trong thời gian này là tăng cường sử dụng các kênh kỹ thuật số, bao gồm dịch vụ điện tử, dịch vụ di động và dịch vụ chia sẻ dữ liệu.

Thực tế, theo ISSA, các kênh kỹ thuật số như cung cấp dịch vụ qua cổng thông tin điện tử, hỗ trợ khách hàng thông qua ứng dụng trả lời tự động (chatbot) đã tăng lên đáng kể và đang đóng một vai trò quan trọng, giúp các tổ chức ASXH duy trì hoạt động phục vụ khách hàng, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội để phòng ngừa lây lan Covid-19. Nhiều tổ chức cũng tăng cường các kênh dịch vụ dựa trên điện thoại để tiếp cận khách hàng.

Với những kết quả đã đạt được, ISSA cho rằng, cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện tại chính là cơ hội để các tổ chức ASXH đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hoạt động cung cấp dịch vụ sang các kênh kỹ thuật số, dựa trên các dịch vụ khách hàng hợp lý và các quy trình linh hoạt, được tự động hóa ở mức cao hơn. Đó cũng chính là sự chuẩn bị thiết thực nhất cho các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai; đồng thời là việc đổi mới cần thiết để các tổ chức ASXH nâng cao năng lực, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Thời gian xảy ra dịch Covid-19 cũng chính là cơ hội thử thách các hoạt động cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý và nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Trước tình hình dịch bệnh, theo yêu cầu thực hiện cách ly xã hội, bên cạnh các giải pháp phù hợp như cho phép cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với các trường hợp mắc bệnh mạn tính, điều trị dài ngày; chỉ đạo chi trả gộp lương hưu tháng 4 và tháng 5..., cơ quan BHXH Việt Nam đã tiết giảm các giao dịch trực tiếp; đồng thời khuyến khích và đẩy mạnh phương thức giao dịch trực tuyến, tiếp nhận và trả kết quả qua đường bưu chính; tiếp tục phát huy ưu thế của một trong những cơ quan tham gia cung cấp dịch vụ sớm nhất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Qua đó, các hoạt động nghiệp vụ của ngành luôn được bảo đảm thông suốt; quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp được giải quyết đúng quy định, bảo đảm yêu cầu về chất lượng dịch vụ cũng như những đòi hỏi đặt ra trong công tác phòng, chống dịch, góp phần bảo đảm ASXH.

Năm 2020, người dân sẽ tiếp tục được tạo nhiều thuận lợi hơn trong thực hiện các thủ tục hành chính về BHXH, khi BHXH Việt Nam đưa tiếp 10 dịch vụ công và thủ tục hành chính tích hợp tại Cổng Dịch vụ công quốc gia. BHXH Việt Nam cũng đang nỗ lực hoàn thiện kiến trúc Chính phủ điện tử của ngành BHXH; đẩy mạnh công tác trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan… nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Ngành BHXH không chỉ thích ứng với tình hình mới mà đây còn là bước đi quan trọng để phát triển hệ thống bảo đảm chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao tính hấp dẫn, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia BHXH theo đúng định hướng của Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH.

DUY ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/44772602-doi-moi-dich-vu-bao-hiem-xa-hoi.html