Đôi điều đọng lại sau một kỳ thi lớn

Là một giáo viên tham gia trực tiếp công việc này tại một điểm thi, thuộc Hội đồng coi thi tỉnh Quảng Ngãi, tôi nhận thấy kỳ thi tổ chức ngay tại địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh (TS).

Nhất là TS ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, tiết kiệm được một nguồn kinh phí không nhỏ cho nhà nước; phụ huynh và TS bớt lo âu, giảm gánh nặng về chi phí đi lại, ăn ở so với các năm trước.

Lần đầu tiên, các Sở Giáo dục và Đào (GD-ĐT) chủ trì, chịu trách nhiệm chính về kỳ thi quan trọng này đã phát huy tốt hiệu quả. Sự phối hợp giữa các giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT diễn ra suôn sẻ, khá tốt, những sai sót, nhầm lẫn trong quá trình coi thi được giảm thiểu đáng kể (cả nước chỉ có 2 cán bộ coi thi bị nhắc nhở vì vi phạm quy chế thi).

Cách thay đổi hình thức thi, 4 môn, bài thi trắc nghiệm khách quan, mỗi TS trong phòng thi là một mã đề thi riêng, phần lớn các câu hỏi khác nhau đã hạn chế rõ rệt tình trạng quay cóp, gian lận, tiêu cực; thái độ, ý thức làm bài của TS rất nghiêm túc, tập trung, cán bộ coi thi cũng đỡ vất vả, căng thẳng (cả đợt chỉ có 72 TS bị đình chỉ).

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi. Ảnh: Hoàng Triều

Hầu hết TS đều làm được bài, ra khỏi phòng thi rất phấn khởi và tin tưởng. Nhiều giáo viên dự đoán kết quả điểm thi các môn thi, bài thi tổ hợp năm nay sẽ cao hơn năm ngoái.

Bên cạnh nhiều mặt tốt đẹp, tích cực ấy, kỳ thi THPT quốc gia lần này vẫn còn một điểm hạn chế, tồn tại khiến thầy cô giáo, phụ huynh, TS và dư luận xã hội băn khoăn, lo lắng.

Một kỳ thi lớn như kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD- ĐT, các Sở GD -ĐT lại không thống nhất, đồng bộ được loại biên bản, biểu mẫu, báo cáo…. để các điểm thi, cán bộ làm nhiệm vụ thi đành phải "tự chế" ra nhiều loại khác nhau vừa mất thời gian vừa khó khăn cho việc xử lý thông tin.

Hai bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội với 3 môn thi thành phần (ở từng bài) được dồn trong mỗi buổi thi, thời gian làm bài và thời gian giao nhau (10 phút) giữa môn trước và môn sau tổng cộng lên đến 180 phút là chưa phù hợp về mọi phương tiện, gây nhiều áp lực, căng thẳng cho TS. Cách thiết kế phiếu trả lời trắc nghiệm cho bài thi tổ hợp có gọn (3 trong 1) song lại hạn chế ở khâu chống tình trạng nhiều TS "ăn gian" giờ làm bài.

7 mã đề thi môn vật lý có thêm bảng đính chính (do một lỗi nhầm lẫn ban đầu của tổ ra đề thi) tuy kịp thời xử lý, chỉ dẫn cụ thể đến TS nhưng ít, nhiều gây tâm lý lo lắng cho các em có các mã đề thi đó và dư luận xã hội cảm thấy khâu ra đề thi nói chung và đề thi môn vật lý chưa thật suôn sẻ, trọn vẹn.

Ngoài ra, băn khoăn nhất là mức độ đề của các mã đề thi ở những môn thi, bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan chưa thật tương đồng, khó, dễ khác nhau, khiến TS thiệt thòi.

Rất mong Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe những tâm tư, ý kiến xác đáng từ dưới cơ sở, đặc biệt là các cán bộ, thầy cô giáo THPT đang quản lý, dạy học và làm công tác coi thi, chấm thi THPT quốc gia năm nay để có những thay đổi, điều chỉnh đúng đắn, phù hợp nhất cho những năm tiếp theo.

ĐỖ TẤN NGỌC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/doi-dieu-dong-lai-sau-mot-ky-thi-lon-20170627172620433.htm