Đôi điều bàn thêm về bộ sách Ngữ văn địa phương Quảng Ninh

Bộ sách Ngữ văn địa phương Quảng Ninh do NXB Giáo dục Việt Nam và NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành là tài liệu bổ ích để giáo viên cung cấp cho học sinh cái nhìn ban đầu, khái quát về văn học tỉnh nhà. Đây còn là công cụ giúp đưa văn học Quảng Ninh đến gần với bạn đọc nhỏ tuổi, giúp bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, làm phong phú đời sống tinh thần của học sinh.

Phần ca dao, dân ca được đưa vào tương đối nhiều trong sách Ngữ văn địa phương Quảng Ninh. (Trong ảnh: Nghệ nhân hát đúm giới thiệu cái hay, cái đẹp của những câu ca cho học sinh Trường THCS Liên Vị, TX Quảng Yên)

Chương trình ngữ văn địa phương Quảng Ninh được giới thiệu trong hệ THCS với 2 tập. Tập một dành cho học sinh các khối 6 và 7; tập 2 dành cho khối 8 và 9. Sách giới thiệu những bài thơ viết về Quảng Ninh như: “Vân Đồn” của Nguyễn Trãi, “Ngự chế Thiên Nam động chủ đề” của Lê Thánh Tông, “Cành phong lan bể” của Chế Lan Viên, “Chào Hạ Long” của Xuân Diệu, “Thăm Vịnh Hạ Long” của Sóng Hồng, “Bình Ngọc" của Thái Giang, “Tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô" của Trần Anh Trang, "Thím Hai Vui", "Bá Kim" của Trần Nhuận Minh, "Lời của than" của Trần Đăng Khoa... Thơ dịch có 2 bài: "Vịnh Hạ Long” của Tiêu Tam, do Hoàng Trung Thông dịch và “Núi Bài Thơ” của Ép-ghe-ni Đô-ma-tốp-xki, do Thúy Toàn dịch.

Phần văn xuôi trích đoạn tiểu thuyết "Vùng mỏ" của nhà văn Võ Huy Tâm; “Sáng, chị phu mỏ” của Nguyễn Công Hoan; trích truyện ngắn “Bến trăng” của nhà văn Sỹ Hồng; trích truyện ngắn “Ký ức người cha” của Tô Ngọc Hiến; truyện ngắn "Thương cánh hoa sim" của Phan Thanh; một số bức thư của học sinh THCS ở TP Hạ Long.

Về văn học dân gian có hàng chục bài ca dao, nhiều câu tục ngữ, thành ngữ được giới thiệu ở phần ngữ liệu để học sinh tham khảo. Bên cạnh đó còn có truyện dân gian “Sự tích Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long” và “Sự tích đảo Trà Cổ” do Tống Khắc Hài sưu tầm.

Di chỉ bài thơ của vua Lê Thánh Tông hiện đã rất mờ, nhiều chữ đã hỏng, vì vậy theo nhà văn Lê Toán, người soạn sách cần lấy dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm thay vì dẫn theo bản dịch lại của một tác giả không biết Hán Nôm.

Theo đánh giá, cơ bản bộ sách đã đáp ứng được mục đích đề ra là liên hệ chặt chẽ những kiến thức đã học được với những hiểu biết về quê hương và văn học, văn hóa quê hương. Khai thác bổ sung và phát huy vốn hiểu biết về văn học địa phương, làm phong phúc và sáng tỏ thêm cho chương trình chính khóa. Gắn kết những kiến thức học sinh đã học được trong nhà trường với những vấn đề đang đặt ra cho toàn bộ cộng đồng (dân tộc và nhân loại) cũng như cho mỗi địa phương nơi các em đang sinh sống. Từ đó giúp học sinh hiểu biết và hòa nhập hơn với môi trường mà mình đang sống, có ý thức tìm hiểu, góp phần giữ gìn và bảo vệ các giá trị văn hóa (tinh thần, vật chất) của quê hương. Cũng từ đó giáo dục lòng tự hào về quê hương, xứ sở của mình.

Tuy nhiên, bộ sách này vẫn có những điểm cần chỉnh lý, sửa chữa khi tái bản. Sách có những đoạn văn giới thiệu về các di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh nhà, nhưng đáng tiếc, các tác giả lại lấy dữ liệu từ nguồn Internet, thiếu kiểm chứng và văn phong không trau chuốt.

Nhà văn Lê Toán, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh, bày tỏ: Sách Ngữ văn nếu muốn đưa bài thơ chữ Hán khắc trên núi của vua Lê Thánh Tông thì phải lấy tư liệu của nơi đáng tin cậy là Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Thêm nữa, văn chương là câu chuyện của tác giả, tác phẩm. Mỗi tác phẩm đều mang dấu ấn cá nhân. Vì thế, sách lấy những đoạn ở trên báo mạng, không ghi tên tác giả để đem dạy cho học sinh là chưa phù hợp và thiếu cẩn trọng.

Tương tự, bài khái quát văn học Quảng Ninh ở sách Ngữ văn địa phương cho rằng, đây là “một vùng văn học mang tiếng nói nghệ thuật đặc trưng”. Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, sách cần phải bổ sung làm cho học sinh thấy được văn học Quảng Ninh có những đặc trưng gì khác với nơi khác; còn cần phải diễn giải cụ thể những đặc trưng đó ra. Thêm nữa, những gương mặt tiêu biểu của Quảng Ninh được Giải thưởng Nhà nước về VHNT cần được tôn vinh, ghi rõ trong tiểu sử... Hy vọng trong lần tái bản sau, bộ sách sẽ được chỉnh lý, sửa chữa để nâng cao hơn về chất lượng, góp phần giúp học sinh hứng thú hơn khi học.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201910/doi-dieu-ban-them-ve-bo-sach-ngu-van-dia-phuong-quang-ninh-2458820/