Đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp: Tìm thuốc cho 'bệnh ngại'

Đổi mới công nghệ có vai trò ngày càng quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang tác động ngày một sâu rộng.

Đầu tư đổi mới công nghệ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh

Đầu tư đổi mới công nghệ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích DN đổi mới công nghệ. Các chính sách này được triển khai thông qua công cụ thuế; chương trình hỗ trợ cụ thể và giải pháp tài chính như trích lập Quỹ Khoa học và công nghệ (KH&CN), hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp và bảo lãnh tín dụng cho các khoản vay phục vụ đổi mới công nghệ...

Với các chính sách, giải pháp từ cơ quan quản lý nhà nước cùng với sự quyết tâm, nỗ lực từ phía DN, nhiều DN phát triển và lớn mạnh trên cơ sở đổi mới công nghệ, như DN Lương Quới chuyển giao thành công quy trình tách tinh dầu dừa tinh khiết đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp tăng giá trị sản phẩm gấp 4 lần. Hay, Công ty Việt Nam Food (VNF) hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với Đại học Nha Trang nhằm đổi mới công nghệ sản xuất chitosan từ phụ phẩm tôm, giúp sản phẩm giảm tới 1/3 giá thành, dự kiến có thể đóng góp thêm từ 10 - 15% tổng giá trị chuỗi giá trị của tôm Việt Nam so với hiện nay.

Các thành quả này là minh chứng cụ thể về vai trò, tác động mạnh mẽ mà công nghệ có thể mang lại cho DN. Tuy nhiên, hoạt động đổi mới công nghệ vẫn chưa phổ biến, đặc biệt tại các DN nhỏ và vừa do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Nhận thức của DN về vai trò của công nghệ chưa đầy đủ; công nghệ đang sử dụng có tuổi đời lớn; thiếu nguồn lực cho đổi mới công nghệ; thiếu thông tin về các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước...

Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - cho biết, khảo sát của Bộ Công Thương thực hiện năm 2017 - 2018 đã chỉ ra rằng, năng lực tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 của DN bị hạn chế bởi nhiều vấn đề. Chẳng hạn, khả năng số hóa dữ liệu, kết nối dữ liệu trong nội bộ DN cũng như giữa DN và các đối tác trong chuỗi còn rất hạn chế, dẫn đến khả năng tự vận hành theo thay đổi, tự động quản trị của DN rất thấp, chỉ ở mức 2% (ở phạm vi toàn DN); 11 - 12% ở các khu vực riêng lẻ trong DN; các mô hình quản trị DN dựa trên dữ liệu có tỷ lệ áp dụng rất hạn chế, chỉ ở mức khoảng 5%.

Trong khi đó, bối cảnh hiện nay đã và đang tạo ra sức ép ngày càng lớn để DN đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là những công nghệ tiên tiến trên thế giới, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Các trang thiết bị, công nghệ mới không chỉ giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm đang có, mà còn mở ra cơ hội tạo sản phẩm mới, đáp ứng tiêu chuẩn để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả của công nghệ, việc mua công nghệ chưa đủ, DN cần phải nhận chuyển giao và hấp thụ được quy trình vận hành, bí quyết công nghệ...

Trước tình hình đó, theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN), hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho DN được Cục triển khai thực hiện theo 3 bước gồm: Tổng hợp nhu cầu (phối hợp cùng các sở KH&CN địa phương nhằm nắm bắt nhu cầu của DN thông qua hoạt động điều tra, khảo sát); đánh giá nhu cầu (tổ chức các ekip chuyên gia khảo sát tại DN nhằm phân tích nhu cầu cải tiến, nâng cấp và đổi mới công nghệ); triển khai tư vấn (cung cấp chuyên gia phù hợp làm việc trực tiếp với DN nhằm giải quyết các vấn đề trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp giải pháp hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ).

Thời gian tới, ngành KH&CN sẽ tập trung xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách để khuyến khích thực hiện nhiệm vụ KH&CN gắn với DN; nâng cao sự đóng góp của KH&CN vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, lợi thế cạnh tranh…

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doi-moi-cong-nghe-o-doanh-nghiep-tim-thuoc-cho-benh-ngai-128436.html