Đổi giờ làm có kết thúc ác mộng đưa con đi học của phụ huynh?

Buổi sáng là thời gian căng thẳng với nhiều bậc phụ huynh khi vừa phải đốc thúc con cái nhanh nhẹn hơn, vội vàng đưa chúng tới trường và sau đó chạy đến chỗ làm kịp giờ.

Câu chuyện đề xuất đổi giờ học, giờ làm phù hợp hơn ở các đô thị, theo đó có thể bắt đầu muộn hơn so với hiện tại, từ 8h30 khiến nghị trường Quốc hội sôi động vài ngày qua bởi rất nhiều ý kiến tranh luận.

Đề xuất này khiến nhiều chuyên gia, người lao động và cả các cơ quan quản lý băn khoăn.

Trao đổi với Zing.vn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhận định việc thay đổi này sẽ ảnh hưởng nhiều nhất tới là những người đã có gia đình.

"Hầu hết trường học đều bắt đầu lúc 7h, vậy sau khi đưa con đi học họ sẽ trống ra khoảng 1,5 giờ. Khoảng thời gian trống này lớn gây lãng phí nếu xét trên quỹ thời gian hạn hẹp của nhiều cán bộ, công chức", bà Tuyến chia sẻ.

Ngoài việc đốc thúc con cái thao tác nhanh nhẹn hơn, cha mẹ phải vội vàng đưa chúng tới trường học, nhà trẻ và sau đó cuống quít chạy tới công ty. Ảnh: Lê Quân.

Ngoài việc đốc thúc con cái thao tác nhanh nhẹn hơn, cha mẹ phải vội vàng đưa chúng tới trường học, nhà trẻ và sau đó cuống quít chạy tới công ty. Ảnh: Lê Quân.

Theo New York Times, dù là người đón bình minh sớm, không có gì xa lạ nếu những ông bố bà mẹ bật dậy vào buổi sáng và chợt lạnh người khi nghĩ về mớ hỗn độn đang chờ mình ở phía trước.

Ngoài việc đốc thúc con cái thao tác nhanh nhẹn hơn, bạn phải vội vàng đưa chúng tới trường học, nhà trẻ và sau đó cuống quít chạy tới công ty.

Theo giáo sư ĐH Harvard J. Stuart Ablon, người phụ trách chương trình Think: Kids của khoa tâm thần tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ), lý do buổi sáng trở nên căng thẳng là bởi nó vốn đã là một thảm họa.

“Đó là thời điểm chuyển giao mạnh mẽ, mất phương hướng và nhanh chóng nhất mà chúng ta phải trải qua: từ ngủ đến thức. Và thay vì có thể làm mọi thứ thật chậm trong vô thức, chúng ta phải cố tỉnh táo và thu xếp thật gọn gàng với những đứa trẻ ngang bướng của mình”, ông Ablon giải thích.

New York Times đã phỏng vấn 4 chuyên gia, từ nhà tâm lý học trẻ em đến chuyên gia cân bằng cuộc sống - công việc, để tìm kiếm những biện pháp giúp buổi sáng của bạn trở nên "dễ thở" hơn.

Không có gì xa lạ nếu những ông bố bà mẹ bật dậy vào buổi sáng và chợt lạnh người khi nghĩ về mớ hỗn độn đang chờ mình ở phía trước. Ảnh: Quỳnh Trang.

Giữ bình tĩnh và kiên định

Giữ bình tĩnh với con trẻ là một trong những nguyên tắc quan trọng để buổi sáng của bạn không trở thành mớ hỗn độn. Nếu chúng ta đủ tỉnh táo, con cái cũng có xu hướng hành động theo cách tương tự.

Eileen Kennedy-Moore, một nhà tâm lý học lâm sàng ở New Jersey, đồng thời là tác giả của Growing Friendships: A Kid’s Guide To Making And Keeping Friends, lưu ý rằng trẻ em có thể nhận ra sự lo lắng của bạn và phóng đại điều đó lên, đặc biệt trong những tình huống căng thẳng.

Còn trong những trường hợp đặc biệt và đột xuất, như bạn hoặc người thân đi du lịch, con có cuộc hẹn với bác sĩ vào buổi sáng... hãy chuẩn bị và thông báo trước cho các con.

Trẻ quấy vì muốn được ở bên bố mẹ nhiều hơn

Nếu con bạn không chịu đi giày, đó có thể là biểu hiện của chứng bệnh sợ hãi. Nhưng nếu điều này xảy ra thường xuyên, nhiều khả năng đứa trẻ đang gặp vấn đề ở trường học hoặc chỉ đơn giản muốn ở bên bố mẹ nhiều hơn.

Vì nhiều đứa trẻ vẫn cố gắng thu hút sự chú ý của người lớn, thậm chí bằng những cách tiêu cực như không chịu đánh răng, chuẩn bị sách vở, đi giày… vào mỗi buổi sáng.

Nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào các bậc phụ huynh có thể phân biệt được đâu là một biểu hiện của một chứng bệnh và đâu là dấu hiệu của một điều gì đó sâu xa hơn? Muốn có được đáp án, bạn phải quan sát và thường xuyên trò chuyện với con.

Heather Miller, giám đốc của công ty giáo dục LePage-Miller và tác giả của Prime Time Parenting, khuyên bạn nên sử dụng kinh nghiệm thời thơ ấu của chính mình để hiểu hơn các vấn đề của con cái.

“Khi tôi sống lại cảm xúc và sự thích thú của mình ở thời thơ ấu, tôi thấy rằng đứa trẻ chú ý mọi thứ. Và rồi tôi cứ thử im lặng và khi đó các con sẽ bắt đầu nói trước”, Miller nói.

Chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng kinh nghiệm thời thơ ấu của chính mình để hiểu hơn các vấn đề của con cái. Ảnh: Mirror.

Cha mẹ không thích bị ai áp đặt thì sao lại làm với con?

Hầu hết phụ huynh đều áp đặt những thói quen, sinh hoạt buổi sáng của họ lên con cái. Nhưng trẻ con cũng không khác gì chúng ta, chẳng ai muốn bị bắt làm điều gì đó mà không được hỏi ý kiến trước.

Vì vậy, thay vì áp đặt cứng nhắc, bố mẹ nên dành thời gian bình tĩnh nói chuyện với con cái để cùng nhau lên một thời gian biểu buổi sáng thỏa đáng.

Một buổi sáng cuối tuần lười biếng sẽ là thời gian tuyệt vời cho hoạt động này. Sau đó, vào ban đêm, bạn có thể nhắc nhở con về những điều đã thống nhất.

Nếu điều đó vẫn không hiệu quả, không sao, bạn có thể tiếp tục điều chỉnh. Hãy hỏi các con về những điều thích và không thích và tiếp tục thay đổi kế hoạch vào ngày tiếp theo.

Lập thời gian biểu theo sở thích của con

Khi đã thống nhất về thời gian biểu, hãy tạo một tờ lịch trình phù hợp với sở thích của con bạn. Trẻ nhỏ thường thích các hình ảnh minh họa kèm theo. Sau đó, dán tờ thời gian biểu này lên một vị trí có thể dễ dàng quan sát vào mỗi buổi sáng.

Một số chuyên gia đề xuất việc sử dụng đồng hồ bấm giờ, đặc biệt là những loại có hình dạng thu hút với trẻ con.

“Một số người có thể thêm âm nhạc vào. Các thí nghiệm Tâm lý học cho thấy âm thanh là tác nhân kích thích, thay đổi tâm trạng, vì vậy bạn cũng có thể sử dụng nó”, nhà tâm lý học Kennedy nói.

Một biện pháp khác là sử dụng các “ưu đãi”, như cho trẻ thêm một chút thời gian chuẩn bị hoặc để con chọn đài phát thanh trên xe hơi khi di chuyển…

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không có phương pháp nào phù hợp cho tất cả. Giáo sư Ablon kể một đứa trẻ từng bị lo lắng cực độ bởi đồng hồ bấm giờ. Cậu bé luôn sợ rằng mình không bao giờ có đủ thời gian mặc quần áo và sẽ bị bố mẹ bỏ lại vào buổi sáng.

Thay vì áp đặt cứng nhắc, bố mẹ nên dành thời gian bình tĩnh nói chuyện với con cái để cùng nhau lên một thời gian biểu buổi sáng thỏa đáng. Ảnh: legalissimo.

Bắt đầu buổi sáng vào đêm hôm trước

Theo các chuyên gia, sau khi trẻ ngủ và lúc bạn còn đủ tỉnh táo vào buổi tối là thời điểm để chuẩn bị càng nhiều càng tốt, từ bữa trưa cho con, ba lô, quần áo…

Nhiều người thậm chí cho con ngủ trong bộ trang phục của ngày mai để tiết kiệm thời gian vào buổi sáng. Đây không phải là ý tưởng quá tuyệt vời nhưng nó có thể loại bỏ một mối lo vào sáng hôm sau.

Sự chuẩn bị thứ hai, đơn giản hơn, đó là một giấc ngủ chất lượng. Nếu con bạn không ngủ đủ giấc, nhiều khả năng chúng sẽ không thể rời giường đúng giờ hoặc vẫn có thể thức dậy nhưng trong tâm trạng bực bội, càu nhàu.

Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo trẻ mẫu giáo nên ngủ 10-13 giờ/ngày, còn học sinh trung học, tiểu học là 9-12 giờ.

Không chỉ trẻ con, phụ huynh cũng cần ngủ đủ giấc. Các chuyên gia khuyến khích mọi người dậy sớm hơn một vài phút so với các con để chuẩn bị mọi thứ tốt hơn hoặc thậm chí tận hưởng sự yên tĩnh vào sáng sớm.

Huệ Lâm

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/doi-gio-lam-co-ket-thuc-ac-mong-dua-con-di-hoc-cua-phu-huynh-post1008634.html