Đổi mới để phát triển

Trong kinh doanh, nhiều doanh nghiệp xác định, phải đổi mới thì mới phát triển bền vững. Thực hiện theo tiêu chí này, sản phẩm của nhiều thương hiệu Việt đã xây dựng được chỗ đứng vững chắc, chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đại diện Công ty cổ phần Gentraco giới thiệu sản phẩm gạo chất lượng cao với lãnh đạo thành phố tại phiên chợ giới thiệu thực phẩm an toàn.

Đầu tư robot vào dây chuyền sản xuất gốm sứ tự động đã đưa sản phẩm gốm sứ của Công ty Gốm sứ Minh Long I luôn đứng vị thế cao trên thị trường. Ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I, chia sẻ: Hơn 15 năm đưa công nghệ tự động hóa vào sản xuất gốm sứ là một quá trình khó khăn. Đầu tư robot vào dây chuyền sản xuất với chi phí đắt đỏ, đối với nhân viên vận hành cũng cần phải có trình độ tương ứng. Do vậy, Minh Long I đưa nhân viên ra nước ngoài đào tạo; đồng thời mời các chuyên gia ở nước ngoài về Việt Nam hướng dẫn thêm. Đối với sản phẩm gốm sứ cao cấp, khách hàng luôn chú trọng sự đồng nhất và chính xác của sản phẩm. Chỉ một sai số nhỏ trong kích thước sản phẩm, dù chưa đến 1mm cũng khó chấp nhận. Nhờ thực hiện tự động hóa, chất lượng các sản phẩm của Minh Long I luôn có sự đồng nhất cao, mẫu mã sang trọng, được đông đảo người tiêu dung ưa chuộng.

Công ty Cỏ May (Đồng Tháp) luôn quan tâm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Với quan niệm đổi mới công nghệ không phải lúc nào cũng tốn nhiều chi phí, ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty Cỏ May dẫn chứng về công nghệ làm nấm sạch của Cỏ May. Đó là sự kết hợp của tri thức cộng với đội ngũ nhà khoa học để cùng nhau nghiên cứu và phát triển sản phẩm trên nền nguyên liệu rơm rạ. Nguồn rơm rạ được Cỏ May chọn thu mua trên những cánh đồng lúa sản xuất theo VietGAP và meo nấm do chính công ty sản xuất, đảm bảo không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng trong quá trình trồng, không sử dụng hóa chất bảo quản và phân phối sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Công ty cổ phần Gentraco (TP Cần Thơ) đã xây dựng phương án đổi mới để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, đưa sản phẩm vào các thị trường khó tính. Công ty đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu thực hiện theo tiêu chuẩn BRC (Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm của Hiệp hội Bán lẻ Anh quốc) - tiêu chuẩn cao nhất của ngành gạo ở thời điểm hiện tại. Bộ tiêu chuẩn mới sẽ cộng thêm điểm cho sản phẩm an toàn như đáp ứng các yếu tố bảo vệ môi trường, nguồn nước, an toàn sức khỏe cho nông dân, giảm khí thải… để việc sản xuất kinh doanh thực sự bền vững, đúng tiêu chuẩn an toàn môi trường của ngành gạo quốc tế. Khi đầu tư thực hiện chuẩn toàn cầu (Global GAP và Organic) mang thương hiệu Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, công ty đã liên kết với nông dân mở rộng cánh đồng lớn, đồng thời hiện đại hóa kho, hệ thống sấy lúa, xay xát, lau bóng đồng bộ, dây chuyền đóng gói tự động… Theo định hướng phát triển, toàn bộ sản phẩm gạo của công ty tham gia thị trường là gạo hữu cơ, đạt tiêu chuẩn toàn cầu.

Trong cạnh tranh, thành công đôi khi không đến bằng việc làm tốt hơn mà phải tạo ra sự khác biệt, cách làm khác biệt. Thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực. Thông qua các hoạt động phát triển bền vững, doanh nghiệp còn cải thiện được năng suất và giảm chi phí từ việc bố trí tận dụng các nguồn lực và bảo tồn tài nguyên, giúp nâng cao năng suất của nhân viên và giảm thiểu chi phí; tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bài, ảnh: Nam HƯƠNG

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/doi-moi-de-phat-trien-a103785.html