Đổi mới công nghệ để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0

Tại Hội thảo 'Bước tiến mới trong ngành tài chính - ngân hàng trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư', nhiều ý kiến cho rằng, để tận dụng triệt để những thành quả của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, Việt Nam cần có khung pháp lý vững chắc từ nhận thức đến chủ động nghiên cứu, ứng dụng để phát huy hiệu quả sử dụng.

Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PV

Cơ hội và thách thức

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương - ông Ngô Văn Tuấn, ngân hàng luôn tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin với nhiều dự án hiện đại hóa và có môi trường thuận lợi từ quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành tài chính - ngân hàng đang đứng trước những cơ hội lớn để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có điều kiện thuận lợi để phát triển, hiện đại hóa nhanh chóng lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tận dụng triệt để những thành quả của cuộc CMCN 4.0 với quy mô dân số hiện đứng thứ 13 thế giới, với tỉ lệ người sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet lên tới 55% (năm 2017), cao hơn bình quân 44% trên thế giới.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Nguyễn Kim Anh cho rằng, việc ứng dụng các công nghệ mới mang tính đột phá, biểu hiện rõ nét trong ngành dịch vụ tài chính là làn sóng Fintech, kỳ vọng cao và hành vi thay đổi của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số, khuynh hướng quản lý thân thiện với đổi mới, sáng tạo và hướng nhiều hơn tới bảo vệ người tiêu dùng là những xu hướng chủ đạo làm thay đổi diện mạo ngành dịch vụ tài chính thế giới, trong đó có Việt Nam.

Khi áp dụng thành tựu của CMCN 4.0, sẽ xuất hiện nhiều ngân hàng số. Đây là mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành ngân hàng trên nền tảng số, có tiềm năng giúp các ngân hàng thích ứng tốt và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số, đem lại lợi ích to lớn cho ngân hàng về tăng doanh thu, giảm chi phí...

Hợp tác ngân hàng – Fintech

Nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng trải nghiệm khách hàng, một số ngân hàng VN đã và đang bắt đầu quá trình chuyển đổi số hướng tới 1 ngân hàng số đích thực; triển khai cung ứng một số dịch vụ ngân hàng đổi mới, sáng tạo như: VPbank với ứng dụng ngân hàng số Timo, Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab, Vietinbank với Corebank thế hệ mới - hiệu suất cao, tích hợp đa dịch vụ và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) hiện đại, MB với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ khách hàng 24x7 trên mạng xã hội...

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN - cho biết, hiện hệ sinh thái Fintech tại VN với 80 DN Fintech đang hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng,… Có 27 tổ chức đã được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Theo khảo sát của NHNN tháng 4.2018, có 81% tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác giữa ngân hàng - Fintech để cùng phát triển, ví dụ như MB & Viettel, PG Bank & Petrolimex, VCB & M-Service. Do đó, phải dựa trên nền tảng Internet banking, Mobile banking, điều này là đúng, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi trong quản trị kinh doanh.

Để làm được điều này, Fintech tích hợp các giải pháp thu thập các thông tin người vay từ rất nhiều nguồn trên Internet như web, mạng xã hội. “Giao dịch trên ngân hàng số rẻ hơn gấp 10 lần so với giao dịch truyền thống”- ông Dũng nhấn mạnh.

Được biết, hiện các NH hợp tác với các tổ chức Fintech cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được NHNN cấp phép để tận dụng mô hình kinh doanh tinh gọn, hướng tới trải nghiệm khách hàng và sự đổi mới, sáng tạo của Fintech kết hợp với khuôn khổ quản lý rủi ro vững mạnh, cơ sở khách hàng rộng lớn của các NH để tạo sức mạnh tổng hợp.

Minh Hạnh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/doi-moi-cong-nghe-de-thich-ung-voi-cach-mang-cong-nghiep-40-619451.ldo