Đổi mới cách nghĩ, cách làm Ngoại giao kinh tế

'Trước yêu cầu mới, hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm để góp phần kiến tạo những điều kiện thuận lợi, cần thiết cho chuyển tiếp kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới…', Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam.

Hoạt động Ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế (NGKT) trong năm qua tiếp tục đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Theo Trợ lý Bộ trưởng, đâu là điểm nhấn nổi bật nhất?

Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 tiềm ẩn nhiều rủi ro, kinh tế tăng trưởng chậm lại, cọ sát thương mại Mỹ - Trung phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, một trong những ưu tiên hàng đầu của NGKT là nghiên cứu, dự báo và tham mưu về kinh tế thế giới phục vụ cho Chính phủ và các Bộ, ngành trong điều hành kinh tế.

Kiến tạo và giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ngành Ngoại giao. Ở bình diện song phương, năm 2018, Ngoại giao đã đi đầu thúc đẩy hình thành có trọng tâm các kênh hợp tác mới, khả thi, dài hạn, nhất là với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ kinh tế song phương. Trên mặt trận đa phương, Bộ Ngoại giao cùng các Bộ, ngành đã vận động các nước thành viên, thúc đẩy các đàm phán, ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, bảo đảm lợi ích then chốt, vị thế đối ngoại và quan hệ của Việt Nam với các đối tác quan trọng.

Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị WEF ASEAN tại Hà Nội, tháng 9/2018.

Năm 2018 cũng ghi nhận nỗ lực thúc đẩy những lợi ích kinh tế thiết thực, nâng cao hình ảnh và vị thế đối ngoại của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, các cơ chế hợp tác tiểu vùng như GMS, CLV, AMECS. Việc tổ chức thành công Hội nghị WEF ASEAN 2018 là một minh họa rõ nét. Hội nghị được đánh giá là thành công nhất trong 27 năm WEF tổ chức hội nghị tại khu vực, đã tạo được nhiều dấu ấn sâu đậm và sáng kiến của Việt Nam. WEF là nơi khởi nguồn nhiều ý tưởng mới, sáng tạo, do đó nội dung thảo luận Hội nghị WEF ASEAN 2018 cung cấp nhiều ý tưởng, “tư liệu” hữu ích cho Việt Nam trong xây dựng, triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong chuẩn bị cho đảm nhận Chủ tịch ASEAN 2020. Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS 6) đánh dấu 25 năm hình thành và phát triển của GMS, là hội nghị đầu tiên Việt Nam tổ chức sau hơn hai thập kỷ tham gia hợp tác.

Việc Bộ Ngoại giao ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các địa phương khó khăn, vùng sâu, xa, ít có cơ hội tiếp xúc, làm việc với đối tác nước ngoài là hướng đi đúng đắn, tạo điểm nhấn trong công tác NGKT. Chúng ta đã tổ chức thành công các Hội nghị “Gặp gỡ Đại sứ” nhằm kết nối các địa phương với các cơ quan đại diện (CQĐD) nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp, các cơ quan đại diện và các đơn vị của Bộ Ngoại giao đã tích cực hỗ trợ việc tìm hiểu tập quán kinh doanh, tìm kiếm cơ hội đầu tư, xác minh năng lực đối tác, thâm nhập thị trường nước ngoài, bảo hộ lợi ích và hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong tranh chấp thương mại. Phát huy vai trò cầu nối, các CQĐD của ta đã hỗ trợ cung cấp thông tin về môi trường đầu tư kinh doanh, giải đáp các thắc mắc về quy định kinh doanh tại Việt Nam, hỗ trợ nhiều tập đoàn nước ngoài mở rộng, tăng cường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Theo Trợ lý Bộ trưởng, NGKT đã có những đổi mới về phương thức triển khai và trọng tâm công tác như thế nào để phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế mới của Việt Nam?

Trước yêu cầu mới của phát triển, ngành Ngoại giao vẫn tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm về NGKT để góp phần kiến tạo những điều kiện cần cho chuyển tiếp kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Chẳng hạn như công tác nghiên cứu, tham mưu. Bộ Ngoại giao đã đa dạng hóa, đa phương hóa các kênh, nguồn thông tin, tranh thủ tối đa hợp tác của các đối tác nước ngoài như các Viện nghiên cứu kinh tế lớn của nước ngoài, Đại học Harvard, Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD), Viện nghiên cứu kinh tế Đông Á (ERIA) nhằm cung cấp thông tin, đánh giá, dự báo đa chiều, đa diện cho Chính phủ.

