Đổi mới để thúc đẩy điện ảnh phát triển và hội nhập

Cùng với nhiệm vụ hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp. Vừa qua, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị - hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) với mục tiêu khuyến khích sự chuyên nghiệp, đổi mới, góp phần thúc đẩy nền điện ảnh phát triển hơn.

Cảnh trong phim “Tiệc trăng máu” đạt doanh thu phát hành 175 tỷ đồng.

Cảnh trong phim “Tiệc trăng máu” đạt doanh thu phát hành 175 tỷ đồng.

Cùng với nhiệm vụ hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp. Vừa qua, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị - hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) với mục tiêu khuyến khích sự chuyên nghiệp, đổi mới, góp phần thúc đẩy nền điện ảnh phát triển hơn.

"Nóng" vấn đề phổ biến phim trên mạng

Ngày 10-6-2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 106/2020/QH14 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và ngày 11-7-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 999/QÐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật, dự thảo nghị quyết được điều chỉnh trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ dự án Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) vào tháng 4-2021 và trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV vào tháng 10-2021.

Sau 14 năm thi hành Luật, điện ảnh nước nhà đã đạt được những kết quả khả quan, như: Thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực điện ảnh; đầu tư có trọng tâm vì mục tiêu phát triển điện ảnh; có chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, lực lượng vũ trang và phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại... Bên cạnh đó, công tác tổ chức, quảng bá điện ảnh tại các kỳ liên hoan phim trong nước và nước ngoài đã góp phần đưa điện ảnh Việt Nam vươn xa, hội nhập. Tuy nhiên, bối cảnh thay đổi, sự phát triển kinh tế - xã hội với nhiều thành tựu to lớn, tác động mạnh mẽ tới đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, và nhất là trước nhiệm vụ hội nhập quốc tế, áp dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật Ðiện ảnh cần được điều chỉnh để không bị tụt hậu.

Dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) gồm tám chương, 44 điều, có nhiều nội dung mới so với Luật Ðiện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện ảnh năm 2009. Tại hội nghị - hội thảo diễn ra ở hai miền bắc-nam, các đại biểu đã cùng trao đổi một cách thẳng thắn, sôi nổi, tích cực làm rõ những nội dung liên quan tính khả thi của các quy định tại dự thảo, đồng thời đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, vấn đề khai thác, phổ biến phim trên không gian mạng và các phương tiện nghe nhìn, thiết bị di động… là những nội dung mới, chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Ðiện ảnh năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Về nội dung này, Ban soạn thảo đề ra hai phương án: Tiền kiểm phim phổ biến trên mạng tại Việt Nam phải được cấp giấy phép phổ biến và phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc được biên tập bởi cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình; hậu kiểm việc phổ biến phim trên không gian mạng phải bảo đảm phim phát hành, phổ biến có bản quyền hợp pháp và nội dung phim không vi phạm điều cấm của Luật Ðiện ảnh, phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại độ tuổi phổ biến phim; quy định doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Ðài Truyền hình Việt Nam Lê Mạnh nhấn mạnh thêm về việc cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát hành, phổ biến phim trên mạng...

Ðạo diễn Phan Ðăng Di bày tỏ, trong Ðiều 11 của dự thảo quy định về hợp tác sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài, nếu giữ nguyên những quy định về trình tự cấp phép các dự án hợp tác thì rất có thể chúng ta đang "đóng cửa" thay vì "trải thảm" cho hoạt động hợp tác đầu tư vào điện ảnh. Theo đạo diễn này, khoảng 15 năm qua, vì nhiều thủ tục "nhiêu khê" cho nên không ít phim nước ngoài dự định quay ở Việt Nam đã phải chuyển hướng sang các nước lân cận như Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin... Nhà sản xuất Mai Thu Huyền đề nghị hỗ trợ phim Việt Nam về suất chiếu. Cụ thể, nếu ra rạp cùng lúc với các phim bom tấn của thế giới phim Việt Nam sẽ gặp khó khăn vô cùng. Trên thực tế, có những phim trong nước chưa ra rạp đã cầm chắc lỗ nặng vì bị hạn chế suất chiếu, thời điểm rơi vào sáng sớm hoặc đêm muộn.

