Đối mặt dịch bệnh sau thiên tai

Không chỉ có lũ lụt, bất cứ đợt thiên tai nào như động đất hay sóng thần qua đi đều để lại không ít những thiệt hại về người, tài sản và sự biến đổi của môi trường sống kéo theo gánh nặng về nguy cơ dịch bệnh hoành hành.

Những con số kinh hoàng

7 năm trước, thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản cũng đã buộc hơn 100.000 người dân sống quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 phải sơ tán để tránh nhiễm xạ. Bệnh tật lây lan, hơn 15.000 người chết, khoảng 8.000 người bị thương và mất tích cùng những thiệt hại về tài sản nặng nề, to lớn. Sau đó, con số người chết vẫn tăng lên do bệnh tật hoành hành, đáng nói là số người bị sang chấn tâm lý, tự tử vì trầm cảm sau thảm họa lên đến con số 155 người và vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo.

Trận động đất 7,5 độ richter làm rung chuyển Afghanistan và Pakistan cách đây 3 năm cũng đã khiến những dịch bệnh do nguồn nước bùng phát: tiêu chảy, kiết lỵ, viêm gan, nhiễm trùng hô hấp cấp tính và các bệnh vốn đã được ngăn chặn bằng vaccine như sởi, ho gà, uốn ván. Người phát ngôn Tổ chức WHO Christian Lindmeier cho biết, khoảng 866.000 người sống trong phạm vi 100km quanh tâm chấn ở huyện Jurm (Afghanistan) và những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là nơi ẩn náu của lực lượng phiến quân khiến nhu cầu về y tế tăng chóng mặt, chưa kể tình trạng hậu chấn thương tâm lý, stress, nhiễm trùng vết thương, sốt rét, sốt xuất huyết… sau cơn động đất gây ra cho người dân.

Không phải trải qua động đất hay sóng thần như những nước trên, nhưng chỉ qua một mùa hè nắng nóng cực điểm gần đây, ít nhất 29 người Hàn Quốc đã thiệt mạng trong đợt nắng nóng đang kéo dài tại quốc gia này. Số bệnh nhân mắc bệnh do nắng nóng trong mùa Hè năm nay cũng đã lên tới hơn 2.300 người. Phần lớn các bệnh nhân bị kiệt sức hoặc say nắng vào ban ngày. Cũng hứng cơn bão nhiệt như Hàn Quốc, tại Italy, Bộ Y tế đã phải ban bố báo động đỏ về tình trạng nắng nóng tại 18 thành phố. Bộ y tế khuyến cáo nồng độ ozone cao trong không khí đã và đang gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, những người mắc bệnh hen suyễn, bệnh phổi hoặc bệnh tim.

Sự thay đổi khí quyển và địa chất là những nguyên nhân chính gây ra thiên tai như động đất, sóng thần, hạn hán… Trong những thấp kỷ gần đây, thiên tai đã ngày càng gia tang gây thiệt hại về con người và kinh tế. Các nước đang phát triển là những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất vì thiên tai bởi họ không có đủ nguồn lực, cơ sở hạ tầng và hệ thống phồng tránh thiên tai cần thiết. Mặc dù số người thương vong chủ yếu do thiên tai những cũng không ít người đã chết vì những bệnh truyền nhiễm do việc di dân và sự thay đổi môi trường sau thảm họa.

Thiên tai xảy ra dẫn đến những thay đổi vật lý trong môi trường sống. Những thay đổi này làm cho những dịch bệnh cũ có khả năng lây nhiễm cao hơn và còn có thể tạo ra các tác nhân gây bệnh mới khiến con người khốn đốn chống chọi.

Vì sao sau thiên tai là bệnh tật?

1. Ô nhiễm nguồn nước

Thường thường, sau một thiên tai như lũ lụt, động đất, sóng thần… hệ thống cung cấp nước sạch đều bị phá hủy. Đây là lý do hàng đầu khiến dịch bệnh bùng phát không kiểm soát ở nhiều quốc gia.

Sau khi động đất, thiên tai… người dân trong vùng thiên tai đành phải dùng bất cứ loại nước nào sẵn có, mà nước này đa số đều nhiễm loại vi khuẩn đến từ xú uế cống rãnh, phế thải công nghiệp. Các vi khuẩn Vibrio Cholerae, E. Coli là tác nhân chính của bệnh dịch tả và tiêu chảy. Viêm gan A và E lan truyền vì thiếu nguồn nước an toàn và kém vệ sinh cá nhân. Viêm gan A hầu như xảy ra thường xuyên tại đa số các quốc gia đang phát triển và rất nhiều trẻ em đều đã mắc bệnh và trở nên miễn nhiễm với bệnh. Do đó, ở các nơi này số người bị bệnh rất ít. Ở các địa phương có dịch viêm gan E, bệnh xảy ra sau mưa, lụt. Bệnh không trầm trọng, tự hết nhưng với phụ nữ có thai thì tử vong có thể lên tới 25%. Một loại bênh nữa là leptospirosis – một bệnh về da, niêm mạc miệng gây ra do tiếp xúc trực tiếp với nước, đất, bùn chứa vi khuẩn leptospires. Xuất xứ của các vi khuẩn này là từ nước tiểu động vật gặm nhấm như chuột, sóc. Lũ lụt tạo cơ hội thuận tiện cho vi khuẩn lan rộng. Bệnh bắt đầu với cơn sốt và có thể ảnh hưởng tới gan, màng não, thận. Khi cơ thể tiếp xúc trực tiếp với nước ô nhiễm, một số bệnh khác cũng thường xảy ra như vết thương làm độc trên da, viêm da, bệnh tai mũi họng, bệnh viêm mắt.

