Đòi đồng minh tăng mua khí đốt, Mỹ triệt hạ Nord Stream-2?

Mỹ thúc đẩy đồng minh tăng mua khí đốt của Mỹ để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh Nord Stream-2 được bảo vệ.

Mới đây, hai nghị sĩ Mỹ Carol Miller và David McKinley đã soạn thảo dự luật kêu gọi Mỹ tăng cường lượng cung cấp khí đốt sang Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh NATO nhằm giúp họ giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Nga.

Mỹ muốn ép đồng minh phải mua LNG của Mỹ?

Mỹ muốn ép đồng minh phải mua LNG của Mỹ?

Dự luật nêu rõ, việc Mỹ tăng xuất khẩu khí đốt sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho các đối tác của Mỹ.

"Dự luật 'Hợp tác về an ninh năng lượng với các đối tác châu Âu' (ESCAPE) muốn nói đến chiến lược năng lượng toàn diện xuyên Đại Tây Dương do Chính phủ Mỹ xây dựng, nhằm tăng xuất khẩu của Mỹ và giúp các nước đồng minh trong NATO đảm bảo an ninh năng lượng thông qua các nguồn năng lượng của Mỹ" - chú giải của dự luật cho biết.

Sáng kiến này cũng đề xuất buộc Bộ trưởng Năng lượng Mỹ đẩy nhanh quá trình phê duyệt đơn xin xuất khẩu khí đốt tự nhiên cho tất cả các đối tác trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương, Nhật Bản và các quốc gia khác, những nước mà "an ninh quốc gia có ý nghĩa quan trọng hàng đầu".

Ngoài ra, các tác giả của dự luật cáo buộc Nga sử dụng nguồn nhiên liệu làm vũ khí địa chính trị để "đe dọa" các đồng minh của Mỹ. Do đó Mỹ nên giúp đỡ để giảm thiểu "ảnh hưởng" về kinh tế và chính trị của Moscow, các chính trị gia nhận định.

“An ninh năng lượng - đó chính là an ninh quốc gia. Mở rộng xuất khẩu năng lượng của Mỹ sẽ giúp đảm bảo an ninh cho châu Âu nhiều hơn” - bà Carol Miller tuyên bố.

Tham vọng xuất khẩu được nhiều khí đốt hơn cho châu Âu đã là một trong những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Không thể xuất khẩu khí đốt sang châu Âu bằng đường ống như Nga, Mỹ đã tìm cách để khiến dự án dẫn khí chạy dưới biển Baltic là Nord Stream-2 phải bị dừng lại.

Mặt khác, Mỹ thúc đẩy việc trừng phạt Nord Stream-2, trao đổi với châu Âu bằng việc EU đã mua quá ít năng lượng của Mỹ. Trong các cuộc thảo luận xung quanh việc trừng phạt Nord Stream-2, EU đã phải "hạ nhiệt" bằng cách đồng ý mua thêm LNG của Mỹ. Đức cũng đã chấp thuận việc lắp đặt thêm các thiết bị đầu cuối đón nhận LNG của Mỹ song đến nay chưa rõ thông tin về số lượng nhập LNG của Mỹ ở Đức.

Berlin vẫn muốn ủng hộ dự án khí đốt với Nga thông qua Nord Stream-2, dẫn khí trực tiếp từ Nga đến Đức, vốn rẻ và ổn định. Ngay cả cạnh tranh bằng LNG thì LNG của Mỹ vừa đắt lại tốn kém vận chuyển hơn là sản phẩm tương tự của Nga.

Rõ ràng là Moscow sẽ trở thành nhà thầu chính về mặt năng lượng cho các nước châu Âu đồng minh Mỹ và Washington buộc phải tính đến sự phụ thuộc năng lượng tác động mạnh mẽ đến các vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, an ninh...

Cùng với mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga, Mỹ cũng kỳ vọng có thể bán thêm hàng cho đồng minh châu Âu kể từ khi thúc đẩy ngành năng lượng đạt đỉnh vào năm 2018, 2019.

Theo số liệu thống kê, năm 2019, xuất khẩu ròng khí đốt tự nhiên Mỹ đạt 54,7 tỷ m3, tăng 20,7 tỷ m3 so với năm 2018. Với thành công này, từ đầu năm, Mỹ có kế hoạch đầy tham vọng là đạt mức khai thác 67,2 tỷ m3 trong năm 2020 và 79,5 tỷ vào năm 2021. Tuy nhiên, những kỳ vọng được Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) công bố hồi tháng 1/2020 có lẽ sẽ khó thành hiện thực.

Hãng tin Sputnik của Nga đánh giá, nguồn cung tăng trong bối cảnh mùa Đông có nền nhiệt cao và nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm vì ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại đề phòng đại dịch COVID-19 đã khiến thị trường khí đốt châu Âu và châu Á chững lại. Giá trung bình tại điểm trung chuyển TTF châu Âu trong 4 tháng đầu năm giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2019, và các đơn hàng có yêu cầu giao ngay tại Nhật Bản giảm 44%.

Ngay trong tháng 4 vừa qua, việc xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu đã bị đình trệ, nhiều công ty lớn của châu Âu và châu Á cũng đã hủy hợp đồng cho tháng 6-7/2020.

Theo Bloomberg, nguồn hàng từ các nhà máy LNG của Mỹ trong tháng 4 đã giảm gần 30%. Đến tháng 5/2020, xuất khẩu giảm hơn 1/3. Khách hàng châu Âu và châu Á đã hủy mua 110 lô hàng LNG, cụ thể là 70 lô bị hủy vào tháng 6-7/2020 và 40 lô trong tháng 8/2020. Nguồn cung cấp khí đốt tới các cảng biển Mỹ giảm hơn một nửa từ cuối tháng 3, từ mức kỷ lục 277 triệu m3 mỗi ngày trước đó.

Khách hàng nước ngoài tiếp tục từ chối mua khí đốt của Mỹ ít nhất cho đến cuối mùa Hè này. Có tới 6 nhà máy LNG Mỹ từng hoạt động hết công suất trong 4 tháng đầu năm đã phải giảm còn 65% công suất trong tháng 5/2020. Theo khảo sát của Platts Analytics hồi tháng 6 vừa qua, sang tháng 7 này, công suất dự kiến sẽ chỉ còn 50% hoặc thậm chí ít hơn.

Tình hình như vậy càng thúc đẩy Mỹ tìm kiếm các cơ hội kinh doanh ở thị trường lục địa già duy trì cuộc chiến đối đầu Mỹ-Trung. Trong thời gian tới, Mỹ có lẽ sẽ tích cực gây sức ép nhằm vào dự án Nord Stream-2.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/doi-dong-minh-tang-mua-khi-dot-my-triet-ha-nord-stream-2-3415338/