Dời ga Nha Trang: Phải thông qua đấu thầu

Hai vấn đề cốt lõi khi dời ga Nha Trang ra ngoại thành là phải phù hợp với quy hoạch của tỉnh và phải qua đấu thầu.

Ngày 24-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho hay Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (gọi tắt là Tập đoàn Tuấn Dung, trụ sở tại Hà Nội) đã đăng ký làm việc với Sở liên quan đến việc dời ga Nha Trang ra ngoại thành.

Đề xuất dời ga lấy đất

Trước đó, Tập đoàn Tuấn Dung đã đề nghị bộ trưởng Bộ GTVT cho phép nghiên cứu, khảo sát đầu tư thực hiện dự án tuyến đường sắt tránh TP Nha Trang và nhà ga Nha Trang theo hình thức PPP thông qua hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Theo đó, doanh nghiệp này đề xuất tự bỏ vốn cải tạo, xây dựng ga Vĩnh Trung ở ngoại thành Nha Trang thành ga hỗn hợp khách hàng, khu tác nghiệp kỹ thuật; đồng thời xây dựng đường tránh ga Nha Trang. Đổi lại, Tập đoàn Tuấn Dung sẽ được hoàn vốn bằng quỹ đất ga Nha Trang hiện tại. Riêng nhà ga Nha Trang hiện nay được giữ lại làm bảo tàng đường sắt vì đây là công trình kiến trúc xây dựng từ thời Pháp, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa.

Tại buổi làm việc mới đây của Bộ GTVT với Tập đoàn Tuấn Dung, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất của tập đoàn này cần được nghiên cứu kỹ, đặc biệt về phương án tài chính cũng như phản ứng của dân cư, xã hội. Nhiều chuyên gia nhận định hiện tại năng lực vận tải nhà ga Nha Trang vẫn đảm bảo nhu cầu vận chuyển trên tuyến, không bị áp lực. Mặt khác, ga hành khách nên ở khu vực trung tâm TP, tạo thuận lợi cho hành khách đi tàu mới phát triển được vận tải đường sắt. Nếu dời toàn bộ ra ga Vĩnh Trung, cần có phương án giao thông kết nối từ nhà ga mới về khu vực trung tâm.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, việc tháo dỡ, đầu tư, cải tạo hạ tầng đường sắt quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Trước mắt, Bộ GTVT đồng ý để Tập đoàn Tuấn Dung lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để Bộ thẩm định, trình Chính phủ, thực hiện các bước theo quy định của pháp luật.

Ông Thể cũng yêu cầu doanh nghiệp nghiên cứu chi tiết hơn phương án tài chính, tính khả thi của dự án, xin ý kiến của tỉnh Khánh Hòa… “Đặc biệt xem xét toàn bộ quỹ đất ga Nha Trang sau khi di dời sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Có phù hợp với quy hoạch TP không? Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông bao gồm cả giao thông kết nối như thế nào?... Tất cả nội dung đó phải nghiên cứu kỹ” - Bộ trưởng Thể lưu ý.

Theo giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, việc dời ga Nha Trang ra ngoại thành đã có quy hoạch từ lâu. “Theo quy hoạch, ga Nha Trang sẽ chuyển ra Vĩnh Trung. Tỉnh đã đề nghị Bộ GTVT sớm di dời. Vấn đề là nguồn lực để thực hiện vì kinh phí dự kiến 15.000-20.000 tỉ đồng. Có lẽ phải triển khai từng bước. Hiện nay, doanh nghiệp đó đề xuất như thế nào tỉnh vẫn chưa biết” - ông Dần nói.

Theo đề xuất, ga Nha Trang hiện nay sẽ được dời ra khỏi nội thành. Ảnh: TẤN LỘC

Theo đề xuất, ga Nha Trang hiện nay sẽ được dời ra khỏi nội thành. Ảnh: TẤN LỘC

Cần giữ lại kiến trúc nhà ga

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho hay đến nay Bộ GTVT chưa có ý kiến gì liên quan đến việc dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành. “Theo quy hoạch, giai đoạn đầu sẽ dời ga hàng hóa trước, giai đoạn sau thì mới dời ga hành khách. Tuy nhiên, chưa thấy xúc tiến gì” - ông Vinh nói.

Theo lãnh đạo phòng Kết cấu hạ tầng (Cục Đường sắt Việt Nam), đề xuất của Tập đoàn Tuấn Dung chỉ mới là ý tưởng ban đầu của doanh nghiệp này. Để tiến hành, doanh nghiệp phải thực hiện quá trình nghiên cứu và được Thủ tướng chấp thuận, sau đó phải đấu thầu…

“Các dự án này không có chuyện chỉ định thầu. Nếu đơn vị nghiên cứu dự án không trúng thầu sẽ được doanh nghiệp trúng thầu hoàn tiền. Trường hợp nếu không được phê duyệt dự án, doanh nghiệp phải chấp nhận mất tiền. Còn hiện nay họ mới đề xuất thì Bộ GTVT không có lý do gì từ chối và chưa đòi hỏi về năng lực” - vị này khẳng định.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng quỹ đất ga Nha Trang do Bộ GTVT quản lý nhưng phải nằm trong quy hoạch của TP Nha Trang.

“Hai vấn đề cốt lõi khi dời ga Nha Trang ra ngoại thành là phải phù hợp với quy hoạch của tỉnh và phải đấu thầu. Quan điểm của tỉnh là phải giữ lại kiến trúc nhà ga hiện tại. Mặt khác, hình ảnh ga Nha Trang cũng phải được gắn với di tích lịch sử. Theo quy định hiện nay, tất cả việc như dời ga, xây dựng công trình đường sắt đến ga mới, làm nhà ga mới, sử dụng quỹ đất còn lại của nhà ga cũ đều phải đấu thầu hết” - ông Tuân nói.

Về phía doanh nghiệp đề xuất đầu tư, PV đã nhiều lần liên hệ bằng điện thoại (số điện thoại doanh nghiệp này đăng ký) tới văn phòng của Tập đoàn Tuấn Dung để có thông tin nhiều chiều tới bạn đọc, tuy nhiên không nhận được phản hồi nào.

Lãnh đạo phòng Kết cấu hạ tầng (Cục đường sắt Việt Nam)cho biết: Theo quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc-Nam được Bộ GTVT phê duyệt năm 2015, ga Nha Trang sẽ được cải tạo, xây dựng thành ga khách với diện tích 4,8 ha. Cùng đó, làm cầu quay đầu máy mới để bỏ đường vòng như hiện nay; đồng thời xây dựng ga hàng hóa Vĩnh Trung để thay thế ga hàng hóa Nha Trang. Quỹ đất còn lại của ga Nha Trang là 10 ha.

“Nắm bắt được quy hoạch này, Tập đoàn Tuấn Dung có văn bản gửi bộ trưởng Bộ GTVT đề xuất được bỏ tiền ra để nghiên cứu. Quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ nhưng phải phù hợp với quy hoạch và tuân thủ quy định của pháp luật…” - lãnh đạo phòng Kết cấu hạ tầng thông tin.

TẤN LỘC- VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/doi-ga-nha-trang-phai-thong-qua-dau-thau-830037.html