Đổi mới dạy và học các môn khoa học xã hội

'Không phải tất cả học sinh trong một lớp đều hiểu và cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa, các giá trị của một bài giảng Văn học, trong khi giáo viên cứ ra sức giảng. Vậy sao không để học trò bày tỏ những hiểu biết, nhận thức của mình về tác phẩm qua nhiều cách tiếp cận khác nhau?'. Đó chính là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Trường THPT Sông Công khi nói về đổi mới cách tiếp cận tác phẩm Văn học và đổi mới dạy các môn Khoa học xã hội.

Truyện cười dân gian được học sinh Trường THPT Sông Công thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa.

Truyện cười dân gian được học sinh Trường THPT Sông Công thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa.

Đổi mới phương pháp dạy và học trong các trường phổ thông đang là yêu cầu cấp bách khi thực hiện lộ trình dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới và đổi mới công tác thi cử. Đây cũng là một trong những nội dung cụ thể hóa tinh thần Nghị Quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chính vì vậy, đội ngũ giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy học. Cụ thể như cần tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng tăng cường sự trải nghiệm, nhằm phát huy tính sáng tạo của học sinh. Như vậy, trải nghiệm sáng tạo môn khoa học xã hội (KHXH) là học sinh phải qua thực tế, tham gia vào hoặc tiếp xúc đến sự vật hoặc sự kiện nào đó và tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần, tìm ra cái mới, cách giải quyết mới. Do đó, giáo viên bắt buộc phải chuyển đổi từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì sang quan tâm học sinh vận dụng được cái gì qua việc học?

Là giáo viên dạy Văn hơn 20 năm và từng 3 năm liên tục đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cô Nguyễn Thị Thu Hà (Trường THPT Sông Công) đã giải quyết tình huống trải nghiệm thực tế bằng cách cho học sinh xem phim theo tác phẩm văn học trong phân phối chương trình. Sau khi xem phim mới cho học sinh học, hoặc ngược lại đọc tác phẩm trước rồi tổ chức cho học sinh xem phim. Khi đã nắm chắc nội dung tác phẩm, tiến hành chia nhóm tổ chức trải nghiệm bằng hình thức sân khấu hóa, làm phim theo trích đoạn sử dụng điện thoại thông minh, tự đạo diễn, thiết kế trang phục...

Cô Hà lấy vị dụ: Trong trích đoạn “Tức nước vỡ bờ” của Ngô Tất Tố, hoặc truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, sau khi định hướng cho học sinh tham khảo trước. Khi lên lớp tôi dành chủ yếu thời gian cho các em xem lại phim ảnh để có những cảm nhận mang tính trực quan, sau đó mới giảng bài. Thành công chính là trong bối cảnh cụ thể, học sinh đều rơi nước mắt cảm động, hay có những cảm xúc phẫn nộ về nỗi oan ức của người dân do chế độ phong kiến gây ra bấy giờ. Các em thấy được giá trị đạo đức, giá trị nghệ thuật văn học là tiếng kêu đau khổ thoát ra từ kiếp người lầm than...”.

Còn thầy giáo Nguyễn Quang Sơn, giáo viên dạy môn Văn (Trường THPT Chuyên Thái Nguyên) cho rằng: “Trong bối cảnh thông tin phát triển mạnh, đa chiều và nguồn học liệu như không giới hạn, thì học sinh có quyền lựa chọn cho mình cách học tốt nhất. Điều quan trọng là người học cảm nhận được tác phẩm văn học, nắm rõ bối cảnh lịch sử, giá trị tư tưởng, đạo đức con người và xã hội. Từ đó hình thành ý thức, phẩm chất, kỹ năng sống và năng lực cho học sinh”.

Đối với môn Lịch sử, việc học tập trải nghiệm thực tế còn gặp khó khăn hơn (không có bối cảnh, ít phim ảnh, không nhân chứng, ít di tích, điều kiện tổ chức tham quan hạn chế, tốn kém...), nhưng cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà (Trường THPT Hoàng Quốc Việt - Võ Nhai) lại chọn những phim lịch sử, kể cả copy trên các kênh truyền hình đưa vào bài giảng để thêm sức cuốn hút. Cô Hà bày tỏ: “Dạy Sử không phải là giáo viên cứ kể về lịch sử theo các mốc thời gian cho học sinh, mà cần phải chứng minh từ những mốc thời gian và ý nghĩa lịch sử. Chúng tôi khuyến khích học sinh viết đề dẫn thuyết minh, làm các clip ngắn theo chuyên đề, tóm tắt phim... Chính vì vậy đã thu hút được đông đảo học sinh tham gia”.

Có thế thấy hoạt động trải nghiệm sáng tạo, dạy học các môn KHXH cần sự chuyên sâu của giáo viên và sự hỗ trợ tích cực bằng nền tảng công nghệ thông tin. Mục đích chính để học sinh được phát huy vai trò chủ thể, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân.

Trần Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/giao-duc/doi-moi-day-va-hoc-cac-mon-khoa-hoc-xa-hoi-276768-100.html