Đối lập trong đào tạo cầu thủ trẻ

Trong bối cảnh Hà Nội FC liên tục cho 'ra lò' những cầu thủ trẻ chất lượng, thậm chí là sẵn sàng cho họ sang CLB khác thi đấu theo diện cho mượn thì bóng đá TP Hồ Chí Minh lại loay hoay trong việc tìm ra những nhân tố tiềm năng trong tương lai gần.

Chuyện đáng lo ở CLB TP Hồ Chí Minh

V.League 2022 chứng kiến sự suy yếu của CLB bóng đá TP.HCM và Sài Gòn FC. Hai đội bóng đại diện cho thành phố mang tên Bác không có được kết quả tốt sau giai đoạn lượt đi ở V.League. Với Sài Gòn FC, sau màn trụ hạng hú vía mùa trước (xếp áp chót bảng xếp hạng nhưng V.League 2021 hủy giữa chừng), đội bóng Sài thành tiếp tục trải qua những khó khăn ở năm nay khi liên tục trở thành “kho điểm” của các đội bóng khác tại V.League.

Những cầu thủ như Nguyễn Hữu Trọng được xem là “của hiếm” triển vọng trong đào tạo trẻ tại TP.HCM.

Những cầu thủ như Nguyễn Hữu Trọng được xem là “của hiếm” triển vọng trong đào tạo trẻ tại TP.HCM.

Hệ quả của việc dồn dập thay đổi nhân sự (hơn 14 cầu thủ rời đội bóng) kể từ mùa trước đã và đang khiến Sài Gòn FC lao đao. Còn nhớ trước đó, khi Hà Nội B Nam tiến và đổi tên thành Sài Gòn FC, dù lực lượng trong tay đa số là những cầu thủ phía Bắc nhưng chí ít, HLV Nguyễn Đức Thắng vẫn cố gắng tạo nên một giá trị mang tính cốt lõi phù hợp với người hâm mộ Sài thành. Đó là thứ bóng đá tấn công, tạo nên giá trị giải trí và cống hiến. Cũng từ kim chỉ nam này mà Sài Gòn FC dù không phải là CLB mạnh và được đầu tư nhiều tiền của ở V.League song luôn là đối thủ đầy khó chịu và gai góc với những “đại gia” của Việt Nam.

Sài Gòn FC không phải là CLB duy nhất yếu thế từ cách chơi thiếu định hình cho tới lực lượng, TP.HCM cũng rơi vào tình thế tương tự. Điểm tựa từng giúp cho TP.HCM ở những mùa giải trước là tài chính dường như không còn hậu thuẫn họ ở mùa giải năm nay. “Túi tiền không đáy” của nhà tài trợ từng giúp cho TP.HCM thay máu lực lượng liên tục từ năm này đến năm khác, bên cạnh những thương vụ “bom tấn” làm nức lòng người hâm mộ trên thị trường chuyển nhượng. Tuy nhiên, giá trị của hàng trăm tỷ đồng tiền lót tay xuyên suốt 5 năm trời không được lượng hóa bằng chức vô địch. Để rồi khi TP.HCM bắt đầu rơi vào cảnh thắt lưng buộc bụng, họ cũng bắt đầu chênh vênh ở mùa giải năm nay.

Thực tế, căn nguyên của câu chuyện TP.HCM hay Sài Gòn cũng đến từ việc bóng đá của thành phố lớn nhất cả nước về kinh tế không phát triển được đào tạo bóng đá trẻ như kỳ vọng. Đã 7 năm trôi qua, hợp tác giữa Lyon và LĐBĐ TP.HCM cùng Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM không sản sinh được lứa cầu thủ có năng lực cho bóng đá thành phố này. Như báo giới phản ánh, các cầu thủ trẻ của TP.HCM phải sinh hoạt trong những những căn phòng thiếu tiện nghi và ngày một xuống cấp dưới các khán đài sân Thống Nhất. Một cầu thủ trẻ còn tâm sự rằng điều hòa ở trong phòng hoạt động được bình thường đã là niềm mơ ước. Vậy nên không ít bạn trẻ chọn về nhà buổi tối để tránh tình cảnh vã mồ hôi khi ngủ.

HLV đào tạo trẻ của “lò Lyon” từng là những cầu thủ dự bị cho các CLB ở Việt Nam trước kia. Thậm chí, nhiều HLV khác chỉ tốt nghiệp bóng đá ở Trường Đại học TDTT chứ cũng chưa từng đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp. Lứa cầu thủ trẻ được đào tạo trong chương trình hợp tác với CLB Lyon cũng không thấy lối ra khi không được hai CLB TP.HCM và Sài Gòn tiếp nhận mà chủ yếu mượn thi đấu ở các giải trẻ cho đúng quy định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhằm tránh bị phạt. Và việc chỉ có 2 gương mặt cùng U16 Việt Nam tham dự giải U16 Đông Nam Á 2022 là tiền đạo Võ Tuấn Phong cùng trung vệ Nguyễn Hữu Trọng cũng chỉ là điểm sáng lé loi trong một mớ hỗn độn mà bóng đá trẻ TP.HCM đang trải qua, từ năm này đến năm khác.

Học hỏi bóng đá Hà Nội

Trái ngược với tình cảnh khổ sở ở TP.HCM, Hà Nội FC đã và đang gặt hái những quả ngọt từ quá trình đầu tư bài bản và nghiêm túc. Sau giai đoạn đầu tiên cũng chi ra rất nhiều tiền của để nâng tầm lực lượng bằng các bản hợp đồng “nặng đô”, bầu Hiển cùng Ban lãnh đạo Hà Nội FC quyết định thay đổi chiến lược khi tăng cường các vệ tinh đào tạo và phát triển tài năng trẻ.

Những Hùng Dũng, Đức Huy, Quang Hải, Văn Kiên, Thành Chung, Việt Anh, Sỹ Huy, Văn Chuẩn, Tiến Long… là minh chứng cho quá trình đào tạo trẻ chất lượng mang tính liên tục, thế hệ này gối đầu thế hệ khác của bóng đá Hà Nội. Thành công của các đội U19, U23 và ĐTQG Việt Nam từ năm 2017 cho đến nay có dấu ấn không nhỏ của những cầu thủ từ lò đào tạo của Hà Nội FC. Trong đó, Quang Hải và Hùng Dũng xứng đáng là niềm tự hào cho quá trình đào tạo bóng đá trẻ của Hà Nội FC.

Ấn tượng hơn, khi các tài năng trẻ cứ ngày một phát triển, Hà Nội FC còn sẵn sàng cho họ sang CLB khác ở V.League hoặc hạng Nhất để tích lũy kinh nghiệm chơi bóng. Điển hình nhất là mới đây, Hà Nội FC cho Đặng Văn Tới đến Hải Phòng, Vũ Tiến Long, Trần Văn Đạt, Tuấn Anh đến CAND theo dạng cho mượn. Việc các cầu thủ trẻ tài năng của Hà Nội FC đến những CLB giàu khát vọng nhưng đang thiếu nguồn lực như Hải Phòng, CAND sẽ giúp họ có nhiều hơn cơ hội được chơi bóng, không bị thui chột, lãng phí tài năng.

Những thành tích mà Hà Nội FC có được đến từ quá trình đào tạo nghiêm túc, tính cạnh tranh cao độ cùng đầu tư có lộ trình và chiến lược rõ ràng. Chỉ tiếc rằng ở TP.HCM lúc này, trái ngọt chưa thể đến ở nơi mảnh đất vẫn còn thiếu nhiều dinh dưỡng.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/doi-lap-trong-dao-tao-cau-thu-tre-i664583/