Đổi mới chương trình giáo dục mầm non theo hướng tiên tiến, hiện đại

Ngày 19-12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo 'Cơ sở khoa học và định hướng đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN) sau năm 2020' với mục đích tạo diễn đàn để thảo luận, chia sẻ các vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm định hướng cho việc xây dựng chương trình GDMN Việt Nam sau năm 2020.

 PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT nhìn nhận, chương trình GDMN hiện hành được ban hành từ năm 2009 và được Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung nội dung vào năm 2016. Chương trình GDMN hiện hành được xây dựng dưới dạng chương trình khung, có nhiều tính ưu việt và góp phần rất lớn vào việc phát triển toàn diện cho trẻ. Tuy nhiên, để tiếp cận xu thế hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay thì chương trình GDMN hiện hành còn một số điều hạn chế như: Thời gian thực hiện chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ đang nhiều hơn số giờ làm việc của giáo viên theo Luật Lao động; nội dung và kết quả mong đợi chưa đúng với thực chất của chương trình khung; khoảng cách giữa quyền và năng lực tự chủ của các cơ sở GDMN…

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến từ thực tiễn, đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới chương trình GDMN. Trước những thay đổi nhanh chóng trong gia đình và xã hội Việt Nam như hiện nay, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, GDMN đang đặt ra nhiều thách thức cần phải thay đổi chương trình đào tạo giáo viên mầm non, điều chỉnh chương trình và phương pháp tổ chức các hoạt động hàng ngày ở trường mầm non, đặc biệt là chương trình nhà trẻ như thế nào để có thể tăng số lượng trẻ và số lớp mầm non, đảm bảo sự phát triển tốt những năm đầu đời để hứa hẹn một lực lượng lao động có chất lượng sau này.

Toàn cảnh hội thảo.

Đánh giá GDMN là “giai đoạn vàng”, là thời kỳ quan trọng nhất và phát triển nhanh nhất trong cuộc đời mỗi con người nên để chương trình GDMN đi vào cuộc sống, NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh đề xuất: Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để chỉ đạo thực hiện chương trình GDMN theo hướng tiếp cận phát triển toàn diện trẻ thơ. Chương trình đó phải là một chương trình mở, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu, năng lực của trẻ nhằm khai mở tiềm năng, tố chất ở trẻ trong giai đoạn này.

Trên cơ sở các ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, các cán bộ quản lý, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu, nghiên cứu để xây dựng một chương trình tổng thể về đổi mới chương trình GDMN sau năm 2020 trong thời gian tới.

Tin, ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/doi-moi-chuong-trinh-giao-duc-mam-non-theo-huong-tien-tien-hien-dai-605710