'Đòi' lại được không, trái tim ở trọ?

Từ ngày chị Bích lên sếp, cả xóm không mấy khi thấy chị. Sáng có tài xế riêng đón từ sớm, tối thì khi các nhà đã cửa đóng then cài, chị mới về đến nhà. Chuyện con cái, nhà cửa, mình anh Minh, chồng chị phụ trách.

Từ ngày chị Bích lên sếp, cả xóm không mấy khi thấy chị. Sáng có tài xế riêng đón từ sớm, tối thì khi các nhà đã cửa đóng then cài, chị mới về đến nhà. Chuyện con cái, nhà cửa, mình anh Minh, chồng chị phụ trách.

Sáng nào mọi người cũng thấy hình ảnh quen thuộc, anh Minh xách làn... đi chợ. Vừa mua thực phẩm cho cả ngày, vừa mua đồ ăn sáng cho con gái (vợ anh tự ăn sáng trên đường đến công ty). Hôm nào cũng thấy hai tay anh, túi rau, túi thịt hoặc cá, mấy bà nội trợ lại tếu táo: “Hôm nay, bố nó định chế biến món gì?”.

Anh Minh làm bàn giấy nên thời gian khá xông xênh. Lắm hôm, 9 giờ hơn 9 giờ mới thấy anh xách túi ra khỏi nhà, chiều có hôm chỉ 3 giờ đã lại về. Về đến nhà, anh lại loay hoay dọn dẹp, chuẩn bị bữa tối trước khi đi đón cô con gái duy nhất đang học lớp 2.

Ngồi một mình trong nhà chắc buồn, anh lại “vác” rổ rau ra trước cổng nhà, ngay cạnh nhà anh có quán chè chén nên các bà, các cô tụ tập “buôn bán” rất rôm rả. Cạnh đó còn có bàn cờ để phục vụ các ông đã hưu. Cũng có hôm, anh ra ngồi xem các bác đánh cờ, thi thoảng thiếu người chơi, anh cũng “nhảy vào” đánh, nhưng... toàn thua.

Mỗi lần thấy anh nhặt rau, chị Nhung hàng xóm thế nào cũng kéo ghế xán đến ngồi nhặt cùng. Có hôm anh mua được mớ cải thơm, mùi hơi hắc, vừa nhặt chị vừa hào hứng nói, rau này nấu thế nào thì ngon. “Thường thì rau tôi hay luộc, con bé con không thích lắm nhưng ăn thế tốt cho sức khỏe. Với lại có mỗi hai bố con ăn cơm nên cũng không cần bày vẽ gì nhiều. Chỉ cần đĩa rau luộc, bát nước luộc và một món mặn là kiểu gì cũng xong bữa!”, anh Minh thật thà chia sẻ.

“Ối dồi ôi, bảo sao con bé nhà anh càng ngày càng gầy loắt choắt! Ăn uống kiểu đó không ổn rồi, anh phải chịu khó chế biến món nọ món kia thì con mới ăn nhiều được chứ!”. Nói là làm, ngay chiều hôm đó, trước giờ cơm tối của bố con anh Minh, chị Nhung bê sang nhà anh một đĩa chả bề bề còn nóng hổi, thơm phức. Đúng là món ăn ngon, lạ miệng, con bé gắp lấy gắp để, luôn miệng khen “Ngon quá, bố ạ!”, rồi tay gắp một miếng, miệng nó đã “xí phần”: “Miếng có con bự kia của con bố nhé!”... Nhìn con ăn ngon miệng, anh Minh vui lắm.

Hôm sau nghe anh kể chuyện, chị Nhung “vơ việc” luôn: “Vậy thôi, từ giờ anh khỏi cần đi chợ. Nhà anh có hai người ăn, nhà em lại chỉ có mình em. Để em nấu luôn cho tiện nhé!”. Từ chỗ những bữa ăn rất vô tư như thế, anh Minh chị Nhung giống như lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Họ như hình với bóng lúc nào không hay.

Buổi trưa trước đây anh Minh không bao giờ về thì nay cũng về... ăn trưa. Tất nhiên là ăn ở nhà chị Nhung. Ăn xong “nghỉ ngơi” chán rồi anh mới lại đi làm. Chị Nhung trước giờ ăn mặc rất đơn giản thì nay cũng đã bắt đầu chăm chút cho hình ảnh của bản thân. Chị chăm chỉ uốn tóc, dập xù - đúng mốt được giới trẻ thích năm nay. Váy vóc thì có lần may liền một lúc bốn, năm cái.

Mọi chuyện rồi cũng đến tai Bích. Ban đầu nghe mọi người nói, chị gạt đi “Cháu ơn cô ấy còn chẳng hết! Công việc của cháu bận, đi suốt ngày, cô ấy nấu nướng cho chồng con cháu ăn cùng, con bé được chăm sóc tốt nên mập hơn, trắng nõn, cháu nhìn thấy thích quá!”; “Cháu tin chồng cháu và cô ấy vô tư nên các bác đừng nói vào nói ra nữa!”...

Ngay cả chuyện anh Minh tối nào cũng lấy cớ, con gái hay giật mình, khó ngủ nên anh muốn ngủ cùng để con ngủ cho sâu giấc, chị Bích cũng chẳng mảy may nghi ngờ. Chỉ đến khi, laptop của chị trục trặc, phải mượn máy tính của chồng. Tối hôm đó, chị tình cờ đọc được đơn ly hôn, thời gian chồng chị soạn cách đó đã mấy tháng, chị cảm thấy hoa mắt, chóng mặt vì không tin nổi.

“Anh Minh, con ngủ thì anh qua phòng, em cần nói chuyện với anh!”, chị vừa nhắn cho chồng, vừa cố ngăn nước mắt rơi. Hóa ra, chồng chị đã chuẩn bị sẵn đơn đã in để đầy trong ngăn kéo. Anh chưa đưa cho chị vì chưa biết phải mở lời thế nào cho vợ khỏi sốc. Hỏi đến sổ tiết kiệm (là tiền chị mang về hàng tháng, nhưng anh có nhiệm vụ đi gửi ngân hàng), chị mới tá hỏa khi biết, anh đã cùng cô hàng xóm đầu tư vào mấy căn chung cư nên hầu như tiền mặt trong nhà không có.

“Anh sẽ để lại căn nhà này cho em, con anh cũng sẽ nuôi nên em có thể dồn toàn bộ thời gian, công sức cho công việc. Rồi em sẽ thành công hơn nữa nhỉ?!”, những lời chồng nói như trăm nghìn mũi kim nhọn hoắt đâm vào lòng chị. Nhưng anh ấy nói đâu có sai, vì mải mê công việc, chị đã quên bẵng việc khác quan trọng hơn: Tổ ấm của chị! Chị phải làm gì để cứu vãn cuộc hôn nhân này? Chị có thể “đòi lại” chồng con của mình bằng cách nào? Nhưng chị có thể “đòi” không khi họ vẫn đang ở bên chị, còn trái tim đã gửi ở nơi khác mất rồi?...

Tiêu Giang

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/cuoc-thi-chu-de-hanh-phuc-gia-dinh/doi-lai-duoc-khong-trai-tim-o-tro-post43320.html