Ðưa công nghiệp điện ảnh thành mũi nhọn

Theo các chuyên gia điện ảnh, ngoài vấn đề được coi là "nóng" nhất như phổ biến phim trên mạng, các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất, đồng bộ với nhiều quy định khác, giấy phép còn chồng chéo, quy trình còn nhiều bước, gây mất thời gian cho doanh nghiệp, các nhà sản xuất… Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan chia sẻ, dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) cần đáp ứng yêu cầu điều chỉnh hoạt động điện ảnh trong thời đại công nghệ số, hướng tới phát triển công nghiệp điện ảnh thành ngành mũi nhọn trong xây dựng công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Cụ thể, dự thảo Luật cần bổ sung nội dung phim hợp tác sản xuất với nước ngoài, thị trường điện ảnh, làm rõ hơn việc phân cấp thẩm quyền cấp phép phim, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sao cho khả thi hơn...

Ở nội dung thẩm định, phân loại phim truyện, PGS, TS Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện cho rằng, phim trong nước sản xuất, chiếu rạp, nên có vai trò của giám đốc cơ sở sản xuất phim và hội đồng nghệ thuật cơ sở đó thẩm định và phân loại. Cơ sở để nơi sản xuất phim thẩm định chính là những điều ghi trong Luật Ðiện ảnh sửa đổi, những điều cấm và nguyên tắc phân loại. Nếu đưa vào luật thì quy trình này sẽ đi vào thực tiễn cuộc sống, dễ kiểm soát hơn. Riêng phim nhập khẩu, quá trình thẩm định, phân loại phải do hội đồng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm nhận. Các vấn đề chính trị, văn hóa, sắc tộc, tôn giáo… cần được nhìn nhận, đánh giá một cách cẩn trọng.

Một trong những nội dung được quan tâm nhất tại hội nghị - hội thảo diễn ra ở khu vực phía nam lại là vấn đề phân loại phim. Tại Ðiều 27 về phân loại phim, dự thảo đưa ra một số mức phân loại độ tuổi mới so với trước đây: mức PG (cho phép trẻ em dưới 13 tuổi được xem phim C13 với điều kiện đi cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ); mức C21 (không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 21); mức C (không phổ biến đến mọi đối tượng khán giả). Mức C21 gây chú ý khi đây là mức phân loại cao chưa từng có ở thị trường điện ảnh Việt Nam. Cục trưởng Ðiện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, đây là những bộ phim có cảnh bạo lực, hình ảnh nhạy cảm hơn so với C18. Chi tiết này gây nhiều tranh cãi với chung một thắc mắc: Quy định người lớn là hơn 18 tuổi, vậy hơn 21 tuổi có gì khác biệt? Trước những lo ngại về việc bị cho là "cấm nhiều quá", Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, điều cấm là một trong những mấu chốt quan trọng nhất của tất cả các luật. Việc cấm thì không thể quy định trong nghị định, thông tư được, chỉ có thể quy định trong luật. Dự thảo Luật Ðiện ảnh sẽ cân nhắc kỹ để làm sao dung hòa được giữa luật và thực tế.

Hội nghị - hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) thu hút được nhiều ý kiến khách quan, bổ ích. Tuy nhiên, vẫn còn thưa vắng tiếng nói từ chính các chủ thể là nhà sản xuất, đạo diễn phim. Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là cơ hội để giới làm phim bày tỏ nguyện vọng, sáng kiến, quan điểm trong quá trình làm nghề nhưng rõ ràng tiếng nói đó vẫn còn thiếu và yếu. Một số người trong nghề có mặt tại sự kiện cũng thừa nhận, trên các diễn đàn, mạng xã hội, giới làm phim thường bình luận, phản hồi khá sôi nổi, thậm chí gay gắt. Song, khi mở ra một diễn đàn lớn thì lại có xu hướng tránh né. Ðây cũng là hiện tượng cần được nhìn nhận, can thiệp sớm để môi trường điện ảnh thêm gắn kết, cởi mở và khách quan.

MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/doi-moi-de-thuc-day-dien-anh-phat-trien-va-hoi-nhap-629115/