Đôi điều cần biết về lễ phục trong hoạt động đối ngoại

Quốc tế không có quy định về lễ phục mặc trong hoat động đối ngoại, tuy nhiên có một số đôi điều về lễ phục trong hoạt động đối ngoại như sau.

Đôi điều cần biết về lễ phục trong hoạt động đối ngoại

Đôi điều cần biết về lễ phục trong hoạt động đối ngoại

Trước đây, một số nước có quy định về đồng phục ngoại giao và lễ phục dùng trong hoạt động đối ngoại. Đồng phục ngoại giao của Pháp trước đây quy định rất chi tiết: áo, quần, gile, sơ mi, cổ áo, caravat, mũ, găng tay, giày, huân chương, áo khoác… có sự phân biệt giữa đại lễ và tiểu lễ, xứ lạnh và xứ nóng, thời gian từ 9-19h và sau 19h hàng ngày.

Đồng phục ngoại giao của Đại sứ và Công sứ Liên Xô trước đây có chi tiết trang trí ở cổ áo và cổ tay áo, màu đen nếu ở xứ lạnh và màu trắng nếu ở xứ nóng.

Xu hướng đơn giản trong lễ tân ngoại giao cũng thể hiện cả trong vấn đề trang phục. Từ sau Thế chiến II, tập quán mặc đồng phục ngoại giao được giảm đi rất nhiều. Những nước mới thành lập không đề ra đồng phục ngoại giao và xu hướng mặc thường phục trong mọi trường hợp ngày càng phổ biến.

Hiện nay, trong các nghi lễ quốc gia trừ một số rất ít lễ tiết người ta có quy định về lễ phục nhất là ở những nước theo chế độ quân chủ, còn ngoài ra tập quán cho phép ăn mặc tương đối thoải mái, không quá câu nệ về màu sắc, không nhất thiết trong mọi hoạt động áo và quần phải đồng màu. Một vài trường hợp trước đây đòi hỏi màu đen thì nay cũng có thể thay bằng màu sẫm, kể cả trong lễ tang.

Âu phục ngày càng phổ biến, nhiều nước châu Á, châu Phi cũng coi âu phục là trang phục thích hợp trong nhiều hoạt động. Ví dụ như nội các Nhật Bản sau khi thành lập xong đến trình diện Nhật Hoàng đều mặc lễ phục kiểu châu Âu và bản thân Nhật hoàng cũng mặc lễ phục châu Âu trong buổi lễ đó.

Trang phục trong các hoạt động đối ngoại, xu hướng chung cũng đơn giản hóa, không quá câu nệ. người ta khuyến khích dùng trang phục dân tộc. Ngay cả những nước theo chế độ quân chủ, bản thân chủ cũng không dùng triều phục khi tiếp khách.

Nhật Hoàng, Vua Thái Lan tiếp khách quốc tế đều mặc âu phục trong khi có triều phục. Mặc dù xu hướng chung là ngày càng đơn giản nhưng cũng có nước trong những lễ tiết đặc biệt vẫn quy định về lễ phục bắt buộc mà những người tham dự kể cả khách quốc tế đều cần tuân thủ.

Nhật Bản quy định khách tham dự quốc yến và Đại sứ khi trình Quốc thư dùng trang phục Black-tie. Lễ đăng quang của Nhật Hoàng Akihito với sự tham dự của hơn 150 đại diện các nước, trong đó có hơn 50 nguyên thủ quốc gia quy định khách mặc lễ phục White-tie khi dự lễ lên ngôi và lễ phục Black-tie khi dự quốc yến. Một số nước quy định Đại sứ đến trình thư ủy nhiệm nếu không mặc lễ phục dân tộc thì phải mặc trang phục áo đuôi tôm.

Khi tổ chức các lễ tiết có yêu cầu về trang phục đối với những người tham dự, giấy mời cần ghi rõ. Còn khách được mời cũng không nên bỏ qua yêu cầu về trang phục đã ghi trong giấy mời.

Người làm công tác đối ngoại cần có sự hiểu biết nhất định về trang phục áp dụng trong hoạt động lễ tiết quan trọng.

Đã có trường hợp một đại diện ngoại giao nhận được giấy mời dự một hoạt động lễ tiết trọng thể, trên giấy ghi yêu cầu về trang phục là black-tie nên đã thắt caravat đen đến dự, nhưng tới nơi thì thấy tất cả chủ và khách đều mặc loại quần áo màu đen, ve áo bằng satin, quần có sọc satin kẻ dọc, nơ hình bướm màu đen, không một ai đeo caravat đen cả.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doi-dieu-can-biet-ve-le-phuc-trong-hoat-dong-doi-ngoai-126434.html