Đối mặt làn sóng COVID-19 mới, châu Âu đóng cửa trường học, hủy phẫu thuật

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng chóng mặt, Pháp đã ban bố lệnh giới nghiêm trong khi nhiều nước châu Âu khác vừa yêu cầu đóng cửa trường học, hủy phẫu thuật.

Một người phụ nữ ngắm triển lãm tranh ngoài trời tại Amsterdam, Hà Lan ngày 14/10. Ảnh: Reuters

Một người phụ nữ ngắm triển lãm tranh ngoài trời tại Amsterdam, Hà Lan ngày 14/10. Ảnh: Reuters

Đối mặt với “cơn ác mộng” bùng phát dịch bệnh khi mùa đông đến gần, chính phủ các nước châu Âu - vốn đang vất vả đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra – đã buộc phải ra lệnh đóng cửa trường học, hủy phẫu thuật và tăng cường tuyển sinh ngành y.

Hãng Reuters đưa tin với khoảng 100.000 người mắc COVID-19 mới mỗi ngày, châu Âu đã vượt xa nước Mỹ - nơi ghi nhận trung bình trên 51.000 ca mới hàng ngày – chiếm đến 1/4 tổng số ca bệnh trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong một tuần lễ tính tới ngày 11/10, số người ở Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha mắc COVID-19 chiếm hơn 1/2 số ca mới tại châu Âu.

Đức, Anh và Pháp cho đến nay vẫn phản đối quyết định đóng cửa trường học, song tại Đức, giới chính trị gia đang tranh cãi về việc liệu có nên kéo dài kì nghỉ Giáng sinh và Năm mới để tránh dịch bệnh lây lan. Hà Lan nối lại phương án phong tỏa một phần, đóng cửa quán rượu và nhà hàng nhưng vẫn mở cửa đón học sinh đến lớp.

Cộng hòa Séc, với tỷ lệ mắc COVID-19 trên đầu người nhiều nhất châu Âu, đã đóng cửa trường học và chuyển sang hình thức học trực tuyến. Ngoài ra, quốc gia này còn nỗ lực tuyển thêm hàng ngàn sinh viên y khoa. Các bệnh viện cũng cắt giảm một số ca phẫu thuật không khẩn cấp để giải phóng giường bệnh. “Đôi lúc, chúng tôi muốn khóc òa”, cô Lenka Krejcova, y tá trưởng tại bệnh viện Slany gần Prague chia sẻ.

Nhân viên y tế điều trị cho một bệnh nhân COVID-19 tại Slany, Cộng hòa Séc ngày 13/10. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Ba Lan đang tăng cường đào tạo y tá cũng như xem xét mở bệnh viện dã chiến quân sự. Tại Nga, học sinh và sinh viên sắp sửa học trực tuyến. Bắc Ireland bắt đầu ra lệnh đóng cửa trường học trong hai tuần và nhà hàng ăn uống trong bốn tuần. Thủ tướng Micheal Martin đã mô tả tình trạng tăng số ca nhiễm bệnh tại Bắc Ireland là mối lo ngại lớn.

Trong khi số người nhiễm bệnh tại Pháp tăng nhanh chóng, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm (từ 21h đến 6h) trong vòng bốn tuần kể từ ngày 17/10 tại thủ đô Paris cùng 8 thành phố lớn khác. Theo đó, tất cả các rạp hát, nhà hàng, quán bar ở Ile-de-France và 8 thành phố chịu lệnh giới nghiêm sẽ phải đóng cửa lúc 21h. Tuy nhiên, đây không phải là lệnh cấm đi lại hoàn toàn từ 21h đến 6h, mà là một sự hạn chế tối đa. Các phương tiện công cộng vẫn tiếp tục hoạt động, song những người đi lại trong khoảng thời gian trên phải có giấy chứng nhận về lý do di chuyển. Người vi phạm sẽ bị phạt 135 euro. Được biết, lệnh giới nghiêm trên sẽ ảnh hưởng đến gần 1/3 dân số 67 triệu người ở quốc gia này.

Phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia ngày 14/10, ông Macron cho rằng các hoạt động lễ hội, vui chơi tập thể trên 50 người chính là yếu tố khiến dịch bệnh leo thang. Đa số chính quyền ở châu Âu đã nới lỏng lệnh phong tỏa vào mùa hè nhằm khôi phục lại nền kinh tế vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát đại dịch đầu tiên. Tuy nhiên, sự nối lại trạng thái hoạt động bình thường – từ mở cửa trở lại nhà hàng đến bắt đầu học kỳ mới – đã thổi bùng lên một làn sóng lây nhiễm mạnh mẽ khắp lục địa này.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 7/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hôm 14/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà và nhà lãnh đạo 16 bang nước này đã nhất trí về một số biện pháp chống dịch chặt chẽ hơn song không nêu chi tiết. Viện dịch tễ của Đức Robert Koch (RKI) cùng ngày công bố nước này ghi nhận 6.638 ca nhiễm mới virus SARS-COV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua.

Vũ trường và quán rượu nằm trong số những địa điểm đầu tiên ở châu Âu phải dừng hoạt động hoặc đóng cửa sớm trong đợt phong tỏa mới này. Bên cạnh đó, tốc độ lây nhiễm tăng mạnh cũng đặt ra thách thức lớn đối với việc duy trì hoạt động của hệ thống trường học cũng như hoạt động chăm sóc y tế không liên quan đến COVID-19.

Thậm chí Giáo hoàng Francis cũng bị ảnh hưởng bởi loạt biện pháp giới hạn mới khi phải diễn thuyết cách xa các tín đồ. Ở thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, người hâm mộ bóng đá tỏ ra không quá bất ngờ sau khi biết tin đội trưởng tuyển Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo dương tính với SARS-CoV-2. Điều này đơn giản cho thấy mọi người đều có nguy cơ nhiễm virus.

Tờ Financial Times đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn quyết liệt phản đối lời kêu gọi triển khai lệnh phong tỏa toàn quốc. Tuy nhiên, tại nước này, số người nhập viện đang tăng lên. Các bệnh viện dã chiến được xây dựng từ đầu năm đang gấp rút được hoàn thành.

Ở Tây Ban Nha, giới chức vùng Catalonia yêu cầu quán rượu và nhà hàng phải ngừng hoạt động trong 15 ngày cũng như giới hạn số người ra vào các cửa hàng. Tại Bỉ, với tỷ lệ mắc COVID-19 trên đầu người cao thứ hai châu lục, cácbệnh viện phải dành 1/4 số giường bệnh cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Trong khi đó tại Autralia – quốc gia được xem là một trong những nước thành công nhất trong cuộc chiến chống virus – các ổ lây nhiễm đã xuất hiện tại hai bang đông dân nhất, khiến bang New South Wales phải trì hoãn quyết định nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Hay như tại Malaysia, chính phủ nước này đã ban bố một số biện pháp hạn chế mới. Hoàng gia Malaysia cũng quyết định hoãn tất cả cuộc gặp trong hai tuần.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/doi-mat-lan-song-covid19-moi-chau-au-dong-cua-truong-hoc-huy-phau-thuat-20201015154216467.htm