2. Côn trùng sinh sôi nảy nở

Muỗi là loài côn trùng gây bệnh thường thấy nhất. Sau biến cố thời tiết như giông tố, bão lụt, vùng nước tù đọng là môi trường thích hợp cho côn trùng sinh sản và tăng khả năng lây truyền bệnh. Ban đầu, bão lụt đẩy vi sinh vật đi xa nhưng sau đó, nước ổn định, nằm lại, chứa nhiều vi khuẩn.

Tại các nơi xảy ra thiên tai, nạn nhân thiên tai cũng như nhân sự cấp cứu dễ dàng mắc các bệnh sốt rét định kỳ (malaria), sốt đập lưng (dengue), viêm màng não, sốt West Nile. Rủi ro mắc bệnh gia tăng nếu dân chúng sống chen chúc chật hẹp và ăn ngủ ngoài trời, bị muỗi đốt. Sốt rét do các ký sinh trùng nhóm Plasmodium xâm nhập hồng huyết cầu. Bệnh do muỗi anopheles truyền sang người và thường thấy ở các vùng có khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới. Bệnh sốt đập lưng là bệnh virus truyền sang người do muỗi aedes aegypti với các triệu chứng như sốt, đau nhức xương khớp, đau đầu, chảy nước mắt. Bệnh ít gây chết người nhưng bệnh nhân suy nhược rất nhiều và cần thời gian lâu để phục sức.

3. Quá đông dân

Vì nhà ở bị phá hủy, khu vực sống bị càn quét, người dân sau thiên tai phải ăn ngủ trong các nơi tạm trú chen chúc đông người. Thêm vào đó là các tiện nghi căn bản như nhà tắm, cầu tiêu, bếp núc đều hết sức giới hạn, kém vệ sinh là những hoàn cảnh thuận lợi cho sự lây lan một số bệnh truyền nhiễm như bệnh đường hô hấp, ban sởi, viêm màng não.

Thiếu dinh dưỡng là chuyện thường xảy ra trong thời gian đầu sau thiên tai, đặc biệt đối với dân chúng tại các địa phương có sự xung đột, bất ổn. Theo các nhà quan sát, sau bão lụt Nargis ở Myanmar, có hàng chục ngàn người đang phải đối mặt với đói khát vì không có thực phẩm, nước uống, nhất là mùa mưa sắp diễn ra trong những ngày sắp tới. Thiếu dinh dưỡng đưa tới suy nhược cơ thể và nạn nhân dễ dàng mắc bệnh truyền nhiễm.

4. Gián đoạn các dịch vụ thông thường

Không có điện, các nhu cầu tối thiểu bị cắt, người dân loay hoay với việc cất giữ thực phẩm, trung tâm y tế loay hoay với bảo quản vaccine... Thực phẩm hư thối gây ra bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy. Thiếu điện cũng khiến cho không khí tù hãm, tăng lây lan bệnh nhiễm trùng tại khu tạm trú đông đúc người tị nạn.

Các nhà chuyên môn đều cho rằng bệnh gây ra do sự di cư, lánh nạn của dân chúng vào các vùng chật chội, thiếu vệ sinh, thiếu dịch vụ y tế, thiếu thực phẩm, nước uống an toàn... tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm xảy ra và đôi khi trở nên nguy hiểm chẳng thua gì thiên tai.

5. Người dân suy sụp tinh thần

Sau mỗi thiên tai, nạn nhân sống sót ở trong tâm trạng rất căng thẳng, sợ hãi, lo âu. Họ sẽ có một số phản ứng như: băn khoăn, không hiểu nổi tại sao lại có chuyện bất hạnh này; lo sợ cho tương lai không biết sẽ như thế nào; bối rối, mất định hướng, không tập trung, quyết định được việc gì; có những cơn ác mộng, nhớ lại thảm cảnh đã qua; thay đổi tính tình, dễ tức giận, buồn rầu; cảm thấy trở nên bất lực, tuyệt vọng; người mệt mỏi suy nhược; nhức đầu, đau mình, đau bụng; rối loạn giấc ngủ; ăn uống bất thường, mất khẩu vị.

Theo các chuyên gia, giải quyết các khó khăn tâm lý này là vấn đề lâu dài, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, thanh thiếu niên ít tuổi, tương lai còn dài ở phía trước…

Sau mỗi thiên tai, nạn nhân sống sót ở trong tâm trạng rất căng thẳng, sợ hãi, lo âu. Họ sẽ có một số phản ứng như: băn khoăn, không hiểu nổi tại sao lại có chuyện bất hạnh này; lo sợ cho tương lai không biết sẽ như thế nào; bối rối, mất định hướng, không tập trung, quyết định được việc gì; có những cơn ác mộng, nhớ lại thảm cảnh đã qua

Phương Ly

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/suc-khoe/doi-mat-dich-benh-sau-thien-tai-91608.html