Đòi hỏi phải được phát hiện và giải quyết kịp thời nguy cơ xâm hại trẻ em

Phiên thảo luận Nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực với trẻ em do Bộ Tư pháp tổ chức đã diễn ra ngày 19-10 tại Hà Nội.

Hướng tới Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020 (9-11), trong khuôn khổ dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JULE) do Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc đồng tài trợ, phiên thảo luận diễn ra nhằm mục đích trao đổi, thảo luận về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và từ đó đưa ra giải pháp nâng cao hiểu biết pháp luật về phòng, chống bạo lực với trẻ em, qua đó góp phần làm tốt hơn công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Đồng chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ trẻ em trên thực tế.

Cùng với những nỗ lực hoàn thiện và tổ chức thi hành chính sách pháp luật về trẻ em, Việt Nam cũng tích cực, chủ động tham gia vào các cơ chế pháp lý quốc tế liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em cũng như tham gia các văn kiện quốc tế khác cũng có quy định về bảo vệ trẻ em như Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị, các nghị định thư bổ sung Công ước về Quyền trẻ em. Các cam kết quốc tế này đã và đang được Việt Nam tổ chức thực hiện trong hệ thống pháp luật

Trong điều kiện, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, cố gắng của Việt Nam trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em thời gian qua là rất đáng ghi nhận, khích lệ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng so với mục tiêu, kỳ vọng, Việt Nam còn nhiều việc cần được tiếp tục làm tốt hơn nữa, nỗ lực và trách nhiệm cao hơn nữa của tất cả các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương và của toàn xã hội, mỗi cá nhân để dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em.

Phiên thảo luận Nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực với trẻ em. Ảnh: N.D

Phiên thảo luận Nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực với trẻ em. Ảnh: N.D

Trong phiên thảo luận, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Phan Hồng Nguyên cho biết, theo thống kê, từ ngày 01-01-2015 đến ngày 30-6-2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại (1.672 trẻ em nam, 7.037 trẻ em nữ).

Số trẻ em bị xâm hại chiếm 0,035% tổng số trẻ em toàn quốc. Trong đó, có 857 trẻ em bị bạo lực chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại. Đây là tỷ lệ đáng chú ý và cần được khắc phục.

Còn theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đặt trong bối cảnh thế giới và khu vực, trong số 75 quốc gia được thống kê về tình trạng bạo lực đối với trẻ em, Việt Nam xếp thứ 49, sau Myanmar (xếp thứ 30) và Malaysia (xếp thứ 40) nhưng trên Lào (xếp thứ 54).

Tuy Thái Lan, Philippines, Campuchia không ở trong số 75 quốc gia so sánh, nhưng điều tra MICs của Thái Lan cho thấy 75,2% trẻ em độ tuổi 1-14 đã từng bị phạt về thể chất và tâm lý (Việt Nam 68,4%).

Ở Philippines, cứ 5 trẻ em thì 3 em cho biết đã từng bị bạo lực thể chất thời thơ ấu và 60% xảy ra ở nhà. Ở Campuchia, hơn một nửa trẻ em bị cha mẹ, họ hàng, bạn tình hoặc người trong thôn xóm bạo lực thể chất trước khi tròn 18 tuổi và cứ 4 trẻ em thì có 1 em bị bạo lực về tình cảm.

Bạo lực, xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề, lâu dài cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ em bị tử vong hoặc khiến trẻ em phải tự tử.

Bà Nga cũng chỉ rõ, nguyên nhân là do một số quy định của pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa theo kịp tình hình thực tiễn, chưa tương thích với pháp luật quốc tế và nhất là chưa đủ sức răn đe.

Ý thức chấp hành, việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền chưa nghiêm; hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em có lúc, có nơi bị bỏ lọt, bỏ qua, chậm bị xử lý, không đảm bảo bí mật thông tin vụ việc và nạn nhân, dẫn đến người dân chưa tin tưởng vào cơ quan pháp luật, từ đó không muốn tố giác, cộng tác với cơ quan chức năng.

Vẫn còn hiện tượng chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục, gia đình không thông tin, báo cáo đến cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là bạo lực trẻ em trong gia đình và xâm hại tình dục trẻ em mà tự tìm cách xử lý vụ việc hoặc xử lý nội bộ....

Vì vậy, bà Nga cho rằng: Để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em một cách hiệu quả, đòi hỏi nguy cơ xâm hại trẻ em phải được phát hiện và giải quyết kịp thời; trẻ em có nguy cơ hoặc thực tế đã bị xâm hại phải được hỗ trợ và bảo vệ; hành vi xâm hại trẻ em phải được xử lý nghiêm khắc.

Cùng với các hoạt động phối hợp mang tính lâu dài như hoàn thiện khung khổ pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam thì rất cần phải nhanh chóng phối hợp triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em…

Đại sứ Giorgio Aliberti khuyến nghị Việt Nam nên sửa đổi Bộ luật Hình sự để bảo đảm mọi hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, đều bị xử lý hình sự. Ngoài ra, cần sửa độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi để thúc đẩy bảo vệ trẻ em một cách đầy đủ.

Tán thành với Đại sứ Aliberti, bà Lesley Miller cho rằng, trong quá trình sửa đổi này, Bộ Tư pháp cần đóng vai trò tiên phong. Bà Miller cũng tán thành phải nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ trẻ em, đi cùng với đó là thay đổi các chuẩn mực xã hội lạc hậu, khuyến khích trẻ em thực hiện quyền của mình…

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/doi-hoi-phai-duoc-phat-hien-va-giai-quyet-kip-thoi-nguy-co-xam-hai-tre-em-214230.html