Đổi mới công tác vận động để gần dân, hiểu dân hơn

Đó là quan điểm của Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế khi trao đổi với phóng viên (PV) Báo Biên phòng về công tác vận động quần chúng (VĐQC) ở khu vực biên giới. 'Xác định đây là biện pháp công tác mũi nhọn của BĐBP, thời gian qua, các đơn vị thuộc BĐBP Thừa Thiên Huế đã không ngừng đổi mới, kết hợp cùng với các biện pháp công tác khác để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiệp định, hiệp nghị quy chế biên giới, góp phần xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh…' - Đại tá Lê Văn Nguyên cho biết.

Đại tá Lê Văn Nguyên.

Theo Đại tá Lê Văn Nguyên, địa bàn biên phòng thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều dân tộc thiểu số sống đan xen, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tư tưởng trông chờ, ỉ lại của người dân vào chính quyền còn khá phổ biến.

Đặc biệt, địa bàn biên phòng thường là vùng trọng điểm, phức tạp về an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo. Từ tình hình thực tế đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác VĐQC.

Trên cơ sở đó, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, các đối tượng lợi dụng dân tộc, tôn giáo và các loại tội phạm. Đồng thời, tích cực tham gia bài trừ các tập tục lạc hậu ma chay, cưới xin, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xây dựng đời sống văn hóa thôn, bản…

PV: Thực tế đã khẳng định, mối quan hệ quân - dân gắn bó trên địa bàn Thừa Thiên Huế không phải "bỗng dưng" mà có, mà phải qua rất nhiều năm để gây dựng nên. Đồng chí Chính ủy nhận định, đánh giá vấn đề này như thế nào?

Đại tá Lê Văn Nguyên: Với phương châm "Nói cho dân nghe, dân hiểu, làm cho dân thấy, dân tin", thời gian qua, các tổ, đội công tác, cán bộ, nhân viên VĐQC và cán bộ tăng cường cho các xã biên giới thuộc BĐBP Thừa Thiên Huế đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các vấn đề có liên quan trực tiếp đến biên giới, chủ quyền biển đảo, dân tộc, tôn giáo tới nhân dân trên địa bàn. Chúng tôi đặc biệt chú trọng tới công tác giúp dân xóa đói, giảm nghèo, triển khai có hiệu quả các mô hình "Ngôi nhà tình thương", "Hũ gạo tình thương"…

Kết quả, các đơn vị BĐBP Thừa Thiên Huế phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã vận động kinh phí làm 13 ngôi nhà cho các hộ giáo dân nghèo trên địa bàn với tổng trị giá 650 triệu đồng; duy trì thường xuyên 12 "Hũ gạo tình thương" giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện mô hình "Ao cá quân dân" (Đồn BP Hương Nguyên), phong trào đỡ đầu các gia đình khó khăn (Chi bộ, đảng viên Đồn BPCK A Đớt), chương trình "Nâng bước em tới trường" (do đoàn viên, thanh niên BĐBP Thừa Thiên Huế tổ chức thực hiện)… Chúng tôi cũng đã phối hợp với Báo Sài Gòn giải phóng triển khai có hiệu quả Chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn", xây dựng được 45 ngôi nhà, một phòng học vi tính, 2 trạm xá quân dân y kết hợp trên địa bàn xã Nhâm và A Đớt (huyện A Lưới)…

PV: Theo đánh giá của đồng chí, công tác VĐQC của các đơn vị BĐBP Thừa Thiên Huế đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Vậy, xuất phát từ đâu mà BĐBP tỉnh đạt được kết quả đó?

Đại tá Lê Văn Nguyên: Sở dĩ đạt được kết quả như vậy là do đơn vị thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của trên, thực hiện tốt chương trình phối hợp với các ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế. Chẳng hạn như chúng tôi phối hợp với Sở Tư pháp trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; với Ban Tuyên giáo, Sở Ngoại vụ trong tuyên truyền về chủ quyền biên giới, biển đảo; với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong triển khai hoạt động của Tổ, đội tuyên truyền văn hóa; với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bài trừ kết hôn không giá thú, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; với Sở Giáo dục và Đào tạo trong xóa mù chữ…

Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao nhất trong công tác VĐQC, chúng tôi phải thường xuyên củng cố, xây dựng các tổ, đội công tác, kết hợp bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác VĐQC và cán bộ tăng cường cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn có đủ năng lực trình độ tham gia cấp ủy địa phương, am hiểu phong tục tập quán, biết nói tiếng dân tộc, gắn bó với địa bàn, nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ…

PV: Được biết, ngoài việc làm tốt công tác VĐQC trên địa bàn phân công phụ trách, thời gian qua, BĐBP Thừa Thiên Huế còn thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại Biên phòng. Đề nghị đồng chí Chính ủy giới thiệu đôi nét về vấn đề này?

Đại tá Lê Văn Nguyên: Thời gian qua, BĐBP Thừa Thiên Huế đã có nhiều hoạt động giúp lực lượng bảo vệ biên giới và các bản giáp biên phía bạn Lào ổn định cuộc sống sinh hoạt, phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng chức năng phía bạn Lào tổ chức tuyên truyền, vận động 13 hộ dân ở bản Sê Sáp (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông) cùng góp sức xây dựng bản mới theo đúng quy chế biên giới.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ kinh phí (190 triệu đồng), đồng thời, cử cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Nhâm giúp ngày công làm 13 ngôi nhà và đường dẫn nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt cho nhân dân nước bạn. Đáng kể nhất là việc BĐBP Thừa Thiên Huế phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Công ty Cổ phần Thủy điện miền Trung, giúp nhân dân bản Ka Lô, Sê Sáp (huyện Kà Lừm) xây dựng 21 nhà hữu nghị, 1 trường học tổng trị giá gần 2 tỷ đồng…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Nhâm, BĐBP Thừa Thiên Huế dựng nhà giúp dân nước bạn Lào. Ảnh: CTV

PV: Các cửa khẩu biên giới thường là nơi có lưu lượng người qua lại lớn nên nhu cầu thông tin đối ngoại rất cần thiết. Đồng chí có thể cho biết hoạt động tuyên truyền của BĐBP Thừa Thiên Huế ở khu vực này như thế nào?

Đại tá Lê Văn Nguyên: Tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 cửa khẩu đường bộ là A Đớt-Tà Vàng và Hồng Vân-Cu Tai thông thương với nước bạn Lào. Tuyến biển có 2 cửa khẩu cảng biển gồm cửa khẩu cảng Thuận An và cửa khẩu cảng Chân Mây. Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện qua lại, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, thông qua hoạt động ở các cửa khẩu, cảng biển, BĐBP Thừa Thiên Huế đã chú trọng làm tốt công tác thông tin đối ngoại.

Chúng tôi đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền về đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta về mối quan hệ truyền thống đặc biệt Việt - Lào, về luật pháp liên quan đến biên giới, các nghị định, hiệp định, quy chế biên giới. Trong đó, kết hợp thông tin tuyên truyền về thành tựu đổi mới, hình ảnh, đất nước con người Việt Nam, của quê hương Thừa Thiên Huế tươi đẹp, thân thiện, mến khách…

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

P.V (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/doi-moi-cong-tac-van-dong-de-gan-dan-hieu-dan-hon/