Đối diện với ngoại tình: Người trong cuộc xem lại chính mình

Sự du nhập lối sống phương Tây nhưng là những biểu hiện tự do thái quá là một trong những nguyên nhân dẫn tới ngoại tình.

Khác với khi yêu, cuộc sống sau khi kết hôn không còn là bức tranh màu hồng. Có cặp gia đình bằng lòng với thực tại, nhẫn nhịn duy trì mối quan hệ nhưng cũng có cặp đôi họ không tìm thấy được sự đồng điệu trong tâm hồn, chỉ cần một tác nhân bên ngoài cũng khiến họ rung động, sa ngã và bỏ mặc cuộc hôn nhân.

Thậm chí, có người chọn lựa cách công khai công bố cho mọi người biết cuộc hôn nhân thê thảm của mình thay vì âm thầm chịu đựng để hàn gắn cuộc hôn nhân. Tuy nhiên, dù lựa chọn như thế, trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc ngoại tình cũng chịu nhiều tai tiếng. Trò chuyện với PV, Tiến sĩ Tâm lý học - Vũ Thị Minh đã có những quan điểm, ý kiến riêng về vấn đề này.

Ngoại tình do không ghìm cương ham muốn

PV: Hiện tượng ngoại tình trong đời sống hiện đại đang được ghi nhận ngày càng phổ biến. Dù hiện tượng này vẫn phải chịu nhiều điều tiếng, lựa chọn vẫn chỉ là công khai hay không công khai. Theo bà đâu là nguyên nhân chính của hiện tượng này? Phải chăng đời sống hiện đại với quan điểm thoáng, ảnh hưởng nặng nề bởi cách suy nghĩ và lối sống phương Tây?.

Tiến sĩ Tâm lý Vũ Thị Minh: - Ngoại tình là hiện tượng xuất hiện từ lâu chứ không phải bây giờ mới có. Trước kia, giá trị gia đình được trân trọng nên có thể tỷ lệ ngoại tình thấp. Quan trọng hơn, rào cản tâm lý, xã hội, áp lực từ gia đình, họ hàng khiến những người ngoại tình không muốn phơi bày ra vì sợ ảnh hưởng tới người vợ, người chồng, bố mẹ, con cái.

Thậm chí, khi sự việc bị bại lộ, họ cũng chọn cách bảo vệ vợ/chồng của mình chứ không như bây giờ chồng sẵn sàng đứng ra bảo vệ người thứ ba.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngoại tình. Nguyên nhân chủ quan là bản thân người ngoại tình xem nhẹ gia đình và không kiềm chế được bản thân trước những cám dỗ bên ngoài. Họ cũng không nhận thức được hậu quả của việc ngoại tình.

Về mặt khác quan, đầu tiên phải kể đến là sự phát triển về kinh tế thị trường. Khi kinh tế thị trường phát triển, cơ hội để con người phát triển, giao thương gặp gỡ nhau cũng sẽ nhiều hơn, khác với môi trường làng xã tương đối khép kín. Sự mở rộng mối giao lưu, gặp gỡ khiến những tình cảm ngoài luồng dễ nảy sinh.

Thứ hai là do quan niệm của xã hội cũng đã có phần đổi khác. Sự khắt khe của những người xung quanh với hành vi này đang giảm đi. Trước đây, nếu ai đó ngoại tình sẽ bị đối xử nặng nề, bị làng xóm bêu riếu, cho rằng người ngoại tình là thất đức, mất nết và bị xem thường, thậm chí, ‘gọt đầu bôi vôi’. Hiện nay, xuất hiện một bộ phận không nhỏ không những không bài bác mà còn ủng hộ hành vi này. Điều gì càng ít lên án thì nó sẽ dễ bùng phát.

Sự ủng hộ ngầm cho ngoại tình thể hiện ngay ở các “tiện ích’ phục vụ hành vi này. Khách sạn mọc lên như nấm, người kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, nhà nghỉ còn có những biện pháp giúp che giấu thân phận cho người ngoại tình. Trong khi đó, chế tài xử phạt người ngoại tình quá thấp. Nếu pháp luật xử phạt nặng người ngoại tình từ 50-70 triệu đồng hay vài trăm triệu đồng thì những người ngoại tình mới thực sự sợ.

Quan trọng hơn cả, sự du nhập lối sống phương Tây nhưng là những biểu hiện tự do thái quá, khác biệt hẳn với truyền thống phương Đông đang ngày càng biểu hiện rõ ràng. Ở đây là sự thả lỏng cho những ham muốn xác thịt, vật chất, không chấp nhận bất cứ mối ràng buộc đạo đức nào.

Thật ra, người dân phương Tây vẫn tôn vinh lòng chung thủy và sự tử tế, sự chính trực liêm chính trong hôn nhân. Họ cũng lên án chuyện ngoại tình, xem đó là hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức.

Tiến sĩ Tâm lý học - Vũ Thị Minh

Tiến sĩ Tâm lý học - Vũ Thị Minh

PV: Trên thực tế, lựa chọn của rất nhiều người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh đó cũng rất khác nhau. Trong khi một bộ phận “ngậm bồ hòn làm ngọt", khuất mắt trông coi", một số lại quyết làm "ra môn ra khoai" để rồi lại chấp nhận tiếp tục cuộc hôn nhân với không ít bẽ bàng. Có lời khuyên nào trong trường hợp này? Và đây có phải là một biểu hiện chứng tỏ 'chuẩn mực xã hội' thật ra đã thay đổi?

