Đổi mới đa chiều

Kỳ họp thứ 6, đã tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ việc thực hiện 6 NQ của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, trong đó có 3 NQ về giám sát chuyên đề và 3 NQ về chất vấn.

Trong 3 ngày, từ 31/10 đến 2/11 vừa qua, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ việc thực hiện 6 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, trong đó có 3 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 3 nghị quyết về chất vấn.

Kết luận các phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa đại biểu với người trả lời chất vấn, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau để làm rõ thêm vấn đề. Các đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục. Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, của các ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu. Quốc hội đánh giá cao việc các nghị quyết của Quốc hội đã được thực hiện nghiêm túc, chủ động triển khai với nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt... Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội giao đã thực hiện đạt hoặc vượt yêu cầu, được cử tri và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Các phiên chất vấn tại kỳ họp này nói lên nhiều điều, nhiều cử tri nhận xét. Theo cử tri, thứ nhất, các phiên chất vấn đổi mới rất nhiều cả về hình thức và nội dung. Nói vậy vì, thay vì chất vấn theo nhóm vấn đề với số tư lệnh ngành đăng đàn giới hạn, kỳ họp này nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực nào thì trách nhiệm trả lời do tư lệnh ngành đó trả lời. Do đó, nội dung chất vấn rất rộng, không loại trừ ngành nào, lĩnh vực nào.

Thứ hai, các phiên chất vấn sôi nổi. Nói vậy vì, trong 3 ngày chất vấn đã có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 82 lượt đại biểu tranh luận, 19 bộ trưởng, 2 Phó thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có bài báo cáo phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi chất vấn.

Thứ ba, các câu hỏi của đại biểu ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn, có trách nhiệm và nêu được những giải pháp tháo gỡ tồn tại.

Thứ tư, cử tri cả nước đánh giá cao sự điều hành linh hoạt, hài hòa, khoa học, khách quan nhưng không thiếu kiên quyết và có yêu cầu xác đáng của Chủ tịch Quốc hội đối với cả đại biểu và các thành viên Chính phủ.

Thứ năm, cử tri cả nước, nhất là cử tri ở khu vực nông thôn, công tác trong ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm theo dõi và đánh giá cao những câu hỏi và phần trả lời của Tư lệnh ngành nông nghiệp. Nói vậy vì, khác các phiên chất vấn trước và các nhiệm kỳ trước, các câu hỏi chất vấn của đại biểu không nhiều và những câu chuyện sự vụ đơn lẻ không còn mà mang tầm bao quát lớn hơn về sự phát triển, tận dụng lợi thế, tổ chức sản xuất quy mô lớn, xây dựng chuỗi liên kết, xây dựng nông thôn mới,…

Điều đó cho thấy, qua nửa nhiệm kỳ điều hành, Tư lệnh ngành nông nghiệp đã tạo được những chuyển biến tích cực, tạo bước tiến quan trọng trong chỉ đạo điều hành. Điều này thể hiện rất rõ qua những thành tựu mà ngành đạt được thời gian qua. Điều này được Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trình bày rất rõ tại Quốc hội.

Tuy nhiên, nhiều cử tri còn băn khoăn khi năng suất lao động và thu nhập của người nông dân còn thấp so với trung bình cả nước. Thêm vào đó là khả năng tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng sản xuất và xuất khẩu nông sản chưa cao; điều kiện để mở rộng sản xuất (tích tụ đất đai, tiếp cận vốn, tiến bộ công nghệ và khoa học,…) cũng như điều kiện liên kết hợp tác theo chuỗi, việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm cần được Bộ trưởng quan tâm nhiều hơn.

Thanh hiền

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/doi-moi-da-chieu-post23747.html