Đổi mới dạy học chuẩn bị Chương trình GD phổ thông mới

Thời gian qua, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tăng cường đổi mới công tác kiểm tra các hoạt động GD trong nhà trường, phát huy những mặt tích cực trong quản lý và dạy học; kịp thời uốn nắn, điều chỉnh những mặt hạn chế… Sự chủ động, tích cực trong đổi mới dạy học của các trường học hướng tới chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình, SGK mới của ngành GD-ĐT tỉnh Kon Tum.

Rà soát, sắp xếp lại nội dung, chương trình dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học

Rà soát, sắp xếp lại nội dung, chương trình dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học

Rà soát, sắp xếp lại nội dung, chương trình dạy học

Theo thầy Đoàn Thành Nhân – Trưởng phòng GD Trung học (Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum), trong thời gian chuẩn bị triển khai Chương trình, SGK GD phổ thông mới trên phạm vi toàn quốc, các cơ sở GD trên địa bàn Kon Tum cũng thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học, chương trình hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Qua đó, giúp cho học sinh và giáo viên sau này chuyển sang thực hiện chương trình, SGK mới được thuận lợi hơn. Bước vào năm học mới 2018 - 2019, các trường phổ thông trên địa bàn Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường đổi mới dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, SGK mới bắt đầu từ năm học 2019 - 2020.

Thầy Đoàn Thành Nhân cho hay: Thực hiện công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, các đơn vị cơ sở GD tiến hành xây dựng lại nội dung, chương trình môn học hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Việc cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học các môn học trong chương trình, SGK hiện hành cần được tổ chức một cách chặt chẽ.

Trong đó, tập trung rà soát nội dung chương trình, SGK hiện hành, nhằm mục đích loại bỏ những kiến thức cũ, lạc hậu, không phù hợp; đồng thời bổ sung, cập nhật những kiến thức mới phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi học sinh và đặc điểm địa phương, vùng miền.

Tiếp đến, cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học các môn học trong chương trình hiện hành. Ở bước này, linh hoạt tổ chức nội dung dạy học của từng môn học thành những bài học mới, chuyển một số nội dung dạy học thành nội dung các hoạt động GD và bổ sung các nội dung hoạt động khác vào chương trình.

Theo đó, tổ chức thiết kế các chủ đề liên môn, bao gồm các nội dung dạy học gần giống nhau, có liên quan chặt chẽ với nhau (có thể đang trùng nhau) trong các môn học của chương trình hiện hành, có thể là chủ đề liên môn thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên hoặc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn.

Đổi mới sinh hoạt chuyên môn nhằm phát huy năng lực sáng tạo của mỗi giáo viên

Đổi mới phương pháp dạy học, sinh hoạt chuyên môn

Một trong những hoạt động mang tính chuyên môn khác mà Sở GD&ĐT quyết liệt chỉ đạo các cơ sở GD thực hiện là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Linh hoạt, sáng tạo vận dụng các phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học như: Thảo luận nhóm, giải quyết vấn đề, dạy học theo dự án, dạy học kiến tạo, bàn tay nặn bột... cùng các kỹ thuật dạy học tích cực như: Động não, khăn trải bàn, bản đồ tư duy...

Nói về kinh nghiệm thực hiện của ngành GD-ĐT Kon Tum, thầy Nhân bày tỏ: Đối với hình thức tổ chức dạy học, bên cạnh hình thức dạy học trên lớp, cần quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học...

Trong quá trình dạy học, việc vận dụng các phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học tích cực theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cần được thực hiện bằng một quy trình, bao gồm: Nghiên cứu nội dung bài học; Tìm hiểu sự khác biệt về năng lực và phong cách học của học sinh; Khảo sát điều kiện dạy học của nhà trường; Cân nhắc điểm mạnh, điểm yếu của giáo viên trong vận dụng các phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học; Triển khai các phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học.

Thầy Nhân nhấn mạnh: Các tổ chuyên môn và giáo viên có quyền chủ động trong việc kiểm tra đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì, chú trọng đánh giá thường xuyên qua các hoạt động trên lớp, qua kết quả thực hiện dự án, nghiên cứu khoa học - kĩ thuật, thực hành… kết hợp sự đánh giá của giáo viên đối với học sinh, học sinh đối với học sinh… Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc việc ra đề kiểm tra theo ma trận bao gồm câu hỏi trắc nghiệm và tự luận theo 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao… Các tổ chuyên môn và mỗi giáo viên phải xác định được năng lực đầu ra cần đạt của mỗi tiết học hay chủ đề, khối lớp sau khi giảng dạy nhằm tiến hành kiểm tra đánh giá đúng thực chất.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/doi-moi-day-hoc-chuan-bi-chuong-trinh-gd-pho-thong-moi-3955257-b.html