Đổi đời nhờ phong trào nuôi dê của nữ bộ đội biên phòng

Xuất phát từ mô hình 'Nuôi dê gây quỹ' của Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã vươn lên thoát nghèo, đời sống ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ biên giới ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Trao tặng dê giống cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Hồng Thủy, huyện A Lưới.

Mô hình “Nuôi dê gây quỹ” là tâm huyết của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh tại Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế. Từ nguồn vốn hàng năm thu được từ mô hình “Heo đất tiết kiệm”, Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh đã mua dê giống về nuôi và phối hợp với Đồn Biên phòng A Đớt để cùng phát triển số lượng của đàn dê. Với số vốn ban đầu mua được 9 con, đến nay đàn dê của Hội đã phát triển lên đến 20 con. Sau khi dê phát triển và sinh sản, Hội sử dụng dê con để hỗ trợ cho một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và phục vụ các phong trào hoạt động khác của Hội.

Có mặt tại xã Hồng Thủy, một xã biên giới đặc biệt khó khăn thuộc huyện A Lưới, nơi thí điểm của mô hình “Nuôi dê gây quỹ”, chúng tôi được chị Hồ Thị Lang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã dẫn đến thăm gia đình chị Hồ Thị Miên, tại thôn 7, xã Hồng Thủy, một trong những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh hỗ trợ dê giống và hướng dẫn kĩ thuật trồng trọt chăn nuôi nên kinh tế gia đình chị Miên đã khá hơn trước, nhà cửa khang trang và đặc biệt là đàn dê của nhà chị hiện đã phát triển lên đến hơn 10 con.

“Trước đây gia đình mình gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, mặc dù đất đai nhiều nhưng không có vốn để chăn nuôi, trồng trọt nên kinh tế khó khăn, mình phải làm lụng vất vả để kiếm ăn qua từng ngày. Từ khi được hỗ trợ dê giống và được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cuộc sống của gia đình mình đã khấm khá hơn trước, có của ăn của để”, chị Miên tâm sự.

Không chỉ có gia đình chị Hồ Thị Miên mà đến nay nhiều hộ gia đình khác thuộc xã Hồng Thủy có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ trong mô hình dê giống thì kinh tế gia đình đã ổn hơn trước, không còn phải lo từng miếng ăn cho qua ngày nữa.

Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới chia sẻ: “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, góp phần giúp hội viên phụ nữ có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống và xóa đói giảm nghèo. Những năm qua Hội Phụ nữ BĐBP Thừa Thiên Huế đã duy trì các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cũng như phát triển và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế với nhiều cách làm thiết thực đã và đang giúp các hộ gia đình phụ nữ có hoàn cảnh trên biên giới xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ đã có cuộc sống tốt hơn”.

Những kết quả từ mô hình dê giống của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh mang lại đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho một số hộ gia đình phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn xã Hồng Thủy và hiện nay mô hình này đang có xu hướng mở rộng, phát triển.

Đại úy Trần Thị Nam Phương-Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh cho biết: “Đây là mô hình, việc làm thiết thực và có ý nghĩa. Tuy nhiên, để mô hình được nhân rộng và phát triển bền vững đang là một bài toán khó, bởi địa bàn hai tuyến biên giới tỉnh nhà có rất nhiều gia đình chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đang huy động mọi nguồn lực để nhân rộng và phát triển mô hình để đời sống của hội viên Hội Phụ nữ nói riêng và nhân dân trên biên giới nói chung ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực cùng với lực lượng BĐBP chung tay xây dựng và bảo vệ biên giới tỉnh nhà ngày càng ấm no, giàu đẹp”.

Quốc Trực

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/v%C3%AC-bien-gioi-bien-dao-que-huong/doi-doi-nho-phong-trao-nuoi-de-cua-nu-bo-doi-bien-phong-387582.html