Đổi mới cách truyền thông, trợ giúp để nhiều người được thụ hưởng

Thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) người khuyết tật (NKT) có khó khăn về tài chính đã góp phần thực hiện tốt hơn các chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của NKT, giúp họ hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động TGPL mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu, nhiều NKT có khó khăn về tài chính chưa biết quyền được TGPL miễn phí, hoặc biết nhưng không thể tiếp cận với dịch vụ này.

Anh Nguyễn Duy Tú, 38 tuổi (bị khuyết tật vận động), trú tại phường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội), tâm sự: "Do mặc cảm về bản thân nên dù rất muốn tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe, trợ cấp xã hội, học nghề, tạo việc làm… nhưng tôi rất ngại". Khi được hỏi về quyền được TGPL miễn phí, anh không rõ bản thân có được thụ hưởng dịch vụ này, cũng như cách thực hiện.

Hiện nay, nhận thức về quyền được TGPL miễn phí các lĩnh vực như tạo việc làm, bảo hiểm, hôn nhân gia đình… của nhiều NKT có khó khăn về tài chính còn khá mơ hồ, khiến họ gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Theo ông Hứa Quốc Dũng, Chủ tịch Hội NKT tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân của tình trạng trên là do việc tiếp cận thông tin về pháp luật nói chung, TGPL nói riêng của NKT có khó khăn về tài chính còn hạn chế, bởi công tác truyền thông chưa sâu rộng, phương pháp truyền thông chưa linh hoạt, chưa phù hợp với các dạng tật khác nhau nên chưa đến được với đông đảo NKT.

Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 50.000 NKT nặng và đặc biệt nặng. Những người bị các dạng tật phức tạp thường ít giao tiếp với người xung quanh, cộng với mặc cảm, tự ti nên rất khó khăn trong việc TGPL cho họ. Trong khi đó, hoạt động TGPL lưu động chủ yếu đến trung tâm xã, chưa đến được nhiều thôn, bản, vùng sâu, vùng xa. Khá nhiều tổ chức thực hiện TGPL chưa có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, với các tổ chức của NKT.

Các đại biểu tham quan gian hàng thủ công mỹ nghệ của người khuyết tật/Ảnh minh họa/TTXVN.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hồ Chí Minh đã tư vấn, TGPL cho hơn 100 lượt NKT có khó khăn về tài chính. Theo ông Nguyễn Minh Chánh, Giám đốc trung tâm, theo Luật TGPL năm 2017, NKT cần TGPL phải chứng minh mình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, do NKT có nhiều dạng, bản thân bị hạn chế về khả năng đi lại, nói, nghe, nhìn, giao tiếp... nên việc thực hiện quy định trên hoặc đến trực tiếp trung tâm để trình bày cũng không dễ dàng.

Để NKT có khó khăn về tài chính được tiếp cận TGPL miễn phí, việc đẩy mạnh truyền thông là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, đề nghị: Trung tâm TGPL các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các hội của NKT, các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở kinh doanh của NKT, sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường phổ biến các quyền của NKT, trong đó có quyền được TGPL miễn phí; tăng cường phát hành tờ rơi phổ biến pháp luật và các ấn phẩm chuyên dụng để tuyên truyền về chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với NKT; tổ chức nói chuyện chuyên đề về các văn bản pháp luật nói chung và TGPL nói riêng, hướng dẫn các tình huống pháp luật cụ thể, quy định mới liên quan trực tiếp đến NKT. Cần cung cấp danh sách địa chỉ những nơi thực hiện TGPL miễn phí, danh sách trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên tại trụ sở tiếp dân của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra của các sở, ngành, UBND các cấp, các tổ chức hội NKT, các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở kinh doanh của NKT. Tăng cường lồng ghép việc truyền thông cho NKT có khó khăn về tài chính trong các chương trình, đề án khác về NKT ở địa phương.

Nước ta hiện có gần 8 triệu NKT, nhưng một phần do hạn chế về công tác truyền thông nên nhiều NKT có khó khăn về tài chính chưa được thụ hưởng dịch vụ pháp lý mang tính nhân văn này. Cùng với đó, không chỉ bản thân NKT có khó khăn về tài chính mà trong cộng đồng, nhiều người cũng chưa biết rõ quyền được TGPL của đối tượng này, nên chưa tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận.

Cùng với kêu gọi sự trợ giúp tích cực của đội ngũ cán bộ, luật sư, nhân viên các trung tâm TGPL Nhà nước thuộc sở tư pháp, các tổ chức hành nghề luật sư, các trung tâm tư vấn pháp luật…; các đợt truyền thông TGPL lưu động cho NKT ở cơ sở, trung tâm TGPL các tỉnh, thành phố cần tăng cường phối hợp tổ chức ở cấp thôn, bản; nội dung truyền thông cần phù hợp với điều kiện của địa bàn, trình độ dân trí, nhất là đặc thù NKT dạng câm điếc, người mù, người dân tộc thiểu số… Đội ngũ công chức văn hóa-xã hội xã, phường, nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên TGPL cấp xã cần tăng cường phối hợp theo dõi, nắm bắt hoàn cảnh, điều kiện sống, nhu cầu của NKT, kịp thời tư vấn hỗ trợ họ về mọi mặt, nhất là TGPL miễn phí cho NKT có khó khăn về tài chính.

THỦY KHOA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/chinh-sach/doi-moi-cach-truyen-thong-tro-giup-de-nhieu-nguoi-duoc-thu-huong-549628