Đổi mới, đa dạng hóa các sản phẩm thông tin kinh tế. Bên cạnh trang NGKT trực tuyến, hiện Vụ Tổng hợp Kinh tế đang thí điểm phát hành Bản tin nhanh (02 số/tuần) gửi cho lãnh đạo địa phương, thủ trưởng các CQĐD, các đơn vị trong Bộ và lãnh đạo các tập đoàn nhằm cung cấp thông tin cập nhật và kịp thời về tình hình và chính sách kinh tế của các nước lớn, của khu vực, các bài nghiên cứu về các vấn đề “nóng”, các vấn đề mới nổi.

Các hoạt động hỗ trợ địa phương được coi trọng và triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ xây dựng, thúc đẩy ký kết và chắp nối hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương nước ngoài, hỗ trợ tổ chức các đoàn xúc tiến của địa phương ở nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm.

Trong năm 2018, nhân dịp Hội nghị Ngoại giao 30, Bộ Ngoại giao lần đầu tiên tổ chức Tọa đàm giữa các đồng chí Trưởng CQDD Việt Nam ở hơn 90 quốc gia với gần 400 doanh nghiệp để trao đổi về nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp và cùng thảo luận về cơ chế hỗ trợ trong thời gian tới. Trong dịp này, trên trang NGKT trực tuyến, Bộ Ngoại giao cũng chính thức giới thiệu với doanh nghiệp Hồ sơ các thị trường trong đó nhấn mạnh đến các lĩnh vực hợp tác doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác.

Thời gian qua, những căng thẳng thương mại trên thế giới… tác động đến Việt Nam thế nào và chúng ta phải làm gì, thưa Trợ lý Bộ trưởng ?

Năm 2019, tình hình thế giới sẽ tiếp tục chuyển biến nhanh và khó lường, cơ hội, thách thức đan xen và chuyển hóa phức tạp. Năm 2019 cũng là năm quan trọng để quyết định Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến 2020 với trọng tâm phát triển là nâng cao tính tự chủ, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến.

Với yêu cầu này, công tác NGKT năm 2019 phải tập trung vào một số trọng tâm sau:

Thứ nhất, tập trung kiến tạo môi trường chính trị đối ngoại và pháp lý thuận lợi cho hợp tác kinh tế; xử lý vướng mắc tại các dự án lớn; tìm kiếm dự án, lĩnh vực, phương thức hợp tác mới nhằm tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác chiến lược, toàn diện; tận dụng lợi thế của các FTA (CPTPP; EVFTA…) để củng cố các thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng thị trường.

Thứ hai, bám sát Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương để đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia thực chất vào các diễn đàn kinh tế khu vực, các diễn đàn quản trị kinh tế toàn cầu, chuẩn bị tiền đề tốt cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức triển khai các hoạt động NGKT theo hướng lựa chọn các địa bàn, nhiệm vụ, lĩnh vực hợp tác trọng tâm và có tính khả thi; Đẩy mạnh tìm kiếm nguồn lực đầu tư thay thế và mô hình hợp tác mới phục vụ phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và khoa học công nghệ.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng; tăng hàm lượng tư vấn, kiến nghị trong các báo cáo, các bản tin cho Chính phủ, Bộ/ngành và doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin kinh tế thế giới phục vụ Chính phủ điều hành kinh tế xã hội.

Thứ năm, công tác NGKT cần lấy doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vươn ra hội nhập với thế giới.

Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm cao, sự đồng lòng của tất cả các đơn vị trong và ngoài nước của Bộ Ngoại giao, sự phối hợp nhịp nhàng của các Bộ, ngành, công tác NGKT sẽ ngày càng phát huy hiệu quả và phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Xin cám ơn Trợ lý Bộ trưởng!

Trần Liễu

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/doi-moi-cach-nghi-cach-lam-ngoai-giao-kinh-te-86655.html