Tiến sĩ tâm lý Vũ Thị Minh: - Nếu người trong cuộc làm lớn chuyện và khiến đối phương thay đổi, bản thân người đó chấp nhận được búa rìu của dư luận thì cứ làm. Còn trong trường hợp lựa chọn cách im lặng, cho bạn đời một cơ hội để quay về để thấy rằng mình rộng lượng hơn, điều đó làm mình hạnh phúc hơn thì hãy chọn cách im lặng.
Việc làm ầm ĩ mọi chuyện với việc nói ra sự việc là hai câu chuyện khác nhau.

Theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng việc hôn nhân là việc cá nhân nên bêu riếu sự việc lên mạng xã hội là không phù hợp và là hành vi bôi xấu danh dự phẩm hạnh của người khác. Nếu cần giải tỏa, người đó hay nói chuyện với người có chuyên môn, họ sẽ hỗ trợ để giải quyết những vấn đề đang gặp.

Trong mỗi cuộc hôn nhân, luôn xuất hiện những vấn đề như xung đột, mâu thuẫn, bạo lực, ngoại tình, không hòa hợp tình dục... Quan trọng là ở mức độ, tần số, cách giải quyết của mỗi cuộc hôn nhân sẽ như thế nào? Họ sẽ lựa chọn giải pháp để giữ thứ gì là quan trọng đối với họ.

Từ xưa tới nay mọi người vẫn lên án chuyện ngoại tình bởi ngoại tình làm cho gia đình tan nát. Các cách giải quyết của người trong cuộc khi rời vào hoàn cảnh đó không hẳn là biểu hiện chứng tỏ chuẩn mực xã hội đã thay đổi mà gọi là giá trị mới hình thành. Điều đó để cảnh báo cho đối phương biết và xem lại mình và bản thân người bị “cắm sừng” cũng nên xem lại chính mình nếu muốn vun vén cho cuộc hôn nhân đó.
Cần sự thấu hiểu và tự hoàn thiện

PV: Nếu dựa trên những câu tục ngữ, ngạn ngữ được ghi lại, điển như "cá vào ao nhà ai nhà ấy được", có thể đoán định, những mối quan hệ ngoài luồng vẫn tồn tại ngay cả trong xã hội phong kiến, chủ yếu trong đời sống dân gian. Thưa bà, tại sao điều đó không gây nên những xáo trộn lớn trong xã hội như hiện nay? Có lẽ vấn đề nằm ở sự thay đổi quan niệm về mô hình gia đình trong đời sống ngày nay?

Tiến sĩ tâm lý Vũ Thị Minh: - Đúng là những mối quan hệ ngoài luồng vẫn tồn tại ngay cả trong xã hội phong kiến, mà rõ hơn trong đời sống dân gian.

Thế nhưng, có một nghiên cứu như thế nào. Các nhà khoa học thuộc Đại học Harvard đã tiến hành cuộc nghiên cứu kéo dài gần 100 năm với 724 người. Họ kết luận, tiền bạc, địa vị, quyền lực không làm cho con người hạnh phúc. Cái mang lại cho họ sự vui vẻ, nhẹ nhõm, an bình là mối quan hệ bền chặt và sâu sắc.

Như vậy, con người vẫn rất cần mối liên kết, gắn bó trong gia đình. Nhiều người cho rằng, gia đình sẽ mất đi nhưng theo tôi, gia đình sẽ không mất. Một xã hội cần cấu thành bởi các gia đình. Mỗi gia đình vẫn cần dựa trên những sợi dây kết nối chắc chắn, chỉ có điều hình thức nó khác đi. Ví dụ, thay vì vợ chồng ăn cùng nhau hàng ngày nhưng giờ chỉ 1 tuần ăn 1 bữa hoặc 1 tháng ăn 1 bữa cùng nhau nhưng vẫn có sự quan tâm đến nhau để cho chúng ta cảm thấy cuộc sống này đáng sống, ý nghĩa và hạnh phúc.

PV: Nếu nhìn nhân về thực trạng và nguyên nhân như vậy, thay vì nhìn nhận nó như một hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, để hạn chế tình trạng này, chúng ta cần làm thế nào? Vai trò của mỗi cá nhân, xã hội và pháp luật cần làm gì để hạn chế tình trạng này như thế nào?

Tiến sĩ tâm lý Vũ Thị Minh: - Mỗi công dân phải hiểu giá trị của hôn nhân, giá trị của gia đình. Người ta vẫn thường gọi vợ chồng là bạn đời, họ là bạn nhưng sống cuộc đời cùng nhau chứ không phải chịu đựng tra tấn lẫn nhau. Mỗi cá nhân phải tự hình thành cho mình giá trị chuẩn mực, tự mình phải khống chế mình và rèn luyện để đạt được chuẩn mực đề ra. Ngoài ra người bạn đời phải có sự giải tỏa thấu hiểu người kia để phòng ngừa, tự hoàn thiện bản thân để đối phương khi ra ngoài sẽ giảm khả năng ngoại tình.

Về mặt pháp luật, cần phải có chế tài cụ thể để hạn chế hành vi này. Đơn cử, nếu hai người đến thuê phòng ở nhà nghỉ, khách sạn không chứng minh được cả hai có quan hệ hôn nhân thì không cho thuê nữa. Hoặc nếu ai ngoại tình sẽ bị giảm lương hoặc cách chức, xử nặng những hành vi không chuẩn mực. Làm được như vậy, tình trạng này chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể.

Thanh Thanh (thực hiện)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/doi-dien-voi-ngoai-tinh-nguoi-trong-cuoc-xem-lai-chinh-minh-3423246/