Đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Tại nhiều địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã được đổi mới, đẩy mạnh bằng đa dạng hình thức hoạt động.

Báo cáo sơ kết 3 năm triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho thấy, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã được đổi mới, đẩy mạnh bằng những hoạt động cụ thể như: Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Luật Tôn giáo, tín ngưỡng và Nghị định số 162/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đối tượng là lãnh đạo phòng văn hóa - thông tin cấp huyện và công chức văn hóa cấp xã; Cử cán bộ, công chức tham gia khóa tập huấn công tác tôn giáo do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức; Cử cán bộ tham gia đoàn công tác “đối thoại pháp luật về thủ tục hành chính liên quan tín ngưỡng, tôn giáo” tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh…

Công tác tuyên truyền pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tuân thủ các quy định của nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng. Ảnh: Bình Minh

Công tác tuyên truyền pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tuân thủ các quy định của nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng. Ảnh: Bình Minh

Tương tự, tại tỉnh Yên Bái, nhằm tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017 của Chính phủ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, hướng dẫn các phòng chức năng, đơn vị trực thuộc sở, phòng văn hóa - thông tin các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hoạt động tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như: Tuyên truyền lưu động, pa nô, áp phích… nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Nội dung tuyên truyền gồm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản có liên quan như: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Di sản văn hóa năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009; Nghị định số 162/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 166/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, danh thắng; Nghị định số 110/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Quyết định số 38/2013 của UBND tỉnh Yên Bái về việc ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Yên Bái...

Đồng thời, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cũng đã chỉ đạo Ban biên tập Trang thông tin điện tử của Sở đăng tải nội dung tài liệu về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân tìm hiểu nội dung của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017 của Chính phủ.

Trong số những địa phương đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ từ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017 của Chính phủ, có một điểm sáng là tỉnh Cao Bằng.

Với điều kiện thuận lợi là cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc đã phối hợp với các cơ quan liên quan đã tăng cường công tác tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162 đến cán bộ, công chức làm tôn giáo các cấp và chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo, qua đó giúp cho cán bộ, công chức và chức sắc, chức việc, tín đồ và đồng bào dân tộc thiểu số nắm được những quy định cụ thể của Luật và Nghị định.

Trong giai đoạn 2018 – 2020, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã phối với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 88 hội nghị tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho trên 545 lượt người tham gia (6 cuộc tuyên truyền về công tác tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tính chất xung yếu; 2 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật theo Quyết định 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, cán bộ, công chức cơ sở và đồng bào dân tộc thiểu số đã nắm và hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Nhờ đó, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đạo, các tín đồ là người dân tộc thiểu số đã tuân thủ, chấp hành các quy định của nhà nước khi tham gia sinh hoạt.

Bình Minh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/dai-doan-ket/doi-moi-cong-tac-tuyen-truyen-phap-luat-ve-tin-nguong-ton-giao-286968.html